Một ngày đầu tháng 5.2016, nhà văn Nguyễn Thanh Việt bước lên bục giảng của hội trường khoa Anh ngữ Đại học tiểu bang California tại Berkeley (UC Berkeley). Mỉm cười nhìn hơn 300 khán giả đứng ngồi chật cứng hội trường, Nguyễn Thanh Việt cầm điện thoại mở chế độ chụp ảnh và quay ống kính về phía khán giả: “Tôi xin phép chụp một tấm hình của quý vị. Lý do đầu tiên vì tôi là người châu Á. Lý do thứ hai: đây là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời tôi”.

Nguyễn Thanh Việt, giải Pulitzer 2016: 'Không có định nghĩa duy nhất về người Việt'

1 | 28/01/2017, 07:48

Một ngày đầu tháng 5.2016, nhà văn Nguyễn Thanh Việt bước lên bục giảng của hội trường khoa Anh ngữ Đại học tiểu bang California tại Berkeley (UC Berkeley). Mỉm cười nhìn hơn 300 khán giả đứng ngồi chật cứng hội trường, Nguyễn Thanh Việt cầm điện thoại mở chế độ chụp ảnh và quay ống kính về phía khán giả: “Tôi xin phép chụp một tấm hình của quý vị. Lý do đầu tiên vì tôi là người châu Á. Lý do thứ hai: đây là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời tôi”.

Hai mươi năm trước, Nguyễn Thanh Việt nhận bằng tiến sĩ Anh ngữ của UC Berkeley, và trong ngày ông trở về khoa giao lưu ký tặng cuốn Cảm tình viên - được trao giải Putlizer cho tiểu thuyết năm 2016 chỉ trước đó ba tuần - hàng chục giáo sư từng đào tạo ông đứng dậy đón chào cựu sinh viên của mình bằng những tràng pháo tay nồng ấm.

Từ thời điểm đó đến lúc trò chuyện với người viết bài này, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã trải qua hơn tám tháng liên tục di chuyển, đăng đàn, trả lời phỏng vấn truyền thông, viết bình luận cho những tờ báo hàng đầu nước Mỹ, và tiếp tục hoàn chỉnh các bản thảo cho những cuốn sách mới. Trong khi hầu hết độc giả Việt Nam vẫn chỉ biết đến Nguyễn Thanh Việt như một nhà văn sáng giá được nhiều giải thưởng văn chương với Cảm tình viên, dấu ấn của tác giả đang ngày càng được khẳng định và lan rộng trong cộng đồng văn chương và hàn lâm tại Mỹ. Sau Cảm tình viên, cuốn sách học thuật mang tựa đề Không có gì chết đi: Việt Nam và ký ức chiến tranh, do Nhà xuất bản Đại học Harvard phát hành tháng 3.2016, cũng được giới hàn lâm Mỹ chào đón nồng nhiệt. Chưa có dấu hiệu nhịp sống sôi động mà tác giả trải nghiệm trong năm 2016 sẽ lắng xuống trong những ngày tới.

Dù vậy, Nguyễn Thanh Việt vẫn dành thời gian chia sẻ những chủ đề mà theo ông, “chưa được đề cập đến trong những cuộc phỏng vấn khác” - từ ký ức một cậu bé 4 tuổi đến cuộc sống trong một nước Mỹ đa dạng nhiều mâu thuẫn, từ những trải nghiệm riêng đến lăng kính nhìn thế giới xung quanh, kết tụ vào thành công vang dội của tiểu thuyết đầu tay, và cả những hệ quả của thành công đó. Xâu chuỗi những năm tháng và trải nghiệm đó là một sự nghiệp viết, dù ít hay nhiều, dù xa hay gần, đều có gắn với hai chữ “Việt Nam”...

Việt Nam dưới lăng kính Cảm tình viên

Lúc này, khi đã có chút ít thời gian nhìn lại, ông lý giải thế nào về thành công của Cảm tình viên?

