Sở Tài chính Đồng Tháp vừa đề xuất phương án tập trung xe công để quản lý, khi cán bộ nào có nhu cầu sẽ được đáp ứng như bình thường. Theo Sở, mỗi năm sẽ tiết kiệm ngân sách hàng chục tỉ đồng. Nhưng đưa ra thảo luận, nhiều cán bộ phản đối…
Với khoảng 400 chiếc, nhân lên mỗi năm tỉnh Đồng Tháp tốn 112 tỉ đồng để “nuôi xe công”. Nếu tính mỗi căn nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng, thì số tiền “nuôi xe” mỗi năm đủ xây 2.800 căn. Nhưng tính cho vui, bởi xe công vẫn là chuyện phải chi. Vấn đề là tiết kiệm thế nào.
Sở Tài chính cũng tính toán, thay vì sử dụng xe công, cán bộ sẽ đi bằng phương tiện taxi, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ tiết kiệm khoảng 15 tỉ đồng. Nhưng đi taxi cũng có cái khó riêng, là mất đi phần nào “cái uy” của cán bộ, chứ nói gì yêu cầu đi bằng xe buýt.
Do đó, Sở Tài chính đề xuất vẫn giữ số xe công sang trọng ấy. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần cho gom tất cả xe công của các cơ quan giao cho một đơn vị quản lý với mục đích sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và tiết kiệm hơn nguồn ngân sách cho tỉnh.
Sở Tài chính Đồng Tháp đã đưa ra cách làm là sẽ có một đơn vị sự nghiệp được giao quản lý toàn bộ xe công. Khi có nhu cầu sử dụng xe, các cơ quan, đơn vị đăng ký với đơn vị quản lý xe để điều động, sắp xếp một cách hợp lý. Việc sử dụng xe công sẽ được ghi chép cụ thể để tránh lãng phí, sử dụng xe công vào việc riêng…
Rõ ràng, đây là đề xuất táo bạo và khá hiệu quả. Bởi cớ gì ông bí thư 1 xe riêng, ông phó thì xe khác, còn chủ tịch cũng 1 xe, mấy phó thì thêm mấy xe nữa… Cứ mỗi lần cán bộ họp hành, cả “bầy xe” sang bỏ không, nhưng tiền lương tài xế vẫn lĩnh. Còn các sếp đã ngồi trong phòng họp, có khi cả mấy ngày. Cũng lúc đó, vị cán bộ khác muốn đi công tác thì phải lấy xe khác, tài xế khác.
Nay, xe nào bận, xe nào trống sẽ được bộ phận quản lý nắm ngay, sắp lịch và điều động theo nhu cầu đăng ký. Ông phó chủ tịch A dự họp cả ngày, thì ông phó chủ tịch B được giao xe ông A thường đi để đi. Ai dám cự, bởi đấy là xe công, nào phải xe riêng của ông A mà bắt nằm chờ. Trước mắt, chắc chắn sẽ thu thêm một phần ngân sách vì thanh lý không ít xe thừa, còn các xe còn lại được tận dụng tối đa, tránh “xe nằm không chờ sếp”.
Theo như số liệu được công bố từ Bộ Tài chính thì bản thân giá trị của mỗi chiếc xe công trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2014 cũng đã tăng lên. Cụ thể năm 2012, giá trung bình của một chiếc xe ô tô công phục vụ chức danh là 850 triệu đồng, đến năm 2013 là 889 triệu đồng và cho tới năm 2014 đã tăng lên là 923 triệu đồng...
Tuy nhiên, mới đây qua trao đổi với PV báo chí, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: UBND tỉnh đã tiến hành họp bàn lấy ý kiến các sở ngành và quyết định… chưa thực hiện đề xuất quản lý xe công theo hình thức tập trung.
Chung quy, các ý kiến phản đối vịn vào cớ cần… tiết kiệm, vì nếu phát sinh một cơ quan quản lý xe công, sẽ tốn thêm nhân sự và nhiều thứ khác, chưa kể phải xin thủ tục… rắc rối.
Theo ông Dương, thì Đồng Tháp sẽ… theo dõi các tỉnh thành trong cả nước, nếu tỉnh thành nào có đề xuất, cách làm nào hợp lý để tránh lãng phí xe công và tiết kiệm nguồn ngân sách cho nhà nước, thì sẽ học hỏi ngay.
Một cán bộ điều hành xe taxi ở Cần Thơ cho biết nếu chưa chuyên nghiệp lắm, thì số xe công của tỉnh Đồng Tháp chỉ cần tối đa 20 nhân sự quản lý là sẽ hiệu quả, bảo đảm không kẹt chuyến, ai đăng ký có ngay. 20 người, thậm chí nếu trả lương 10 triệu đồng/người/tháng, tức mỗi năm chỉ tốn 2,4 tỉ đồng.Nhưng không đáng bao nhiêu nếu so với việc trả lương cho hàng trăm tài xế lái xe công.
Nếu chỉ tính về tiết kiệm, thì 2,4 tỉ đồng trả lương cho 20 nhân sự so với những khoản tiết kiệm đáng kể đã nêu ở trên - nếu tập trung quản lý xe công, thì người học tới lớp 9 cũng biết nên chọn phương án nào, nói chi đến nhiều vị cán bộ có bằng tiến sĩ, thạc sĩ!
Vậy tại sao và tại sao? Chỉ biết, nếu tập trung quản lý xe công, chẳng còn cán bộ nào được lấy xe đi đám cưới, đi lễ chùa, thậm chí cho bà xã đi du lịch, đi chợ. Bởi xe công còn được tận dụng cho nhiều thứ lắm, chứ không phải chỉ cho công cán.
Nguyễn Hồ