Sau hơn 7 tháng bị tạm giam, ông Châu Hoài Phương đã về nhà khi được gia đình bảo lãnh tại ngoại.
Gần 19 giờ ngày 16.1, Trại tạm giam Công an Sóc Trăng nhận được quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Châu Hoài Phương, 40 tuổi, nguyên Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng. Ngay lập tức, ông Phương được trại tạm giam cho gia đình bảo lãnh về nhà sau hơn 7 tháng bị giam giữ.
Ngày 9.6.2017, ông Phương và Ung Văn Thanh (35 tuổi), nguyên kiểm soát viên Đội QLTT số 7, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Sóc Trăng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình điều tra, Công an Sóc Trăng cho rằng 2 bị can không phạm tội “Thiếu trách nhiệm” mà “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nên thay đổi quyết định khởi tố bị can vào cuối năm 2017.
Vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
4 ngày sau khi thay đổi quyết định khởi tố ông Phương và Thanh, Cơ quan An ninh điều tra Công an Sóc Trăng ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Sóc Trăng để nơi đây truy tố các bị can. Không hiểu vì lý do gì, ngày 4.1, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng chuyển kết luận điều tra cùng hồ sơ của cơ quan cùng cấp cho cấp dưới là Viện KSND TP.Sóc Trăng để nơi đây xem xét ra cáo trạng.
Ngày 16.1, luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Văn phòng Luật sư Vạn Lý (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) có đơn khiếu nại gửi Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và Ban Nội chính, Viện KSND tỉnh này về việc cơ quan công tố có dấu hiệu vi phạm điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo điều ấy thì "Viện kiểm sát cấp này thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì viện kiểm sát đó quyết định việc truy tố".
Đối chiếu trường hợp trên, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã phân công kiểm sát viên kiểm tra hoạt động trong giai điều tra, do cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Sóc Trăng tiến hành. Do đó, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan ra quyết định truy tố chứ không phải Viện KSND TP.Sóc Trăng.
Vấn đề thứ 2 mà luật sư Đức đưa ra là kể từ mốc thời gian ngày 5.1.2018 đến nay, tức sau khi Viện KSND tỉnh Sóc Trăng chuyển hồ sơ cho Viện KSND TP.Sóc Trăng thụ lý thì luật sư bị hạn chế quyền tiếp cận và sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án.
Vì vậy xét thấy cơ quan tiến hành tố tụng chưa vô tư khách quan đối với luật sư khi làm nhiệm vụ để bào chữa cho bị can theo luật định là vi phạm điểm l, khoản 1, điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định về quyền của luật sư được "đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra".
"Điều thứ 3 là kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng để đề nghị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng truy tố đối với bị can Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh theo khoản 2, điều281 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong khi thi hành công vụ là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý vững chắc để buộc tội bị can Phương cùng đồng phạm.
Ông Phương tại cơ quan điều tra - Ảnh: Hàm Yên
Đối chiếu với quy định pháp luật thì trường hợp phạm tội đối với hành vi này phải thỏa mãn đầy đủ cả 3 yếu tố bắt buộc, đó là: vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, làm trái công vụ và gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội... Hay nói cách khác nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự", luật sư Đức nhấn mạnh.
Dấu hiệu bất thường trong kết luận điều tra
Để làm rõ kết luận điều tra cho rằng 198 bao phân mà doanh nghiệp bán ra thiịtrường gây thiệt hại 1,87 tỉ đồng như kết luận điều tra nêu, chúng tôigặp nhiều nông dân thì biết được trung bình 1 bao phân sử dụng cho 1 công lúa (1.000m2). Như vậy, 198 bao (có thể làm tròn 200 bao) sử dụng cho 200 công lúa (20 ha). Nếu nông dân làm lúa giỏi thì vốn và lãi 1 công thu về sau vụ lúa là 5 triệu đồng, nhân cho 200 công chỉ có con số 1 tỉ đồng.
"Nếu 200 bao phân đưa xuống ruộng làm cho 200 công lúa chết hết như rải thuốc độc thì thiệt hại sẽ là 1 tỉ đồng. Còn phân chất lượng cho là giảm thì chỉ làm giảm năng suất, thì con số thiệt hại sẽ rất thấp nên kết luận điều tra tính toán như vậy là xa rời thực tế", mộtnông dân làm 50 công lúa ở TP.Sóc Trăng nói.
Không chỉ bất thường như đã nêu, chúng tôiđến TX.Ngã Năm để tìm các nông dân có tên trong kết luận điều tra là Trang Văn Trí (kết luận nêu thiệt hại 100 triệu đồng), Võ Văn Mực (thiệt hại 90 triệu), Võ Minh Tuấn thiệt hại 3 tấn lúa. Tuy nhiên, sau 1 ngày quần đảo khắp các nơi mà đại lý đã bán phân thì PV không tìm được 3 nông dân này.
Công an P.1 (nơi đại lý phân bón đặt cơ sở) tìm mãi trong các sổ lưu nhân khẩu ở các khóm cũng không có tên những "nạn nhân" của vụ án. Trưởng Công an P.1 ở TX.Ngã Năm cũng nói rằng ông chưa từng nghe hoặc thấy cơ quan điều tra mời những người có tên như đã vừa nêu lên làm việc với chủ doanh nghiệp về việc bón phân bị thiệt hại tiền hoặc lúa.
Theo kết luận điều tra, ông Phương là Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành (KTLN) do Sở Công thương Sóc Trăng thành lập tháng 3.2016. Haiphó đoàn là ông Trần Thanh Giảng (Phó phòng Cảnh sát kinh tế) và Võ Minh Thiên (Phó chánh Thanh tra Sở NN-PTNT) cùng 3 thành viên khác.
Tháng 4.2016, đoàn KTLN lấy mẫu 3 loại phân bón vô cơ của mộtdoanh nghiệp ở TX.Ngã Năm để kiểm tra. Sau khi 2 mẫu phân bón được kiểm nghiệm lần đầu và kiểm nghiệm bổ sung cho kết quả chưa đạt với chỉ tiêu ghi ngoài bao bì, đoàn kiểm tra đã họp và thống nhất giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp bằng cách cho giám định mẫu còn lại tại Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP.HCM). Lần giám định này cho kết quả đạt nên đoàn kiểm tra trả lại phân bón cho doanh nghiệp.
Kết luận điều tra cho rằng Thông tư 26 năm 2012, của Bộ Khoa học - Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3, mà kết quả thử nghiệm lại (lần 2) là căn cứ cuối cùng để xử lý. Tuy nhiên, ông Phương đã "Lợi dụng chức vụ Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT, Trưởng đoàn KTLN để quyết định cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm (lần 3) sai quy định".
Khi có kết quả thử nghiệm đạt, đoàn KTLN đã mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 198 bao phân trị giá khoảng 87 triệu đồng.
"Theo cách tính khoa học của giám định viên tư pháp Sở NN-PTNT Sóc Trăng thì 198 bao phân (9.100kg) được đánh giá là không đạt chất lượng, khi sử dụng hết sẽ gây thiệt hại cho người sử dụng 1.870.045.000 đồng", kết luận điều tra ghi.
Hàm Yên