“Nguy cơ lớn nhất không phải là những người tạo ra dòng nhạc đó mà là những người nghe. Hậu quả đáng ngại nhất là lứa học sinh cấp 1, cấp 2… sẽ tạo ra một thế hệ mang thẩm mỹ thấp”, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói về nguy cơ nhiễm độc “nhạc bẩn”.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: 'Nhạc bẩn' đang tạo ra một thế hệ trẻ mang tính thẩm mỹ thấp

bai cao | 12/12/2018, 22:26

“Nguy cơ lớn nhất không phải là những người tạo ra dòng nhạc đó mà là những người nghe. Hậu quả đáng ngại nhất là lứa học sinh cấp 1, cấp 2… sẽ tạo ra một thế hệ mang thẩm mỹ thấp”, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói về nguy cơ nhiễm độc “nhạc bẩn”.

Nổi tiếng là một trong những nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc cầu toàn, kỳ tính, khó tính… nhất làng nhạc mà khi nhắc đến Võ Thiện Thanh nhiều ca sĩ cũng phải sợ. Anh lí giải sao về chuyện này?

Đúng là tôi rất cầu toàn nhưng vì thế mới có được nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng được. Một sản phẩm âm nhạc muốn đạt được chất lượng phải mất thời gian rất lâu, chưa xong, tôi chưa cho ra đĩa gì hết.

Một phần âm nhạc của tôi đang làm không giống âm nhạc mà những ca sĩ Việt Nam đã từng hát. Đa số tôi thấy âm nhạc của mình là ballad nên tư duy hát của ca sĩ là hát ballad. Những dòng nhạc khác ca sĩ cũng rất hào hứng nhưng hát không được nên cần phải có thời gian để làm quen.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và ca sĩ Phạm Thu Hà trong buổi ra mắt MV Vũ điệu bình minh tại Hà Nội chiều 10/12.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và ca sĩ Phạm Thu Hà trong buổi ra mắt MV "Vũ điệu bình minh" tại Hà Nội chiều 10/12.

Chẳng hạn như bài “Vũ điệu bình minh” mà Phạm Thu Hà vừa ra MV là lúc đầu tôi nghe không nổi, muốn bỏ cuộc luôn… nhưng sau khi thu âm lần thứ 3 thì được luôn.

Âm nhạc đương đại không nhất thiết phải legato mà phải bắt nét như một nhạc cụ vậy. Muốn có được điều này đòi hỏi người ca sĩ phải nghe nhiều và quên đi cách hát cũ. Đó là lí do vì sao thực hiện đĩa với tôi bao giờ cũng lâu.

Nhạc sĩ Dương Cầm từng nhận xét, nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay đang là sự bắt chước chứ không có sự sáng tạo. Anh nhìn nhận như thế nào về điều này?

Khi theo học nhạc cổ điển trong Nhạc viện, người học phải biết đúng kiểu của những thể thức âm nhạc sau đó mới lồng yếu tố dân gian vào để ra hồn Việt. Nhạc nhẹ cũng vậy, có những loại căn bản mà đầu tiên phải làm ra đúng thể loại đó (chưa biết hay dở thế nào) thì nhạc Việt của mình đang thiếu cái đó.

Ví dụ, một người làm nhạc Pop, Jazz và EDM nhưng quá ít người làm đúng chuẩn. Âm nhạc Việt Nam chưa đúng chuẩn đã bị làn sóng Internet và làn sóng Gameshow tràn vào phá banh hết. Cho nên đến tận bây giờ vẫn không có nền móng căn bản.

Muốn âm nhạc phát triển đúng căn bản thì người nào làm thể loại âm nhạc đó rồi mới tính đến tính dân tộc sau.

Nhạc nhẹ Việt Nam có thêm điểm yếu nữa đó là những người có năng lực, trình độ lại lười, không chịu làm. Chúng ta phê bình những dòng nhạc khác… như một cái chợ nhưng nếu không có cái chợ với nhiều món hàng thì biết chọn gì.

