Chiếc áo năm xưa mang tôi tới Patagonia, nhưng phải mãi tới khi tìm hiểu kỹ hơn về Argentina để lên lịch trình cho chuyến đi, tôi mới biết rằng Patagonia không phải là một địa điểm. Patagonia là cả một vùng rộng tới hơn 1 triệu km2, chiếm gần một nửa diện tích Argentina và và một nửa diện tích Chile.

Nhật ký lữ hành Argentina - P.5: Bắt đầu ở nơi tận cùng thế giới

17/05/2019, 18:27

Chiếc áo năm xưa mang tôi tới Patagonia, nhưng phải mãi tới khi tìm hiểu kỹ hơn về Argentina để lên lịch trình cho chuyến đi, tôi mới biết rằng Patagonia không phải là một địa điểm. Patagonia là cả một vùng rộng tới hơn 1 triệu km2, chiếm gần một nửa diện tích Argentina và và một nửa diện tích Chile.

Chỉ có khoảng 2 triệu dân, Pantagonia của Argentina có tổng cộng 9 vườn quốc gia với nhiều địa danh có cảnh quan rất khác biệt. Bao gồm các tỉnh La Pampa, Neuquen, Rio Negro, Chubut, Santa Cruz và Tierra del Fuego, Patagonia giáp dãy núi Andes ở phía Tây và biển Atlantic ở phía Đông. Muốn đi hết tất cả những vùng này chắc vài tháng vẫn là thiếu.

Vậy là đành ngậm ngùi chia tay ý định đi cả Patagonia bên Chile, để dành thời gian trọn vẹn cho Argentina, vì mục đích “đi chậm”, điều mà sau này tôi đã không hề hối hận. Những chuyến đi của tôi luôn được ưu tiên chọn theo chủ đề, nếu có quá nhiều sự lựa chọn. Chuyến đi này đã được chọn vào mùa thu, vậy nên sẽ có hai chủ đề chính: Thiên nhiên hoang dã và Sắc màu lá thu. Hành trình Patagonia của tôi sẽ đi từ Nam ngược lên Bắc, bắt đầu từ điểm cực nam của trái đất cách Nam Cực chỉ khoảng hơn 1.000km.

Bắt đầu như người Argentina thường nói: “Ushuaia, fin del mundo, principio de todo" - "Ushuaia, nơi tận cùng thế giới, nơi bắt đầu của mọi thứ".

Chuyến bay gần 4 tiếng đồng hồ vượt qua hơn 3.000 km đưa tôi rời Buenos Aires tới với thành phố cực nam của thế giới. Nói là không có sự hồi hộp trong chuyến đi này là nói dối. Cả đêm trước tôi đã trằn trọc gần như không ngủ được, mà cũng không rõ vì sao, chuyện quá xa lạ đối với kẻ hình như đang “tuổi ăn tuổi nhớn” như tôi. Mỗi chuyến đi đều mang tới sự hứng khởi khác biệt, nhưng phải thừa nhận rằng, ở chuyến đi này sự hồi hộp là không sao tả xiết. “Nơi tận cùng của thế giới” hiện ra trong sự ngỡ ngàng, khi máy bay dần hạ thấp độ cao. Những đỉnh núi băng trắng xoá sừng sững trong mây, nổi bật trên nền biển gần như đen thẫm lại trong tiết trời lạnh giá của mùa thu. Trùng trùng điệp điệp, dãy núi nọ nối tiếp dãy núi kia, mênh mang lan trên mặt biển, kéo dài đến vô tận.

Dưới cái màu trắng đến lóa mắt của lớp băng vĩnh cửu ấy là một màu đỏ sậm, dày như lông của loài thú hoang. Rừng! Những cánh rừng của miền cực nam thế giới đang chuyển màu đỏ sẫm. Cảm giác nghẹt thở. Cảm giác như cánh chim đang chao nghiêng, lảo đảo, choáng váng vì vẻ đẹp diệu kỳ, vì sự hùng vĩ của Thiên nhiên. Vừa bước ra khỏi sân bay tôi đã co ro trước cơn mưa và gió lạnh thổi về từ dãy Andes. Hay từ biển Nam cực? Tôi không rõ. Chỉ biết rằng sự háo hức cứ ngày một tăng theo từng bước chân. Nhiệt kế chỉ 6 độ.

Tren del Fin del Mundo - Nơi tận cùng thế giới- là một thành phố nhỏ mang tên Ushuaia nằm ở độ cao 6m so với mực nước biển. Một thị trấn thì đúng hơn. Đường phố lầy lội ngổn ngang trong cơn mưa thu dầm dề, dai dẳng. May mà không có gió nhiều như lời cảnh báo của anh bạn đi trước, nhưng trời đầy mây. Không lạ, khi biết rằng Ushuaia chỉ có trung bình 3,93 giờ nắng mỗi ngày, độ ẩm là 77%. Mùa hè và đông đều rất khắc nghiệt với tốc độ gió có thể lên tới hàng trăm km/giờ.

