Đây là quan điểm của TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam khi trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới xoay quanh những sáng chế khoa học của các nhà sáng chế “chân đất”.
Hiện nay, chúng ta đang rất quan tâm đến những sáng chế khoa học của những người nông dân, phục vụ nhu cầu thiết yếu trong chính đời sống của họ. Vậy ông đánh giá như thế nào về những sáng chế đó? Và tại sao ngày càng xuất hiện nhiều những sáng chế của nông dân đến vậy?
TS Nguyễn Văn Lạng: Bất kỳ một người nào trong xã hội cũng đều có ý tưởng và cuộc sống đòi hỏi con người ta luôn phải có ý tưởng. Khi người ta gặp vướng mắc về vấn đề nào đó, họ sẽ cho ra được những ý tưởng để giải thoát, biến những ý tưởng đó thành những sáng chế, những công nghệ phục vụ cho đời sống xã hội.
TS Nguyễn Văn Lạng: Cái này chỉ đúng một phần thôi! Đúng trong phạm vi hẹp của lĩnh vực đó hoặc trong một tổ chức, đơn vị nào đó chứ không hoàn toàn đúng trong toàn xã hội. Xã hội nhất quyết phải cần những người có kiến thức, được đào tạo bài bản, phải có thêm các điều kiện về cơ sở vật chất, các cơ chế chính sách, phương tiện hạ tầng và sự kết nối của trong nước và quốc tế. Khi đó, mới có thể phát triển được.
Nếu chỉ suy nghĩ bình thường như vậy trong phạm vi hẹp, lượng thông tin không đầy đủ thì không bao giờ thoát ra được những ý tưởng chỉ phục vụ cho chính họ. Như vậy, khó có thể mở rộng ra phạm vi toàn cầu và trở thành công nghệ của nhân loại.
Nói về việc những sáng chế khoa học của người nông dân chưa được thị trường trong nước thừa nhận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng đây là hệ quả của hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện. "Luật pháp hiện nay chưa có một quy định nào quy định những sáng chế của người dân sẽ được công nhận. Vì vậy mới có thực tế sản phẩm người dân sản xuất ra, chất lượng tốt thật đấy, cũng có ý nghĩa trong sản xuất thật đấy nhưng vẫn khó được chấp nhận. Nói đúng hơn là không biết phải thừa nhận thế nào". Ông có ý kiến như thế nào về nhận định này?
TS Nguyễn Văn Lạng: Tôi đồng ý với ý kiến đó. Nhưng trước hết, chúng ta cần phát hiện ra những vấn đề và cần tập trung nghiên cứu cho từng ngành, từng lĩnh vực trong toàn bộ hệ thống xã hội.
Thứ hai, chúng ta đang rất cần một hệ thống chính sách hỗ trợ về công tác đào tạo phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu cho người nông dân để họ có thể tiếp cận tốt hơn với những khoa học tiên tiến nhằm giảm bớt thời gian, kinh phí, cũng như khả năng thành công cao hơn so với những phát minh mà họ tự mày mò làm ra.
Tôi nghĩ rằng, chính sách cần được tiếp cận dưới mọi mặt mới tạo ra được phong trào sáng chế khoa học trong giới nông dân. Đây là mảng khoa học không thể thiếu trong đời sống, trong hệ thống phát triển những phát minh sáng chế hay sở hữu trí tuệ... công nghệ, công nghiệp trong nông thôn. Tuy nhiên không nên kỳ vọng quá lớn vào nó.
Theo ông, có phải chúng ta đang thiếu một cơ chế tự do nghiên cứu để các nhà khoa học có thể độc lập về đường lối nghiên cứu, đi đến cùng trong khoa học? Và đó có phải là rào cản lớn nhất khiến chúng ta đang vơi đi những sáng chế của các nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Lạng: Trên thế giới chuyện đó rất bình thường. Bản thân Việt Nam cũng có nghị định 115 nhưng trên thực tế, nghị đinh đó vẫn chưa đủ sức mạnh để đảm bảo sự phát triển tốt hơn cho những phát minh, sáng chế. Nhưng có một nguyên tắc rất quan trọng, đó chính là các nhà sáng chế không đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các định hướng phát triển, tài chính cho việc nghiên cứu hay như hệ thống các thiết bị hỗ trợ cho nghiên cứu còn thiếu rất nhiều.
Tôi nghĩ điều ràng buộc khó nhất vẫn là tài chính cho nghiên cứu. Vì ta chưa có quỹ mạo hiểm lớn, nguồn tài chính cũng quá hạn hẹp. Mỗi một lần đầu tư vào đề tài là có rất nhiều yêu cầu kèm theo; thủ tục hành chính còn quá rườm rà; tính hiệu quả của các đề tài còn thấp. Cho nên, những nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, sự kết nối của các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học thế giới vẫn chưa tốt. Chúng ta cũng chưa có một trung tâm khoa học công nghệ có dữ liệu đầy đủ để sử dụng bất kỳ lúc nào như thế giới đã làm. Muốn làm được phải toàn cầu hóa, kết hợp giữa các tổ chức trong nước và quốc tế.
Vậy để khắc phục tình trạng trên, theo ông, những nhà sáng chế khoa học chuyên nghiệp cũng như nhà sáng chế “chân đất” nên có sự chung tay hợp tác như thế nào? Đồng thời, Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ, chính sách cụ thể ra sao để không bỏ lọt những phát minh hữu ích?
TS Nguyễn Văn Lạng: Mỗi bên đều có một lợi thế riêng. Nhưng nếu họ kết hợp được với nhau thì rất tốt nhưng cần phải có người thứ 3 chính là Nhà nước hoặc tổ chức nào đó của Nhà nước đứng ra để giải quyết vấn đề cầu nối, cơ sở pháp lý, tạo môi trường cho sự kết hợp đó.
Gần đây, Hội nông dân, Hội sáng chế đã có những giải thưởng nhằm khuyến khích những phát minh khoa học của nông dân. Tôi cho đó là cách làm tốt nhưng cần có thêm tổ chức để làm việc bài bản hơn, giúp nông dân có thể có nhiều sáng kiến tốt hơn nữa.
Xin chân thành cảm ơn ông.
Thu Anh (thực hiện)