Ngày 22.1, một cuộc diễn tập sơ tán khi bị tấn công bằng tên lửa đã diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang tăng cao vì chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Đây là cuộc diễn tập ứng phó với một cuộc tấn công quân sự đầu tiên của thành phố Tokyo kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc cho đến nay. Cuộc diễn tập được thực hiện tại một khu vui chơi ở Tokyo, bắt đầu bằng thông báo: “Chúng tôi nhận được thông tin một vụ phóng tên lửa đã xảy ra. Xin vui lòng bình tĩnh sơ tán vào các tòa nhà hoặc những nơi ẩn nấp dưới lòng đất”.
Song song với thông báo bằng loa, một nhân viên đã chạy đi thông báo khắp khu vui chơi, và 250 người dân địa phương cùng nhân viên trong phòngkhi nghe thấy phải lập tức di chuyển đến những tòa nhà bê tông cốt thép vững chắc và một ga tàu điện ngầm gần đó.
Vài phút sau, một thông báo thứ hai được phát đi: “Tên lửa đã đi qua. Tên lửa có thể sẽ bay tới vùng Kanto về phía Thái Bình Dương”.
Người dân Nhật, đất nước hay bị động đất, vốn đã quá quen thuộc với những cuộc diễn tập sơ tán khi có thiên tai hay hỏa hoạn. Những cuộc diễn tập thường niên là hoạt động mà khắp nơi trên đất nước này, từ trường học, công sở đến viện dưỡng lão, phải thực hiện.
Tuy nhiên, diễn tập giả định bị tên lửa Triều Tiên tấn công vào thủ đô Tokyo là một điều khó nghĩ đến, mặc dù nhiều nơi khác đã thực hiện diễn tập tương tự.
Shota Matsushima, 20 tuổi, sinh viên đại học gần nơi diễn tập, cho biết: “Tôi nghĩ tốt hơn là không có cuộc diễn tập như thế. Tôi đang cầu nguyện sẽ không có cuộc tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên”. Còn theo Kana Okakuni, 19 tuổi: “Cẩn thận dù sao cũng tốt hơn, giống như diễn tập ứng phó với động đất vậy”.
Cuộc diễn tập tại Tokyo được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến phức tạp. Bình Nhưỡng từng đe dọa “nhấn chìm” Nhật Bản và biến đất nước này “thành tro bụi”. Năm 2017, Triều Tiên đã 3 lần phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản và hàng chục vụ phóng khác vào vùng biển Nhật.
Mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa qua, hệ thống cảnh báo quốc gia của Nhật đều gửi cảnh báo đến người dân qua điện thoại và hệ thống loa phóng thanh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng báo động là vô ích, vì có quá ít thời gian để sơ tán cũng như chỉ có vài cơ sở hạ tầng có thể tồn tại trong một cuộc tấn công hạt nhân.
Ngoài ra, tình trạng báo động nhầm cũng đã xảy ra. Vào tuần trước, đài truyền hình NHK đã đưa ra một cảnh báo sai rằng Triều Tiên có vẻ sắp phóng tên lửa, người dân Nhật nên tìm nơi ẩn nấp. Nhưng chỉ vài phút sau, đài đã lên tiếng xin lỗi.
Cuộc diễn tập ngày 22.1 ở Tokyo đã dẫn đến một số cuộc biểu tình. Bà Ikie Kamioka, giáo viên tiểuhọc về hưu 77 tuổi, một trong những người phản đối diễn tập, cho biết:
“Tôi không muốn tham gia vào cuộc diễn tập như vậy và tôi chống lại nó, vì điều đó là một cách để thúc đẩy chiến tranh. Bạn không thể sống sót nếu chiến tranh nổ ra. Một cuôc chiến hạt nhân sẽ phá hủy mọi thứ”.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)