Trong hồi ký “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa”, Jennette McCurdy không chỉ tiết lộ những tháng ngày bị kiểm soát, lạm dụng dưới bàn tay của mẹ cô, mà còn phơi bày những mặt tối của ngành công nghiệp giải trí đối với các diễn viên nhí.
Dưới lớp vỏ của tình yêu thương
Khi loạt phim iCarly ra mắt vào năm 2007, Jennette McCurdy với vai diễn Sam Puckett, nhanh chóng nổi tiếng và được hàng triệu người yêu mến. Khi ấy, nhiều người nghĩ rằng cô hẳn sẽ có một cuộc sống đáng mơ ước. Thế nhưng, ở nơi máy quay không chiếu tới, cuộc sống của McCurdy lại hoàn toàn trái ngược. Cô không chỉ bị tước mất tuổi thơ, trở thành công cụ kiếm tiền, mà còn bị thao túng, lạm dụng và ngược đãi từ chính đấng sinh thành của mình.
Trong cuốn hồi ký Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa, Jennette McCurdy đã kể lại hành trình của cô từ khi còn là một diễn viên nhí cho đến khi tuyên bố tử bỏ nghiệp diễn vào năm 2017. Đan xen trong đó là những tiết lộ về mối quan hệ độc hại giữa cô và người mẹ ái kỷ Debra, cũng như hành trình cô tự chữa lành và tìm lại bản thân sau khi mẹ qua đời.
Cuốn hồi ký bắt đầu từ những ngày thơ ấu của McCurdy, khi cô sống trong một ngôi nhà chứa đầy đồ tích trữ, với cha mẹ, ông bà ngoại và ba người anh trai. Mẹ McCurdy được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 4 khi McCurdy mới 2 tuổi. Vì vậy mà ngay từ bé, McCurdy đã luôn lo lắng cho sức khỏe của mẹ và sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để mẹ vui, thậm chí là dấn thân vào ngành công nghiệp giải trí trong khi bản thân không hề muốn.
Debra - mẹ McCurdy là một người độc đoán, ái kỷ, thao túng và ám ảnh tích trữ. Bà từng có ước mơ làm diễn viên, nhưng vì không thực hiện được nên quyết tâm biến con gái duy nhất của mình thành ngôi sao. Để làm được điều này, bà đưa McCurdy đi thử vai từ khi 6 tuổi và kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của cô: từ việc dẫn cô đi ăn kem nhưng không cho cô chọn vị bánh quy sô cô la mà nói rằng trước giờ cô chỉ thích vị hạt và dừa; đăng ký cho cô tham gia các lớp học diễn xuất và khiêu vũ dày đặc; dạy McCurdy theo chế độ hạn chế calo nguy hiểm hòng giữ cơ thể trẻ con; cho đến việc nhất quyết tắm cho cô cùng anh trai Scotie khi ấy đã 16 tuổi; khám vú và âm đạo định kỳ cho McCurdy với lý do là kiểm tra các khối u ung thư cho đến ngày cô 17 tuổi…
Sự thao túng của Debra đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của McCurdy. Nhìn từ bên ngoài, McCurdy có vẻ rất thành công nhưng cô gần như mất đi danh tính và không còn định hướng được đời mình, từ mọi vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống cho đến những mối quan hệ hay quyết định trên con đường sự nghiệp.
Trong thời gian mẹ nhập viện vì bệnh tình trở nặng, McCurdy bắt đầu có những hành vi độc hại: mắc chứng rối loạn ăn uống, nghiện rượu, sống buông thả, làm việc hời hợt, rơi vào những mối quan hệ độc hại... Và phải rất lâu sau khi mẹ qua đời, McCurdy mới chấp nhận sự thật rằng bấy lâu nay cô đã bị mẹ lạm dụng và ngược đãi.
Trong cuốn hồi ký, cô đau đớn thừa nhận: “Tôi đã đặt bà ấy trên một cái bệ, và giờ tôi biết cái bệ đó có hại như thế nào đối với sức khỏe và cuộc sống của tôi. Cái bệ đó khiến tôi bế tắc, lãnh cảm, sợ hãi, phụ thuộc, gần như luôn ở trong tình trạng đau đớn về mặt tinh thần và thậm chí không có cách để xác định nỗi đau chứ đừng nói đến việc đối phó với nó”.
Thông qua câu chuyện của mình, McCurdy đã phơi bày cho mọi người thấy bức tranh đen tối đằng sau những mối quan hệ mang tính thao túng, nơi mà sự nhẫn tâm, ích kỷ được bọc lót dưới lớp vỏ của yêu thương. McCurdy phải mất một thời gian rất dài mới có thể vượt qua những cảm xúc phức tạp về mẹ mình và thực hiện các bước cần thiết để chữa lành và tìm lại danh tính của mình. Những chia sẻ về hành trình đấu tranh của cô cũng là những lời động viên cho những cá nhân đang ở trong hoàn cảnh bị thao túng có thể dũng cảm giành lại quyền làm chủ cuộc đời mình.
