Foxconn đang tuyển thêm rất nhiều công nhân làm ca với mức lương cao hơn tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) trước ngày ra mắt dòng iPhone 16 vào tháng 9 tới.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhà máy này của Foxconn (Đài Loan) đã tuyển dụng hơn 50.000 công nhân tại Trịnh Châu hai tuần qua. Lương theo giờ cho công nhân tại nhà máy ở Trịnh Châu đã tăng lên 26 nhân dân tệ (3,63 USD) vào tháng 8 từ mức 25 nhân dân tệ hồi tháng 7, trong khi tiền thưởng lên tới 7.500 nhân dân tệ được cung cấp cho những nhân viên có kinh nghiệm làm tại đây, tờ National Business Daily đưa tin, trích dẫn các cơ quan lao động.
Tại Trung Quốc, Foxconn điều hành các nhà máy ở thành phố Trịnh Châu, Thâm Quyến, Thành Đô và Yên Đài.
Foxconn là nhà lắp ráp thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và hãng lắp rắp iPhone chính cho Apple.
Nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu thường xuyên tuyển dụng lao động ồ ạt trước khi ra mắt sản phẩm mới lớn, điều này dẫn đến việc có nhiều công nhân rời bỏ và gia nhập nơi đây trong khoảng thời gian vài tháng.
Trong mùa sản xuất cao điểm, mức lương trung bình hàng tháng cho công nhân có thể dao động từ 5.000 nhân dân tệ đến 7.000 nhân dân tệ, gồm cả việc làm thêm. Trong mùa thấp điểm, mức lương trung bình có thể giảm xuống còn từ 3.000 nhân dân tệ đến 5.000 nhân dân tệ vì làm thêm giờ không còn thường xuyên nữa.
Các quan chức của Foxconn không trả lời khi trang SCMP đề nghị bình luận hôm 11.8, ngoài giờ làm việc thông thường.
Buổi lễ giới thiệu dòng iPhone 16 là một trong những sự kiện được mong đợi nhất vì công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) đang trông chờ vào bản nâng cấp với trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp sẵn để thúc đẩy doanh số. Apple đặt mục tiêu xuất xưởng ít nhất 90 triệu máy dòng iPhone 16 trong nửa cuối năm nay, tăng 10% so với thế hệ trước.
Apple phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn từ các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Vivo, Huawei, Xiaomi, Oppo và Honor. Khi thị trường smartphone Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng trong quý 2/2024, Apple đã bị loại khỏi 5 nhà cung cấp hàng đầu, với mức giảm doanh số 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái dù đã giảm giá để thúc đẩy nhu cầu, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Đại Trung Hoa, gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, là thị trường duy nhất suy giảm trong quý 2/2024 với Apple. Doanh thu của Apple tại khu vực này giảm 6,5% xuống còn 14,73 tỉ USD trong quý 2/2024, so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự không chắc chắn về số phận của Apple Intelligence (bộ tính năng AI mới) rất được mong đợi tại thị trường Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone tại quốc gia này.
Dù di dời một số hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc, Foxconn đã ký thỏa thuận vào cuối tháng 7 với chính quyền tỉnh Hà Nam về một dự án sản xuất mới, trong đó công ty Đài Loan sẽ đầu tư 1 tỉ nhân dân tệ để xây dựng cơ sở kinh doanh mới cùng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trịnh Châu.
Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc Trung Quốc, Apple đã lên kế hoạch sản xuất các mẫu iPhone Pro mới bên ngoài nước này. Theo trang BGR, các đối tác của Apple sẽ sản xuất iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max tại Ấn Độ.
"Hàng năm, Apple đều tìm cách tăng cường năng lực sản xuất với các đối tác tại Ấn Độ. Việc sản xuất các mẫu iPhone Pro ở Ấn Độ đã được Apple cân nhắc vài năm trở lại đây. Năm nay, Apple sẽ sản xuất mẫu Pro và Pro Max tại Ấn Độ để đảm bảo dòng iPhone 16 Pro có sẵn tại quốc gia này sau khi ra mắt", một nguồn tin thân cận với vấn đề này tiết lộ cho trang BGR.
