Người Việt Nam dùng internet 5 tiếng 30 phút mỗi ngày, đứng đầu trong các nước ở khu vực ASEAN. Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại buổi họp Báo cáo Phát triển Thế giới 2016 với chủ đề: Lợi ích số được diễn ra vào chiều ngày 14.3.
Cổ vũ tinh thần dùng internet ngày càng nhiều của người dân hiện nay, Phó Thủ tướng Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã rất ý thức, chú trọng đưa ra chủ trương khuyến khích phát triển công nghệ số trong nước. Nhà nước đã đưa ra môi trường pháp lý đó là phải cổ vũ phát triển và kêu gọi coi công nghệ số là công cụ đặc biệt để giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn, đặc biệt công nghệ thông tin phải hướng tới hạn chế tiêu cực, giúp những người nghèo được tạo điều kiện khẳng định mình, giúp người dân có phương tiện để khẳng định bản thân. Việc yêu cầu người dân sử dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ cho thấy rằng Chính phủ đã rất minh bạch, chủ động cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân mà trong đó vai trò nòng cốt chính là các doanh nghiệp.
Internet, công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp lại càng quan trọng hơn vì doanh nghiệp luôn coi những phương tiện này là điều kiện, cơ hội để phát triển. Đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin thì trách nhiệm lại càng lớn, chẳng hạn như: Viettel, VNPT, FPT... trách nhiệm của họ với xã hội chung ngày càng được đề cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia có mặt tại buổi họp đã tiết lộ rằng, số lượng người Việt Nam dùng internet đã tăng lên rất nhiều so với trước đây, kéo theo đó là thời gian mà người Việt bỏ ra dùng internet cũng rất lớn, 5 tiếng 30 phút mỗi ngày, số giờ cao nhất trong khu vực ASEAN, thời gian người Việt bỏ ra dùng điện thoại là 2 tiếng 15 phút mỗi ngày. Có nhiều nguyên nhân khiến người Việt tiếp cận với internet nhiều, đơn cử gần đây là trường hợp của Flappy Bird, trò chơi đã thu hút hàng triệu người và giúp người tạo ra nó kiếm được 50.000 USD/ngày.
"Tuy nhiên, dù số lượng người tiếp cận với internet là rất lớn nhưng năng suất dùng internet lại đang có chiều hướng suy giảm thay vì tăng lên. Trên thực tế, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở Việt Nam vẫn còn khá lớn, thu nhập của tầng lớp trung lưu đã chững lại trong một thời gian dài. Công nghệ đã không mang tính trung lâp về tác động mà lại tác động nhiều hơn vào những người giàu, những người có năng suất cao hơn lại là những người sử dụng internet cao hơn", một chuyên gia có mặt tại buổi họp cho hay.
Tuyết Nhung