Phải tung ra nhiều sản phẩm thì thị trường mới đa dạng, người nghe mới biết cái nào hay, cái nào dở để mà chọn lựa. Đã mất căn bản lại không làm nên nếu có ngồi đó mà chửi dòng nhạc này, dòng nhạc nọ thì cũng vô ích, không hiệu quả.

Theo anh, vì sao ngày càng có nhiều thể loại âm nhạc như: Như lời đồn, Như cái lò, Thẩm du…?

Tôi nghĩ bất kỳ quốc gia nào cũng có dòng nhạc đó và nó tồn tại song song với dòng nhạc chính thống. Không thể nào cấm được, miễn sao không vi phạm chính trị. Những thể loại nhạc đó phù hợp với thị hiếu của một bộ phận người nghe chỉ có nhu cầu nghe cho vui tai chứ không để gì lại trong đầu cả. Những thể loại âm nhạc làm cho người ta hướng thiện - văn minh lên thì lại quá ít.

Một mình ca sĩ không thể làm nên một sản phẩm chất lượng vì những sản phẩm chất lượng mang tư tưởng duy mỹ hoặc những điều đẹp đẽ phải xuất phát từ nhà sản xuất. Mà khổ nỗi rất ít nhà sản xuất có nhiệt huyết và chịu dấn thân. Chúng ta không nên quá “miệt thị” những dòng nhạc gây tò mò vì trong một dòng chảy phải có bên đục - bên trong, bên sáng - bên tối, bên sạch - bên bẩn… mới nhận diện được cái nọ cái kia.

Nguy cơ lớn nhất không phải là những người tạo ra dòng nhạc đó mà là những người nghe. Hậu quả đáng ngại nhất là lứa học sinh cấp 1, cấp 2… sẽ tạo ra một thế hệ mang thẩm mỹ thấp. Người bán rau bẩn bây giờ không bị mà người ăn mới bị. Con cháu chúng ta sẽ là người lãnh hậu quả, cũng giống như ăn rau bẩn vậy. Vì những người sáng tác ra thể loại âm nhạc bẩn xác định không làm vì nghệ thuật.

Nguyên nhân sâu xa này của thực trạng này là do giáo dục âm nhạc từ nhỏ đã không được coi trọng. Nếu chúng ta giáo dục một đứa trẻ từ nhỏ biết cái nào rau bẩn, cái nào rau sạch thì đương nhiên nó sẽ không bị nhiễm, sức kháng thể không bị yếu quá. Cách tốt nhất để giải quyết đó là giáo dục âm nhạc từ mẫu giáo đến cấp 2 phải chuẩn để chúng không bị nhiễm bởi xã hội quá nhiều thông tin như bây giờ.

Tôi không hiểu rõ các nhạc sĩ khác, riêng bản thân tôi để duy trì được niềm tin để làm mấy chuyện này thì phải tạo được cho mình cuộc sống tương đối bình yên. Còn nếu mình cứ xoay vần với những chuyện vật chất hoặc chuyện cơm áo gạo tiền thì hầu như không thể. Tôi nghĩ mỗi người có quyền lựa chọn cho mình một con đường. Mình lựa chọn con đường phát triển vật chất hoặc con đường bình an tâm hồn để làm nghề.

Quan trọng nhất của tôi là phải giữ vững niềm tin, cái đẹp bao giờ cũng tồn tại mãi mãi. Có thể nhiều lúc cái đẹp bị che mờ nhưng nó vẫn là cái đẹp. Tôi sống thoải mái bằng nghề thì mới làm được nghề.

Sau ngần đó năm bước đi trên con đường âm nhạc, anh tự hoạ như thế nào về con đường âm nhạc của mình?

Giấc mơ âm nhạc của tôi bắt đầu từ khi còn học phổ thông nhưng do điều kiện không cho phép nên tôi mới đi học nghề nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh thực ra là để trám tạm chờ lúc có điều kiện sẽ quay lại với âm nhạc.

Những năm học nhiếp ảnh tôi vẫn sáng tác nhưng tập tành thôi và khi chụp ảnh thì tôi cũng chỉ chụp ảnh nghệ thuật thôi. Nhưng do không có điều kiện nên tôi không thể theo đuổi được ảnh nghệ thuật. Nói chung đã đam mê nghệ thuật thì làm gì cũng dính đến nghệ thuật.