Tôi hy vọng Cảm tình viên thành công vì nó là một cuốn sách hay. Đây cũng là tác phẩm khác biệt so với nhiều tiểu thuyết Mỹ thông thường. Cho dù độc giả có thích cuốn sách này hay không, tôi có thể tự tin nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết thách thức các giới hạn về chính trị và thẩm mỹ. Đôi khi, các giải thưởng là để ghi nhận tham vọng của một cuốn sách - dù có thể đó là một tham vọng không hoàn hảo - và Cảm tình viên là một tiểu thuyết tham vọng, dù có lẽ vẫn là một tham vọng không hoàn hảo.

Ngoài lý do này ra thì vì sao cuốn sách giành được các giải thưởng ư? Giải thưởng nhiều phần là do yếu tố may mắn - trong đó có việc may mắn được xuất bản trong những hoàn cảnh xã hội và chính trị thuận lợi. Trong trường hợp của tôi, có lẽ yếu tố góp phần cho thành công của cuốn sách là vì tôi là một nhà văn Mỹ gốc Việt viết về chiến tranh Việt Nam tại một nước Mỹ đến giờ vẫn còn đang mang cảm giác tội lỗi về cuộc chiến đó. Một yếu tố khác nữa là người Mỹ vẫn coi tôi là người Việt Nam chứ không phải là người Mỹ gốc Việt - với người Mỹ, tôi có thể viết với tư cách đại diện cho người Việt Nam, mặc dù tôi chưa từng nói rằng mình viết đại diện cho người Việt Nam.

Có một chi tiết trong Cảm tình viên đã để lại ấn tượng sâu xa đối với tôi, đó là chi tiết nhân vật xưng tôi trong câu chuyện quỳ xuống ngôi mộ giả (được dựng trong một phim trường Hollywood) và thì thầm: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ vô cùng”. Với tôi, chi tiết này tượng trưng cho tấm lòng nguyên sơ của một người con Việt Nam (bất kể mang quốc tịch nào) đối với Mẹ Việt Nam khi đã rũ bỏ tất cả những “tấm áo” khác. Tôi thường tự hỏi đây có phải là chủ ý của ông khi viết trường đoạn ấy hay không...

Người mẹ Việt Nam trong Cảm tình viên đúng là có đại diện cho một mặt của văn hóa Việt Nam - sự trong trẻo và thiêng liêng - mà thông thường hay bị xóa nhòa trong lịch sử. Đối với người con trai (nhân vật trong truyện), người mẹ rõ ràng là có một ý nghĩa lớn lao vì tình yêu bà dành cho con mình, và vì người con đã lý tưởng hóa mẹ của mình. Nhiều người Việt Nam trong thực tế cũng lý tưởng hóa những khía cạnh mẫu hệ của nền văn hóa Việt Nam - ngay cả khi họ hờ hững hoặc lạm dụng những khía cạnh này.

Cảm tình viên kết thúc bằng một tia hy vọng - nhưng thực tế của cộng đồng Việt Nam di tản không giống thế, và số phận của họ cũng không hẳn như thế. Cộng đồng người Việt - bất kể theo lý tưởng nào - có thể không chấp nhận cái kết lạc quan như vậy, nhất là khi họ tin rằng họ biết rõ về cuộc chiến và thời hậu chiến. Ông nghĩ gì về điều này?

Cái kết của cuốn truyện chỉ là một tia hy vọng le lói mà thôi. Câu cuối cùng trong cuốn sách là “Chúng tôi sẽ sống!”. Đó là tia hy vọng tối thiểu chứ không phải là một hy vọng không tưởng - hoặc là một hy vọng không đúng với hiện tại - vì người Việt ở cả hai phía cuối cùng đều đã sống. Nhiều cá nhân đã thiệt mạng, nhưng số dân của cả hai phía đã tăng lên đáng kể. Sống không phải là bước hóa giải cuối cùng, vì những mâu thuẫn và đấu tranh của quá khứ, hiện tại, và tương lai, vẫn tiếp diễn. Được sống không nói lên gì khác ngoài việc sẽ tiếp tục đấu tranh và tiếp tục hy vọng.