Mặt trái của ngành công nghiệp giải trí đối với diễn viên nhí
Trong cuốn hồi ký dày gần 500 trang, nếu những hành vi của mẹ McCurdy được xem là kinh khủng thì những tác động của ngành công nghiệp giải trí đối với cô cũng không tốt đẹp hơn là bao. Thông qua hành trình trưởng thành của mình, McCurdy cũng phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Mỹ đối với các ngôi sao nhí: từ việc các diễn viên nhí bị đối xử như những công cụ kiếm tiền, các cá nhân quyền lực có thể một tay che trời, cho đến các vấn đề lạm dụng, ngược đãi và những hậu quả tâm lý đi kèm mà người trong cuộc có thể gặp phải…
Một khi đã khoác lên người lớp áo của công chúng, những ngôi sao nhí sẽ không bao giờ có được những phút giây bình yên hay tận hưởng tuổi thơ bình thường như bao người khác. Đặc biệt, đối với những ngôi sao nhí bắt đầu từ phim truyền hình, công chúng sẽ đóng khung họ vào vai diễn. Ngay khi một ngôi sao nhí bắt đầu thể hiện sự trưởng thành và thoát khỏi hình ảnh cũ của mình, họ lập tức trở thành con mồi của giới truyền thông, bị xâu xé và rêu rao là nổi loạn, phiền phức… dù tất cả những gì họ đang cố gắng làm chỉ là trưởng thành.
Trong Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa, McCurdy chia sẻ: “Tất cả những gì mọi người nhớ về tôi chỉ là hình ảnh của tôi khi còn là một đứa trẻ. Tôi thấy mình đã khác xa hình ảnh đó. Nhưng thế giới không để tôi tách khỏi hình ảnh đó. Thế giới không để tôi là bất cứ ai khác. Thế giới chỉ muốn tôi là Sam Puckett”.
Điểm đặc biệt của cuốn hồi ký nằm ở chỗ, thay vì thể hiện những sự kiện quá khứ dưới góc độ của một người trưởng thành thì McCurdy lại trình bày nó dưới góc nhìn của cô bé McCurdy từ lúc 6 tuổi cho đến năm 21 tuổi. Khi mỗi trang sách được lật qua, góc nhìn ấy lại thay đổi một chút, tạo cho độc giả cảm giác như đang sống ở những quãng thời gian ấy cùng McCurdy. Không chỉ vậy, khi thuật lại những ngày tháng tăm tối của cuộc đời, McCurdy cũng không phỉ báng hay đổ lỗi cho bất kỳ ai. Cô mô tả các sự kiện đã xảy ra trong đời mình dưới góc độ khách quan nhưng cũng đầy chi tiết, kể cả những tính xấu và sai lầm của mình.
Sự chân thành và không ngại thể hiện điểm yếu của bản thân đã giúp câu chuyện của McCurdy trở nên thu hút và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bởi lẽ, đó không chỉ là câu chuyện về cuộc đời của một ngôi sao nổi tiếng mà còn là hành trình của một người “sống sót” sau hàng chục năm bị kiểm soát và thao túng. Như cô đã viết: “Tôi muốn cuộc sống của tôi nằm trong tay tôi. Không phải bị thao túng bởi chứng rối loạn ăn uống hay giám đốc casting hay người đại diện hay mẹ tôi. Cuộc sống của tôi phải là của tôi”.
Chưa đầy 24 giờ sau khi ra mắt, cuốn sách nhanh chóng cháy hàng tại nhiều nhà bán lẻ lớn như Amazon, Target, Barnes & Noble... Trong tuần đầu tiên phát hành, cuốn hồi ký của McCurdy đã bán ra hơn 200.000 bản ở tất cả các định dạng và trở thành sách bán chạy số 1 của New York Times suốt nhiều tuần sau đó. Ngoài ra, nó còn giành được giải thưởng Goodreads Choice năm 2022 cho thể loại hồi ký và tự truyện hay nhất. Đến nay, Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa đã bán được hơn 2,5 triệu bản trên khắp thế giới.
Về tác giả:
Jennette McCurdy là diễn viên trong bộ phim ăn khách iCarly của đài Nickelodeon và phần ngoại truyện Sam & Cat. Cô cũng từng tham gia loạt phim Between được chiếu trên Netflix. Năm 2017, cô từ bỏ diễn xuất và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp biên kịch kiêm đạo diễn. Các bộ phim của cô được giới thiệu tại Florida Film Festival, Salute Your Shorts, Short of the Week và nhiều sự kiện khác. Vở kịch một người diễn I’m Glad My Mom Died của cô đã có hai buổi diễn cháy vé tại nhà hát Lyric Hyperion và nhà hát Hudson ở Los Angeles. Cô là người chủ trì của Empty Inside, chương trình podcast từng đứng đầu bảng xếp hạng của Apple với những khách mời dám nói về những chủ đề khó nói. Cô hiện sống ở Los Angeles.