Nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi, một nhân cách lớn và một cây âm nhạc đại thụ đã chính thức rời xa cõi tạm.
Mới cách đây hai tuần, tôi may mắn được ngồi nói chuyện với ông trong những buổi chiều hè oi ả khi ông tâm sự về nền âm nhạc Việt Nam hiện nay vẫn còn ngổn ngang và rối loạn.
Dường như nhạc sĩ An Thuyên sinh ra là để viết nhạc, ông yêu những làn điệu dân ca, ông yêu những lời ru của mẹ, của những tiếng sáo, tiếng khèn cứ vương vấn trong lòng ông từ khi ông 8 tuổi. Nhạc sĩ An Thuyên đã từng tâm sự: "Từ thời chiến tranh, chú có những ca khúc đã nằm lòng trong đời sống của mình, những ca khúc đi cùng năm tháng, những ca khúc xây dựng. Đó là nền âm nhạc cách mạng. Còn đến ngày nay, chú thấy lớp trẻ vẫn tôn vinh nhưng có vẻ hời hợt. Có chăng nó chỉ là "dĩ vãng một thời" mà vô hình chung các lớp trẻ nhớ lại. Chúng ta có một di sản về âm nhạc đã được Thế giới công nhận như: Cồng chiêng, nhã nhạc cung đình, quan họ... thế nhưng nền âm nhạc đó vẫn chỉ.."quanh quẩn tre làng" chưa thoát nổi bởi chính chúng ta đã không biết phát huy những thế mạnh của chính mình".
Nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ cảm nhận của mình về nền âm nhạc nước nhà hiện nay
Đau đáu với nền âm nhạc đã và đang phát triển, với những nhạc sĩ trẻ có kiến thức, một lực lượng vững chắc để phát triển nền âm nhạc một cách mạnh mẽ nhất, nhạc sĩ An Thuyên như trút nỗi lòng vào mỗi ca khúc. Ca từ của ông gắn liền với dân ca, với lời ru nhẹ nhàng của mẹ, với sự yếm âu của bà và với tình yêu chan chứa, tinh khôi của đôi lứa.
Âm nhạc đến với ông nhẹ nhàng như một dòng suối, trên bàn làm việc của ông luôn ngổn ngang những bản thảo âm nhạc, của chiếc máy hát cũ kỹ mà ông yêu quý như chính sinh mạng của mình. Mỗi lần nhắc đến những chiếc máy hát, những đĩa than trong âm nhạc, mắt ông như sáng lên và lấp lánh những niềm vui. Nhạc sĩ An Thuyên còn trẻ lắm, còn da diết và hăng say với công việc sáng tác của mình. Ông có những đam mê không chỉ dành riêng cho những câu chữ, cho những dòng nhạc mà còn có những đam mê cho những chiếc máy hát cũ kỹ mà ông coi như sinh mạng của mình. Đôi lúc, có người hỏi rằng nếu đổi những chiếc máy hát lấy một căn nhà sang trọng thì ông có đổi không? Ông chỉ mỉm cười mà cho rằng: "Nếu bản thân minh sống mà không biết ý nghĩa của cuộc đời mình thì đó không còn là cuộc sống nữa. Vậy thì sống ở ngôi nhà nhỏ hay to thì có ích lợi gì?".
Cuộc sống đời thường của nhạc sĩ An Thuyên
Tâm sự về những điều đau đáu nhất trong cuộc đời, nhạc sĩ An Thuyên luôn nhắc nhở về những "nỗi đau mà di chứng chiến tranh để lại". Ông còn nhớ những kỷ niệ khi ông trực tiếp nhìn những giọt nước mắt của một người mẹ đã mất đi 4 người con trong cuộc chiến tranh, và người chồng đã vĩnh viễn ra đi sau cơn di chứng. Còn những tấm ảnh, một bàn thờ nhỏ và ngôi nhà bà đã sinh ra các con, nhưng ngôi nhà đó cũng sắp không còn là của bà nữa, bà phải trả lại mảnh đất đó cho người khác. Những giọt nước mắt của người mẹ hòa tan vào đất, hòa vào tâm hồn ông đầy nhức nhối. Ông cho rằng: "Sự vô cảm với những con chữ, con số, những thủ tục hành chính đã khiến biết bao người có công với cách mạng đã phải chịu thiệt thòi. Có lẽ mẹ đã đi gõ cửa nhiều nơi, đã đi tới nhiều vùng đất để tìm sự công bằng, để tìm một mảnh đất nhỏ thuộc riêng về những đứa con đã mất của mẹ. Nhưng đáp lại vẫn là những cánh cửa luôn đóng im ỉm mỗi khi bà tới. Đó là nỗi đau, là sự day dứt mà có lẽ nếu có cơ hội tôi cũng sẽ cùng mẹ đi đòi tới cùng mảnh đất mà các anh đã hy sinh bản thân giữ lấy".
Ngồi với nhạc sĩ An Thuyên, ông luôn nhắc nhở rằng lớp trẻ cần tôn trọng những giá trị lớn lao mà cha ông đã để lại, sự đau khổ nhất của con người đó chính là vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Thói vô cảm đó dù có là âm nhạc thanh khiết hay những giọng ca ngọt ngào cũng không thể khiến một tâm hồn sỏi đá nảy mầm. Chính vì thế, nếu có cơ hội được đền đáp hãy cố hết sức mà làm, mà đối đãi với những người có công. Có thế thì đất nước và cả nền âm nhạc nước nhà mới phát triển được.
Nhạc sĩ An Thuyên chụp ảnh cùng đồng nghiệp của mình
Đến ngày hôm nay, vào buổi chiều hè oi bức, dưới cái nóng đổ mồ hôi, người nhạc sĩ đã ra đi. Nền âm nhạc lại khuyết thêm một bóng cây đa, cây đề về những lời ca, tiếng hát mang làn điệu dân ca cứ vang vọng mãi. Sự ra đi bàng hoàng và đột ngột của nhạc sĩ Ca dao em và tôi khiến tất cả bạn bè và đồng nghiệp không khỏi bất ngờ, rất đông đảo văn nghệ sĩ, khán giả yêu mến những sáng tác của ông.
Một nén nhang thành kính thắp lên ngôi mộ còn vương vấn khói hương tiễn ông về miền đất xa, một miền đất mà ông mãi mãi sống trong lời ru của mẹ, tiếng ầu ơ của bà và tiếng vọng dân tộc, một nền âm nhạc vĩnh hằng vẫn mãi vang lên, rung đến tận tâm khảm của những nhạc sĩ trẻ Việt Nam.
Minh Khuê