Lễ hội đại danh y Hải Thượng Lãn Ông (H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vừa đón nhận bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội danh y Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa quốc gia

Một Thế Giới | 21/02/2016, 15:48

Lễ hội đại danh y Hải Thượng Lãn Ông (H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vừa đón nhận bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sáng 21.2, UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) kỷ niệm 225 năm ngày mất đại danh y Lê Hữu Trác, đồng thời đón nhận bằng công nhận lễ hội đại danh y Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cụ Lê Hữu Trác sinh ngày 11.12 năm Canh Tý (1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Từ năm 26 tuổi đến lúc mất, ông sống gắn bó ở quê mẹ là thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của ông Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng.
Ông mất vào năm 1791, mộ ông nay còn nằm bên khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung (huyện Hương Sơn).
Hằng năm, vào ngày mất của ông, người dân lại tề tựu về khu mộ và nhà thờ đại danh y dự lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông.
Cụ Lê Hữu Trác là người có đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ, quý giá là Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng...
Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Chín điều “Y huấn cách ngôn” của ông để lại là khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề y dược, là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.
Trong văn học, ông cũng được biết đến với tập ký Thượng kinh ký sự trong lần phụng mệnh chúa Trịnh Sâm ra kinh đô chữa bệnh vào năm Cảnh Hưng 43 (1782)…
Nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội, ngày 13.10.2015, Bộ VH-TT-DL đã có quyết định công nhận lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quy định siết việc phân lô bán nền: Hiểu sao cho đúng?
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng quy định hạn chế phân lô bán nền chỉ áp dụng đối với dự án bất động sản, không áp dụng với đất cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tách thửa với mục đích cho/tặng, thừa kế, chuyển nhượng cho người khác.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ hội danh y Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa quốc gia