Từ hành trình sống đến “bản sắc Việt”

Ông có thể kể lại hành trình của bản thân từ lúc đặt chân đến nước Mỹ? Có thể bằng cách đó, độc giả Việt Nam sẽ cảm nhận được cuộc sống cá nhân đã góp phần kiến tạo nên các tác phẩm của ông như thế nào...

Tôi đến Mỹ với tư cách là người tị nạn năm 4 tuổi. Ký ức của tôi bắt đầu từ lúc bị tách ra khỏi gia đình để “nhập gia” với gia đình đỡ đầu là những người da trắng. Tôi lớn lên cùng với người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc, và giữa những người tị nạn Việt Nam buồn bã. Đây là trải nghiệm khiến tôi nhận thức sâu sắc về tính đa dạng của cuộc sống Mỹ - trong đó có cả người Mỹ gốc Việt - và khiến tôi thấu cảm được việc người Việt Nam bị loại trừ ra khỏi ký ức của người Mỹ về cuộc chiến tranh. Từ đó, tôi nung nấu quyết tâm phải chỉ ra thực tế này khi đối diện với nó... Đó là lý do vì sao các tác phẩm của tôi, mặc dù chủ yếu nói về người Việt và cuộc chiến tranh Việt Nam, nói cho cùng là để hướng tới những chủ đề to lớn hơn - chiến tranh và ký ức,quyền lực và lạm dụng quyền lực, loại trừ và dung nạp, bất công và đấu tranh giành lại công lý. Lịch sử của bản thân tôi - với tư cách là người tị nạn mà cả hai đất nước đều không muốn đón nhận - đã khiến tôi trở thành một người viết luôn ngờ vực chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, và những tác phẩm viết ra không vì mục đích tạo nên sự thay đổi.

Trong cuốn Không có gì chết đi..., ông viết rằng ông là một trong số người Việt Nam bất mãn về những điều nước Mỹ làm nhưng vẫn muốn tin vào những gì nước Mỹ nói. Ông cũng là một trong số người Mỹ không biết nên hiểu về Việt Nam như thế nào và muốn tìm hiểu xem nên hiểu thế nào về đất nước này. Từ góc độ cá nhân, đây có phải là một vị trí khó khăn? Còn về mặt nghề nghiệp, vị trí này ảnh hưởng thế nào đến góc nhìn của ông, và được thể hiện ra sao trong các tác phẩm của ông?

Đây đúng là một vị trí khó khăn. Nếu tôi là một người theo chủ nghĩa dân tộc và chỉ nhìn một mặt của vấn đề thì dễ dàng hơn - vì đó là góc nhìn rõ ràng, trắng-đen xấu-tốt rõ rệt. Dĩ nhiên được sống ở một thế giới tự tin và phân định rạch ròi như thế thì thật là tuyệt. Nhưng tôi lại luôn sống trong trạng thái mâu thuẫn và lưỡng lự, và luôn tự hỏi phía bên kia nghĩ gì về mọi điều. Có đi đâu thì tôi cũng ở trong trạng thái này. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn đưa ra những quyết định dựa trên những giá trị và đức tin của bản thân. Nhìn thế giới qua góc nhìn mâu thuẫn, nhưng vẫn chung thủy với những giá trị mà từ đó ta có thể biến thành hành động, bắt nguồn từ sự mơ hồ và sự thấu cảm đối với phía bên kia - điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đó là lý do vì sao tôi có thể viết được những cuốn sách của mình - những cuốn sách của tôi là một dạng hành động và là sự biểu đạt đức tin rõ ràng của tôi.