Anh được cả làng nhạc công nhận là sống cực kỳ hiền lành và đơn giản nhưng lại vô cùng chăm con?

Những thứ đó tôi kỹ lắm đơn giản vì hai đứa con của tôi đều theo âm nhạc hết. Cả hai đứa đều đang theo học piano ở Nhạc viện TP.HCM. Tôi muốn đích thân chở bọn trẻ đi học để bảo vệ tính mạng của chung. Dân piano tự đi học rồi lỡ có sự cố gì ảnh hưởng đến tay thì sao chơi đàn được.

Bên cạnh đó, khi chở con đi học bằng tôi sẽ cho các con nghe nhạc luôn, ở nhà không nghe nhạc được. Mình cho chúng nghe những loại nhạc mà mình nghĩ tốt cho nghề của chúng như: Classic, Jazz, nhạc phim… Đến nỗi bây giờ hai đứa con còn rành nhạc phim hơn tôi.

Với lại, chở con đi học mỗi ngày có một điều hay là ở nhà mình không tâm sự được với con nên khi lên xe hơi thì con với bố như những người bạn, có gì con cũng tâm sự hết với mình. Tôi rất thích cái cảm giác đó. Cách đó đáng để kỹ lưỡng, trừ khi mình không có điều kiện.

Tại sao một người hiền lành như anh lại từng có ý tưởng thành lập ban nhạc rock?

Thật ra hồi xưa (thập niên 90) tôi có thành lập ban nhạc rock rồi, ban nhạc 5 người đàn ông. Tôi là người sáng tác cho nhóm chứ không phải là người biểu diễn. Nhưng sau một thời gian tham gia thì thấy con đường này lêu bêu quá nên tôi quyết định nghỉ. Lúc nghỉ nhóm giận không thèm nhìn mặt luôn cho tới bây giờ. Thời điểm đó ban nhạc rock không có nhiều điều kiện như bây giờ đâu, hồi xưa khó khăn lắm, không có âm thanh để tập.

Anh có chia sẻ là trong các ca khúc anh viết về tình yêu thì tình yêu cũng nhuốm màu của thiên nhiên, nhân loại… Phải chăng hồi anh yêu bà xã, tình yêu cũng bắt nguồn từ những thứ lớn lao đó?

Tình yêu của tôi với bà xã cũng gắn với biển. Nhà vợ của tôi là một tiệm chụp hình nằm sát biển Vũng Tàu. Tôi xuống đó học chụp hình rồi quen bà xã luôn. Đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác ca khúc “Mãi cho tình lênh đênh” mà Lam Trường từng thể hiện rất thành công.

Cái mà tôi phát hiện ra lúc sáng tác âm nhạc đó là chính tình yêu rộng lớn và cao hơn tình yêu lứa đôi đã làm cho những sáng tác của mình đi xa hơn và không rơi vào bế tắc. Tôi nghĩ tình yêu thiên nhiên, tình yêu nhân loại sẽ làm cho mình đi xa hơn tình yêu đôi lứa. Dĩ nhiên tình yêu đôi lứa là hay rồi nhưng nếu cứ luẩn quẩn với những điều đó thì việc sáng tác của mình sẽ bị cụt.

Chính tình yêu của anh bao la và rộng lớn như thế nên hình như bà xã cũng không có cớ để ghen?

Trong cuộc sống bình thường, tôi cực kỳ nghiêm túc trong chuyện trai gái. Ca sĩ tới nhà thu là về thôi chứ cũng không có chuyện trò chuyện thân mật. Bà xã tôi cũng là người cảm nhận âm nhạc cực kỳ tốt.

Hầu hết các sáng tác của tôi hoặc những hoà âm thì cô ấy là người góp ý đầu tiên với tư cách khán giả thường. Từ đó tôi biết mà điều chỉnh lại. Yếu tố đó làm cho cuộc sống của hai vợ chồng lúc nào cũng có sự chia sẻ và thấu hiểu.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long/Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: 'Nhạc bẩn' đang tạo ra một thế hệ trẻ mang tính thẩm mỹ thấp