Mùa thu đỡ gió hơn nhưng lại hay mưa. La Isla Grande - Đảo lớn này xưa kia vốn là vùng “ rừng thiêng nước độc”, trở thành nơi lưu đày phạm nhân từ 1920 tới 1947, cũng chính vì lý do khí hậu khắc nghiệt đó. Những người dân chọn nơi đây làm quê hương có lẽ phải là những người can trường nhất. Những nếp nhà thấp đơn sơ nằm kề bên nhau trên triền đồi, tựa lưng vào núi nhìn thẳng ra eo biển Beagle.

Thoạt đầu tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy toàn nhà tôn, không phải chỉ mái tôn mà là cả ngôi nhà được làm từ tôn. Hỏi ra mới biết đó chỉ là “vỏ bọc” của ngôi nhà, nhằm tránh tuyết phủ trong mùa đông và tạo ra lớp cách nhiệt thứ hai trong mọi mùa. Với những người tới từ miền nắng ấm như tôi, mùa nào chả là mùa đông khi nhiệt độ cao nhất cũng chỉ khoảng 18-20 độ và “đặc sản” của nơi-bắt-đầu-mọi-thứ này là những luồng gió lạnh thổi về từ dãy núi phía Tây. Sự bộn bề ngang dọc của nơi này gợi nhớ về những vùng đất tìm vàng trong những bộ phim về miền viễn Tây Mỹ.

Nằm bên eo biển Beagle huyền thoại, con đường nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, Ushuaia nghĩa là “Vịnh biển hướng đông” trong ngôn ngữ của thổ dân Yamana, những người bản địa từng là chủ nhân duy nhất của chốn này. Chính xác thì thành phố này nằm ở phía nam của Đảo lớn Isla Grande de Tierra de Fuego, thủ phủ của tỉnh cùng tên thuộc Argentina. Nơi đây cùng là điểm xuất phát của hàng trăm chuyến tàu mỗi ngày đưa du khách đi khám phá Nam cực trong những tour ít nhất từ 5-7 ngày. Ushuaia cạnh tranh với 1 vùng đất khác nằm ở điểm sâu hơn nữa về phía nam, thuộc lãnh thổ Chile mang tên Puerto Williams trong danh hiệu “ Tận cùng thế giới“, nhưng Puerto Williams theo luật Chile lại chỉ là một ngôi làng nhỏ, vì thế đã không được công nhận danh hiệu này.

Đi theo tôi, luôn là những đỉnh núi phủ băng trắng xoá, không hiểu bằng cách nào luôn rực lên trên nền trời, khi vàng khi hồng, dù không hề thấy mặt trời ló rạng. Ấn tượng khi đặt những bước chân đầu tiên trên con đường của vùng đất cực nam thế giới thật khác biệt, không giống với những nơi tôi từng đặt chân tới, và rất khó gọi tên. Hay Argentina luôn là thế, luôn mơ hồ khó nắm bắt vào những buổi ban đầu? Giống như nàng tiểu thư đỏng đảnh trong điệu Tango hay giống như tảng băng trôi, chỉ có thể thấy phần nổi của nó? Hy vọng những ngày ở đây, tôi sẽ được thấy phần nào của “ tảng băng chìm”. Hy vọng những ngày ở đây sẽ cho tôi đủ trải nghiệm để có thể „xem mặt, đặt tên“ cho cái thứ xúc cảm kỳ lạ này.

“Bienvenido! Welcome!”. Cánh cửa sau lưng tôi đóng lại và một không gian ấm cúng mở ra. Tầm nhìn từ lobby khu nghỉ dưỡng hướng thẳng ra vùng biển mênh mang và dãy núi trùng điệp băng phủ trắng xoá. Bên ấy là Chile. Khu nghỉ này nằm ở một vị trí tuyệt đẹp trong một ngôi làng uốn mình theo đường cong của Vịnh Ushuaia. Từ phòng ngủ hướng biển, nằm trên giường cũng có thể thấy những cánh chim đang chao lượn ngoài kia. Đồ nội thất gỗ ấm cúng, mùi cà phê, mùi gỗ, hơi ấm của lò sưởi trong khung cảnh gía lạnh khiến tôi chỉ muốn lăn ra chiếc giường nệm trắng đang mời gọi, nhấm nháp cái sự sung sướng nệm êm chăn ấm. Nhưng tôi đến đây đâu phải để ngủ. Ushuaia có nhiều điểm thăm quan hấp dẫn gắn liền với lịch sử vùng đất này như Bảo tàng nhà tù, Bảo tàng Tàu biển, Trang trại cổ...

Nhưng đã xác định mục đích chuyến đi là chuyên đề Thiên nhiên và Mùa thu nên tôi sẽ chỉ tập trung vào vùng Công viên quốc gia nằm trên dãy núi Martial như một vòng cung dang tay bao bọc thị trấn mà thôi. Đứng từ cửa khu nghỉ tôi đã thấy dãy núi ấy ngay trước mặt, thật gần và thật lôi cuốn.

Ngoài kia dẫu giá lạnh, vẫn là nơi bắt đầu mọi thứ.

HS Trần Thùy Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
3 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật ký lữ hành Argentina - P.5: Bắt đầu ở nơi tận cùng thế giới