Trong cuốn sách nói trên, ông cũng bình luận khá sâu về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và ký ức của cuộc chiến Việt Nam “nhìn từ phía bên kia”. Là một người viết, ông đánh giá thế nào về tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh khi mới tiếp cận Nỗi buồn chiến tranh? Tổng quát hơn, ông học được gì từ các tác phẩm Việt Nam về một đất nước mà ông sinh ra nhưng không lớn lên từ đó?

Tôi đã nghĩ, và bây giờ vẫn nghĩ rằng Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết tuyệt vời về chiến tranh. Tiểu thuyết này là một chuẩn mực về tiểu thuyết chiến tranh, và là một gia tài của thế giới, không chỉ là một tác phẩm về Việt Nam và cuộc chiến Việt Nam.

Còn về các tác phẩm văn chương và học thuật Việt Nam, tôi cố gắng đọc được càng nhiều sách càng tốt, qua các bản dịch. Dĩ nhiên những tác phẩm mà tôi được đọc giúp tôi cảm nhận thế nào là người Việt Nam - với tất cả sự đa dạng và những mâu thuẫn trong đó. Tôi cũng coi các tác phẩm của người Mỹ gốc Việt là một phần của nền văn chương và học thuật Mỹ và Việt Nam, và tôi hy vọng độc giả Việt Nam cũng nhìn nhận như thế. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một phần của cộng đồng người Việt - ta không thể đơn giản hóa cộng đồng này chỉ bằng một định nghĩa duy nhất thế nào là người Việt Nam được. Đó chính là lý do chúng ta nên hướng tới sự đa dạng của các tác phẩm, để tránh rơi vào cách nhìn nhận sơ sài về bản sắc, dân tộc, và văn hóa.

Ký ức và di sản

Ông có thể chia sẻ với độc giả về ký ức bền lâu nhất của ông về Việt Nam khi còn là một cậu bé, ấn tượng đầu tiên về Việt Nam lần đầu tiên ông trở lại, và những điều ông vẫn còn tò mò muốn tìm hiểu về Việt Nam?

Tôi không có ký ức nào về Việt Nam. Ký ức của tôi thực sự bắt đầu từ thời điểm tôi trở thành người tị nạn. Tuy nhiên, tôi có một “hậu ký ức” - đây là khái niệm mà học giả Marianne Hirsch đặt ra để nói về việc những người không thực sự nhớ đến một điều gì đó vẫn có cảm giác là họ có ký ức đó - đó là ký ức về người chị nuôi của tôi. Chị tôi bị bỏ lại khi chúng tôi rời Việt Nam. Chúng tôi có một tấm ảnh đen trắng năm chị 16 tuổi. Suốt những năm tôi lớn lên, tôi luôn tự hỏi chị là ai, vì sao chúng tôi bỏ chị lại Việt Nam, và chị đã cảm thấy gì vào thời điểm đó. Đây là một nỗi đau lớn với chị và cả với tôi nữa - dù ở một mức độ thấp hơn. Sự thiếu vắng thường trực này đã trở thành một biểu tượng về Việt Nam trong tôi.

Lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam năm 2002 với tư cách là khách du lịch, tôi không mang theo một kỳ vọng cụ thể nào. Tôi cố nghĩ rằng tôi sẽ không quỳ sụp xuống và hôn lên mảnh đất ấy, rằng tôi sẽ không đột ngột mà tái phát hiện mình là ai và nguồn gốc mình ở đâu. Và thực tế là tất cả những điều đó đã không xảy ra. Tôi cảm thấy mình vừa là người Mỹ vừa là người Việt. Một số người Việt Nam đối xử với tôi như là người Việt khi họ muốn tôi xử sự theo văn hóa Việt Nam, nhưng lại đối xử với tôi như người Mỹ khi họ muốn lấy tiền của tôi. Điều này chỉ khẳng định lại trong tôi một điều rõ ràng rằng không thể tách bạch câu hỏi bạn thuộc về nền văn hóa nào và mang bản sắc dân tộc nào ra khỏi một thực tế là chiến tranh, chủ nghĩa tư bản, và toàn cầu hóa có ảnh hưởng lớn lao đến quan hệ giữa người với người.

