“Vụ án vườn điều” là một trong những ám ảnh day dứt của nhà báo Lại Văn Long trong sự nghiệp làm báo của mình.
Nhà văn, nhà báo Lại Văn Long sinh năm 1964 tại TP.Đà Lạt, quê cha là Thừa Thiên-Huế, quê mẹ Bình Định. Anh tốt nghiệp Khoa Triết, Trường đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1988, công tác tại báo Công an TP.HCM từ đầu năm 1992 đến nay.
Trong hoạt động báo chí và văn chương, Lại Văn Long đã có hàng loạt tác phẩm nhiều giải thưởng lớn. Năm 1990-1991 tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện của anh được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ. Năm 2018 anh nhận giải Cây bút vàng của Bộ Công an cho tiểu thuyết Mật danh D9, cùng với đó là hơn 20 giải về báo chí cấp thành phố và quốc gia. Năm 2023, bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa của anh giành giải thưởng Sáng tạo TP.HCM và lập kỷ lục Việt Nam về bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất.
Ở lĩnh vực văn chương, Lại Văn Long đã gây ấn tượng với bạn đọc qua các tác phẩm như Đứa con thời hậu chiến, Thạch đế, Thủy cơ, Đường lên trời xa lắm, Gia tộc tướng cướp, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện, Lật lại án tử hình… Một số truyện ngắn của Lại Văn Long được dịch ra các ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản in ở nước ngoài, được giảng dạy trong nhiều trường đại học trong, ngoài nước.
Khoảng năm 1999, với vai trò là phóng viên báo Công an TP.HCM, Lại Văn Long cùng nhà báo Thiên Hà đã có chuyến công tác đến Bình Thuận để tìm hiểu về một vụ án giết người gây chấn động dư luận thời bấy giờ gọi là “Kỳ án vườn điều”. Từ các thông tin và kết luận của cơ quan điều tra, nhà báo Lại Văn Long đã có loạt bài viết đăng trên báo Công an TP.HCM nhằm tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Vụ án đã khép lại, hung thủ và những người có liên quan đã bị pháp luật trừng trị bằng các án từ 3 năm tù đến chung thân…
Nhiều năm trôi qua, một ngày nọ ngồi ở cơ quan đọc báo, nhà báo Lại Văn Long đã bàng hoàng khi nhiều tờ báo đã có những bài viết chỉ ra những sai sót trong quá trình điều tra, xử lý, tuyên án dẫn đến oan sai bị cáo trong vụ “vụ án vườn điều” năm xưa. Nhớ lại những gì mình đã “phóng bút” trước đây, nhà báo Lại Văn Long cảm thấy lương tâm mình bị cắn rứt dù những thông tin anh viết đều theo kết luận của cơ quan điều tra.
“Ở Việt Nam cũng như ở hầu hết các quốc gia, các nhà báo khi tường thuật vụ án đều phải dựa theo thông tin cung cấp từ nhà chức trách (trừ những trường hợp đặc biệt, các phóng viên tự điều tra, thu thập chứng cứ...). Thời điểm đó, tôi được cấp trên giao phụ trách bộ phận phóng viên, cộng tác viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên nên đề xuất ban biên tập cử hai phóng viên ra Bình Thuận, lấy thông tin, kết luận mới nhất về "Kỳ án vườn điều" và việc minh oan, xin lỗi, bồi thường cho các bị cáo chịu oan sai để đăng trên báo Công an TP.HCM. Nỗi oan khiên của 9 con người ấy dù có vơi đi nhưng vẫn cứ ám ảnh tôi...”, nhà báo lại Văn Long tâm sự.
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), nhà báo Lại Văn Long đã có buổi chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về quá trình tiếp cận tác nghiệp “kỳ án vườn điều” và những trăn trở của anh về vụ án oan sai này.
Về “vụ án vườn điều”
Ngày 21.5.1993, một số người dân ở đội 10, HTX 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận phát hiện một xác chết trong vườn điều nhà ông Hai Hoàng, nạn nhân là bà Dương Thị Mỹ, một người địa phương, nhưng lúc ấy cơ quan điều tra không tìm ra thủ phạm.
Tháng 4.1998, cũng tại đây xảy ra vụ án giết người, cướp tài sản, nạn nhân là bà Lê Thị Bông, hung thủ gây án được cho là Huỳnh Văn Nén. Trong quá trình điều tra vụ án này, Huỳnh Văn Nén khai nhận vụ án giết bà Dương Thị Mỹ là do Nguyễn Thị Nhung - chị vợ Nén - cùng những thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm - mẹ vợ Nén) tổ chức thực hiện để đánh ghen vào rạng sáng 19.5.1993.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 22 ngày 7.3.2001, TAND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt bà Lâm 10 năm tù; anh Sơn 8 năm tù; anh Tiền 8 năm tù; chị Tiến 6 năm 6 tháng tù; anh Sáng 3 năm tù và Huỳnh Văn Nén 6 năm tù về tội "giết người". Riêng Huỳnh Văn Nén buộc chấp hành án tù chung thân trong vụ án bà Bông. Trước đó, chị Nguyễn Thị Nhung bị bệnh chết, TAND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với chị Nhung; Vân, An và Cẩm được Viện KSND tỉnh Bình Thuận miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trừ Huỳnh Văn Nén, tất cả những người còn lại đều kháng cáo và kêu oan.
Sau đó, vụ án này được tiếp tục xét xử thêm nhiều lần, nhiều cấp. Do có kháng cáo kêu oan và xét thấy chưa đủ căn cứ buộc tội, nên bản án số 302 ngày 11.3.2005 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, đồng thời kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra lại vụ án. Ngày 26.12.2005, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra bị can đối với bà Nguyễn Thị Lâm, anh Nguyễn Văn Sơn, anh Nguyễn Văn Tiền, chị Nguyễn Thị Tiến và Huỳnh Văn Nén.
Sau nhiều năm phải ngồi tù và kêu oan của gia đình, đến tháng 9.2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án, sau đó Tòa án nhân dân tối cao hủy án đã tuyên trước đó để điều tra lại. Ngày 22.10.2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại để chữa bệnh. Ngày 28.11.2015, Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén.
Ngày 3.12.2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Huỳnh Văn Nén.