Rằm tháng Giêng hằng năm là dịp giỗ má tôi. Năm nay cũng vậy. Trước đây, khi ba tôi còn khoẻ thì ông đứng ra tổ chức. Những năm gần đây, việc này được ba giao cho gia đình anh Hai, là anh đầu thực hiện.
Tôi là con út của má, năm nay cũng làm mâm cơm, trái cây… tưởng nhớ đến bà. Dịch bệnh vẫn còn căng nên bữa cơm chỉ những người trong nhà và vài anh em cùng quê.
Dù thời gian đã lùi rất xa, trên 35 năm, tôi vẫn còn nhớ như in. Đó là vào một buổi chiều hoàng hôn buồn, khi tôi mới 4 tuổi. Nhà tôi tận trên núi Dương Trúc. Trong lúc đang chơi trò trẻ con (trốn tìm và bắn bần), chơi đồ hàng… với cu Đức con cậu Trận dưới nhà cậu ấy, cách nhà tôi chừng vài trăm mét, thì anh Hai chạy xuống nói với tôi là má đã mất, rồi anh ấy khóc. Má tôi mất tại bệnh viện Đà Nẵng, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh, nghe kể lại là bệnh đại tràng. Tôi cũng hồn nhiên khóc.
Tôi nhớ, những ngày sau đó là đám tang má tôi. Hàng xóm và bà con đến rất đông. Buổi tối, ông Diệu (cũng đã mất cách nay nhiều năm) đến bồng tôi ra sau hè nơi có đặt chiếc quan tài để nhìn vào mặt má lần cuối trước khi đi an táng vào rạng sáng hôm sau. Nhưng do còn nhỏ quá, chưa ý thức được gì nên tôi bỏ chạy khi ông Diệu đến bồng. Vậy là tôi không nhìn được mặt má lần cuối.
Rạng sáng hôm sau, khi được những người lớn, như chị Nhân, bồng theo đoàn người trên đường từ nhà vô Dương Là để an táng má, tôi luôn miệng nói “Đi nhanh không họ xem hết”. Tôi vẫn nhớ loáng thoáng là những người lớn cũng bảo tôi lấy đất bỏ xuống huyệt khi chôn cất má và tôi cũng làm theo.
Thời gian càng ngày càng lùi xa. Rất nhiều người như: ông Soán, bà Thắng, ông Diệu, bà Ưu, cậu Trận, bác Dự… nay đã thành người thiên cổ. Mỗi lần về quê, lặng nhìn những ngọn núi, chứng kiến những lớp người trước thưa vắng dần, lòng tôi càng buồn hơn. Dẫu vẫn biết rằng, sinh lão bệnh tử là quy luật, không ai tránh khỏi.