Còn việc tôi còn tò mò gì về Việt Nam à? Tôi tự hỏi những cuốn sách của tôi sẽ được đón nhận ra sao ở Việt Nam nếu bản dịch trọn vẹn được phát hành. Tôi cũng tự hỏi mình sẽ được đón nhận ra sao trong tư cách là một người không - và có lẽ sẽ không bao giờ - phải “trọn vẹn” hoặc “100%” thuần Việt Nam. Tôi tự hỏi người Việt Nam có khả năng đối diện với thực tế linh hoạt này không - tức là thực tế không phải (và cũng không nên) người Việt Nam nào cũng giống như nhau ở khắp mọi nơi.

Tại buổi tọa đàm ở Đại học Berkeley (California) vài tháng trước, ông đã chia sẻ một chi tiết thú vị dễ đồng cảm, đó là gia đình ông - đặc biệt là cha ông - ban đầu hoàn toàn không hề biết gì về mức độ thành công của Cảm tình viên. Tôi hình dung cho đến giờ, có lẽ nhiều thành viên trong gia đình ông vẫn chưa đọc trọn cuốn sách. Ông đã có thời gian ngồi trình bày về tiểu thuyết này với cha chưa, và việc đó với một người cha Việt Nam có phải là một tiết lộ lớn lao?

Cha tôi và tôi đến nay vẫn chưa nói chuyện về nội dung của cuốn sách. Tôi từng đưa ông đọc bản dịch tiếng Việt của các truyện ngắn mà tôi viết trước đây, nhưng ông không hồi đáp gì. Nếu Cảm tình viên có bản dịch tiếng Việt, tôi sẽ đưa bản dịch cho ông đọc, nhưng tôi không nghĩ hai cha con sẽ bàn về cuốn sách này. Tôi nghĩ có khi ông quá bận nên không có thời gian đọc các tác phẩm của tôi, hoặc có lẽ những điều tôi viết với ông là quá nhạy cảm. Thêm nữa, gia đình tôi không phải là kiểu gia đình hay trò chuyện - chúng tôi đến từ một dòng họ công giáo miền Bắc khắc kỷ. Tôi yên lòng vì cha tôi tự hào về công việc của tôi, và tôi không cần ông phải hợp thức hóa giá trị của tôi bằng cách đọc cuốn sách.

Ở thời điểm này, có lẽ còn hơi sớm để nói về di sản mà ông để lại cho thế hệ sau. Nhưng con trai ông, thế hệ Mỹ gốc Việt thứ ba, rồi sẽ lớn lên và biết về Việt Nam, về nước Mỹ, và về chỗ đứng của cháu trong thế giới này. Và dĩ nhiên cháu sẽ học được một phần kiến thức đó qua những tác phẩm - tức là di sản - của ông. Ông cảm thấy thế nào về điều này?

Tôi thấy mình đang làm những việc cần thiết để tạo ra một cuộc đối thoại mà cháu có thể lựa chọn tham gia hoặc không. Tôi chỉ có kiến thức về những câu chuyện của Mỹ và của Việt Nam dựa trên lịch sử bản thân tôi, mà cả hai đều không đủ. Cháu sẽ lớn lên khi đã có sẵn một dòng truyện của người Mỹ gốc Việt có thể giúp cháu giải thích cháu là ai. Tôi hy vọng cháu sẽ đọc những cuốn sách này. Ngoài việc viết sách, tôi cũng muốn gieo vào lòng con trai mình tình yêu những câu chuyện.

