Dịch giả - nhà văn Bích Lan mới đây đã có những nhận xét và đánh giá thú vị về cuốn hồi ký Chất Michelle của cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ.
“Trong buổi trò chuyện với các bạn tuổi mới lớn tại nhà hát Apolo vào năm 2015, Michelle Obama đã nói: "Ở tuổi của các cháu không có chàng trai nào đủ đáng yêu và thú vị để các cháu xao lãng việc học hành. Nếu ở tuổi của các cháu tôi cứ bận với ý nghĩ ai thích mình, ai nghĩ mình dễ thương thì tôi đã không trở thành vợ của Tổng thống Mỹ."
Tôi không mấy quan tâm đến các đệ nhất phu nhân, nhưng câu nói ấy khiến tôi mến bà. Tôi đọc về bà, nghe bà diễn thuyết, theo dõi những việc bà làm để biết vì sao ở vị trí quyền lực cao nhất ông Obama luôn muốn đi sóng đôi cùng bà, luôn nghiêng đôi tai lắng nghe bà khi đi dạo, đi xem bóng, luôn cười khi khiêu vũ cùng, và thường hẹn hò ăn tối vào cuối tuần dù cuộc hôn nhân của họ (theo lẽ thường) đáng ra đã...nguội theo thời gian.
Cho đến khi đọc cuốn Hồi ký này tôi đã hiểu. Đó là "Chất Michelle": Chất Michelle hình thành qua quá trình giáo dục "nặng" công của người mẹ "trầm ổn", ôn hòa nhưng quyết đoán và đầy quan tâm của Michelle. Chất Michelle hình thành từ thái độ coi trọng giáo dục và sự chăm chỉ trau dồi tri thức của bản thân bà từ khi còn nhỏ. Chất Michelle được làm giàu từ trải nghiệm sống chịu quan sát, rút kinh nghiệm và biết sẻ chia, cảm thông.
Chất Michelle là trí tuệ, phong thái, văn hóa ở mức cao trong mọi hoàn cảnh, từ cách ăn mặc cho đến cách ứng xử. Nhưng Chất Michelle cũng là sự nhạy cảm, tinh tế và khả năng thấu hiểu người khác. Bà viết về chồng mình: "Điều không bao giờ mất đi giữa sự ồn ào lúc ấy, giữa những đêm anh xa nhà, chính là sự quan tâm anh dành cho mẹ con tôi. Anh không hề xem nhẹ điều đó. Gần như mỗi lần anh sắp gác máy tôi đều cảm nhận được nỗi đau buồn giằng xé trong giọng nói của anh. Hầu như mỗi ngày anh đều buộc phải lựa chọn, gia đình hay chính trị, chính trị hay gia đình."
Hình ảnh hạnh phúc của Michelle và Barack gần như là mẫu mực trong chính giới. Nhưng họ hạnh phúc cho bản thân họ, cho gia đình họ, chứ không phải cho người khác ngắm nhìn. Tôi tin rằng dù không phải là vợ Tổng thống Mỹ một thời thì bà vẫn là một phụ nữ đáng mến, đáng khâm phục. Xét riêng về khả năng tự chủ, khi ông Obama đã "về vườn", bà xuất bản cuốn hồi ký này, chỉ trong ngày đầu tiên riêng ở khu vực Bắc Mỹ đã bán được 720 nghìn bản, trong tuần đầu tiên bán được 1,4 triệu bản, trong 4 tháng bán được 10 triệu bản, được dịch ra 25 thứ tiếng... Tôi đoán riêng tiền bản quyền bà Michelle dư sức nuôi cả gia đình và lo cho các con ăn học đến ...hết thế kỷ!
Cuốn sách đầy ắp những bài học đáng tham khảo về giáo dục, về kỹ năng sống, kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ, về giá trị nhân văn. Điều tôi e ngại nhất là giá sách: các bạn tôi trong nhóm làm cuốn sách này bật mí rằng đây là cuốn sách có giá bản quyền đắt kỷ lục ở Việt Nam, giấy cũng thuộc loại hảo hạng. Nếu ta cho là đắt, tiền mua cuốn sách này đủ cho một tháng gạo ăn của một người, nhưng số tiền đó cũng chỉ bằng giá của một chiếc váy loại tầm tầm mà sau một vài lần mặc thì coi như hết giá trị!
Một lần tôi trót dùng từ "đắt" với một cuốn sách, và chú Vinh, độc giả đáng kính của tôi kêu lên: "Cháu gái ơi, ai lại nói thế với một cuốn sách có giá trị!"
Nguyễn Bích Lan là một dịch giả kiêm nhà văn nhà thơ nổi tiếng tại Việt Nam. Cô bị bệnh loạn dưỡng cơ vô phương cứu chữa vào năm 13 tuổi khi đang học lớp 8 khiến cô phải từ bỏ rất nhiều giấc mơ cuộc đời. Để thoát khỏi căn phòng gần như “giam cầm” đời mình, Nguyễn Bích Lan đã tự học tiếng Anh, mở lớp dạy cho trẻ em trong làng. Năm 2002, Bích Lan bắt đầu dịch cuốn sách đầu tay và sau 10 năm đã dịch được hơn 20 đầu sách. Năm 2010, Bích Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN cho tác phẩmTriệu phú ổ chuộtvà trở thành hội viên của Hội này.
Cô cũng là tác giả của cuốn tự truyện “Không gục ngã”. Cô chia sẻ: “Không gục ngã”là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người.”