Trước đó, BGR đưa tin Apple có mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 1 trong 4 chiếc iPhone tại Ấn Độ vào năm 2026. Vì Ấn Độ chưa gặp nhiều vấn đề trong sản xuất các mẫu iPhone 15 nên Apple có thể quyết định trao cho quốc gia Nam Á cơ hội lắp ráp iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sắp ra mắt.
Theo BGR, nhà máy của Foxconn tại thị xã Sriperumbudur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu quá trình NPI các mẫu iPhone Pro và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt sau khi Apple giới thiệu dòng iPhone 16 vào tháng 9 tới.
NPI (New Product Introduction) nghĩa là giới thiệu sản phẩm mới. Đây là quy trình toàn diện gồm tất cả hoạt động liên quan đến việc đưa một sản phẩm mới từ ý tưởng ban đầu cho đến khi nó đó có mặt trên thị trường và sẵn sàng bán hàng.
Dù mối quan hệ của Apple với Trung Quốc sẽ tiếp tục nhiều năm tới, nhà sản xuất iPhone đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình vì hai lý do: Căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung gia tăng và vấn đề chỉ dựa vào một khu vực.
Nhà máy iPhone lớn nhất lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu từng gặp sự cố với việc sản xuất mẫu iPhone 14 Pro/Pro Max thời đại dịch COVID-19 do nhiều công nhân gây bạo loạn và đua nhau rời đi. Vì điều đó, Apple từng không thể giao những chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max kịp thời và nhiều người dùng chỉ có thể nhận được máy sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Kể từ đó, Apple cố gắng ngăn chặn điều tương tự xảy ra một lần nữa bằng mọi giá.
Những thách thức của Apple trước và sau khi triển khai Intelligence trên iPhone 16 ở Trung Quốc
Các nhà phân tích cho biết việc Apple loại trừ bản beta Intelligence rất được mong đợi khỏi thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone, đặc biệt là sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã rơi khỏi top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở quốc gia này trong quý 2/2024.
Sau khi Apple Intelligence trên phiên bản beta iOS 18.1 dành cho nhà phát triển trình làng, người dùng Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng vì bộ tính năng AI này vẫn chưa có mặt trên thị trường của họ. Phiên bản beta Apple Intelligence chỉ giới hạn cho người dùng Mỹ vì yêu cầu họ phải đặt ngôn ngữ trên thiết bị và trợ lý giọng nói Siri thành tiếng Anh (Mỹ), còn khu vực thiết bị thành Mỹ.
Dân mạng trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo (Trung Quốc) đang thực hiện cách tiếp cận chờ đợi và xem xét, với nhiều người tìm cách vượt qua các hạn chế của Apple. Một người dùng Trung Quốc trên mạng xã hội X cho rằng không cần phải lo lắng về việc bị bỏ lỡ Apple Intelligence vì đa số người dùng internet bên trong Great Firewall (Tường lửa Vĩ đại ở Trung Quốc) đều phải trải qua chuyện này.
Apple không trả lời khi được trang SCMP đề nghị bình luận về kế hoạch ra mắt Intelligence tại Trung Quốc.
Có nhiều điều không chắc chắn xung quanh cách thức và thời điểm Apple có thể đưa các tính năng AI của mình đến Trung Quốc, vì gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ cần giải quyết những thách thức lớn, gồm cả các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc về mô hình ngôn ngữ lớn và xử lý dữ liệu tại quốc gia này.
Việc thực hiện các lời hứa về AI trở nên cấp bách hơn khi Apple đang mất dần thị phần tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Lần đầu tiên trong nhiều năm Apple không nằm trong top 5 một quý ở một trong những thị trường quan trọng nhất của họ.
"Apple đang gặp khó khăn tại tại Trung Quốc đại lục. Việc bản địa hóa các dịch vụ AI của Apple tại Trung Quốc đại lục sẽ rất quan trọng trong 12 tháng tới”, nhà phân tích Lucas Zhong của hãng Canalys viết trong một báo cáo tuần trước.