Nói một cách công bằng, với thành công của Cảm tình viên, bỗng nhiên ông “bị” đưa lên vị trí người nổi tiếng đặc biệt là đối với độc giả Việt Nam, dù tôi hình dung hầu hết chưa từng đọc cuốn sách này. Có vẻ như công chúng Việt Nam bỗng nhiên rất quan tâm đến những phát ngôn của ông về đủ loại vấn đề. Ông có thời gian để ngẫm nghĩ về điều này chưa, và nếu có, ông cảm nhận gì về điều này?

Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu độc giả Việt Nam thật sự đọc Cảm tình viên để biết xem họ có thực sự tự hào khi tôi lên tiếng đại diện cho họ hoặc là khi tôi được coi là người đại diện của người Việt Nam hay không. Thật tình tôi không muốn, nhưng ở một mức độ nào đấy lại được đẩy vào vai trò này. Đây là một tình thế khá rắc rối, vì dù chỉ muốn phát ngôn với tư cách cá nhân, tôi cũng nhận thức được rằng nhiều người khác - cả người Mỹ và người Việt Nam - hoặc kỳ vọng rằng tôi sẽ phát ngôn đại diện cho người Việt Nam, hoặc hy vọng tôi sẽ được xem là người đại diện cho họ, dù cho tôi có nói thế nào đi nữa. Và dĩ nhiên số lượng lời mời tôi viết bình luận cho báo chí và các ấn phẩm đã tăng lên nhiều vì vị trí đại diện này. Do đó, tôi sử dụng kênh này để được có tiếng nói trong những vấn đề quan trọng, nhưng đồng thời cũng cẩn trọng để không tô vẽ cho bản thân.

Kế hoạch sắp tới của ông là gì, và có liên quan đến Việt Nam không?

Tháng 2.2017 tôi sẽ xuất bản tập truyện ngắn mang tên Những người tị nạn, nói về Việt Nam và người Việt tị nạn. Tôi cũng đã ký hợp đồng để viết phần tiếp theo của cuốn Cảm tình viên - tập này sẽ có bối cảnh ở Paris những năm 1980. Tôi đang viết nhiều bài báo và bài bình luận về nghệ thuật và chính trị (phần lớn không phải về Việt Nam) với hy vọng một ngày nào đó sẽ tập hợp thành một cuốn sách về quan hệ giữa chính trị và việc viết lách.

Chân thành cám ơn những chia sẻ của ông.

Tác giả Nguyễn Thanh Việt sinh ra tại Buôn Mê Thuột, rời Việt Nam đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp đại học ngành Anh ngữ và sắc tộc học, và tốt nghiệp tiến sĩ ngành Anh ngữ tại Đại học UC Berkeley năm 1997. Hiện là giáo sư ngành Anh ngữ, Mỹ học, và sắc tộc học tại Đại học Nam California (thành phố Los Angeles).

Ngoài giải Pulitzer, Cảm tình viên còn đoạt năm giải thưởng quốc gia lớn khác tại Mỹ, và nằm trong danh sách những cuốn sách tuyển chọn năm 2016 của hơn 30 tờ báo và tạp chí tại Mỹ và trên thế giới, trong đó có The New York Times, The Guardian, Wall Street Journal, Washington Post.

Ngoài tiểu thuyết và sách học thuật, tác giả Nguyễn Thanh Việt còn viết truyện ngắn đăng trên nhiều tạp chí văn học Mỹ. Năm 2007, ông đoạt giải truyện ngắn của tạp chí Gulf Coast.

Tác giả Nguyễn Thanh Việt còn là chủ bút của trang mạng diaCRITICS, chuyên đăng bài về văn hóa, nghệ thuật, và chính trị của người Việt trong và ngoài nước. Ông cũng là một trong những người sáng lập Mạng lưới nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại (DVAN) từ năm 2007 nhằm giới thiệu và quảng bá phim ảnh, văn chương, và các tác phẩm nghệ thuật của cộng đồng nghệ sĩ gốc Việt trên toàn thế giới.

theo Cẩm Ly(Người Đô thị)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Thanh Việt, giải Pulitzer 2016: 'Không có định nghĩa duy nhất về người Việt'