Apple áp dụng phương pháp tiếp cận kết hợp trong chiến lược AI của mình, tập trung vào quyền riêng tư, hứa sẽ xử lý hầu hết các phép tính AI trên thiết bị và sử dụng hệ thống Private Cloud Compute để xử lý các vấn đề AI phức tạp hơn. Private Cloud Compute là loại dịch vụ điện toán đám mây mà trong đó các tài nguyên máy tính (như máy chủ, lưu trữ, mạng) được dành riêng cho một tổ chức hoặc khách hàng cụ thể. Không giống như đám mây công cộng, nơi các tài nguyên được chia sẻ giữa nhiều khách hàng khác nhau, đám mây riêng tư cung cấp một môi trường cách ly, an toàn và bảo mật hơn.
“Với mô hình ngôn ngữ lớn trên thiết bị do Apple tự phát triển, tuân thủ quy định của chính phủ Trung Quốc là thách thức chính, trong khi bản địa hóa là mối quan tâm thứ yếu. Vấn đề bản địa hóa có thể được giải quyết thông qua việc điều chỉnh mô hình, còn quá trình tuân thủ sẽ mất thời gian”, Lucas Zhong nhận định.
Tại Trung Quốc, cuộc đua tích hợp các tính năng AI tạo sinh vào smartphone ngày càng khốc liệt khi các nhà cung cấp lớn của Trung Quốc, từ Xiaomi (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh) đến Vivo, Oppo và Huawei (có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông), đã tích hợp nhiều chức năng hỗ trợ AI vào thiết bị của họ để giúp người dùng viết tin nhắn văn bản, chỉnh sửa ảnh, trả lời cuộc gọi và ghi chú.
Dù Apple đã hợp tác với OpenAI (do Microsoft hậu thuẫn) để tích hợp AI tạo sinh vào Siri và công cụ khác trên các thiết bị của mình bên ngoài Trung Quốc, công ty vẫn chưa công bố đối tác địa phương nào tại thị trường Trung Quốc, nơi ChatGPT không khả dụng.
Arthur Guo, nhà phân tích cấp cao của hãng IDC Trung Quốc, nhận xét: "Khả năng triển khai Apple Intelligence tại Trung Quốc phụ thuộc vào các cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng sự khác biệt chính giữa việc triển khai tại Trung Quốc và phiên bản toàn cầu sẽ nằm ở AI dựa trên đám mây".
Samsung Electronics, đối thủ cạnh tranh của Apple, đã hợp tác với Google trên thế giới và đạt được thỏa thuận với Baidu để cung cấp khả năng AI cho dòng Galaxy S24 tại Trung Quốc. Gã khổng lồ tìm kiếm Baidu (có trụ sở tại Bắc Kinh) được cho đang đàm phán với Apple về một quan hệ đối tác tương tự.
Apple không còn xa lạ với nhu cầu về một hệ sinh thái iPhone độc đáo để tuân thủ quy định tại thị trường Trung Quốc được quản lý chặt chẽ. Ví dụ, Apple đã nhượng quyền sở hữu hợp pháp dữ liệu khách hàng cho Guizhou-Cloud Big Data, công ty thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Các quy tắc kiểm duyệt tại Trung Quốc cũng chặn quyền truy cập của người dùng vào một số ứng dụng và dịch vụ lớn trên thế giới, gồm Instagram, Google Search và X trong cửa hàng ứng dụng địa phương.
Lucas Zhong dự kiến việc phê duyệt và triển khai Apple Intelligence tại Trung Quốc sẽ không gặp quá nhiều khó khăn từ các cơ quan quản lý do công ty Mỹ nhấn mạnh việc tuân thủ trong quá trình đào tạo mô hình AI và chính sách bảo mật tương đối minh bạch của mình.
"Chúng ta có thể mong đợi việc ra mắt Apple Intelligence tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nâng cấp iPhone, nhưng thách thức chính với Apple là khôi phục lại sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc bằng các bản cập nhật đổi mới về tính năng", Lucas Zhong nhận định.
Sự giám sát của Trung Quốc với công nghệ AI tạo sinh đã được thắt chặt, với các hướng dẫn và quy tắc mới trong năm nay để đảm bảo rằng nội dung do AI tạo ra phù hợp với những gì chính phủ cho phép. Tháng 8.2023, Trung Quốc đã áp dụng các quy định chi tiết quản lý các dịch vụ AI tạo sinh trong nước. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện các quy tắc bao phủ công nghệ mới nổi này.