Để đáp ứng yêu cầu số hoá, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ngành lao động – thương binh – xã hội (LĐ-TB-XH) cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình, tuy nhiên gặp không ít khó khăn.
Nhịp đập khoa học

Nhiều khó khăn trong số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội

Lam Thanh 18:38 26/03/2024

Để đáp ứng yêu cầu số hoá, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ngành lao động – thương binh – xã hội (LĐ-TB-XH) cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình, tuy nhiên gặp không ít khó khăn.

Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội

Ngày 26.3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân".

Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ LĐ-TB-XH cho biết phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.

Để triển khai số hóa luồng xử lý chi trả, bà Hà cho hay ngành LĐ-TB-XH và lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả, do đối tượng quản lý hơi đặc biệt. Đó là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến; người cao tuổi – khó thay đổi trong quan điểm khi nhận tiền trợ cấp; các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh.

ha-1.jpeg
Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin - Bộ LĐ-TB-XH

Để đáp ứng yêu cầu chi trả không dùng tiền mặt, ngành LĐ-TB-XH cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình, tuy nhiên gặp không ít khó khăn.

"Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn từ tập thể người có công, từ các nhóm đối tượng cần bảo trợ xã hội… kiến nghị được nhận tiền mặt thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả để đến các bưu cục nhận", bà Hà nêu.

Theo bà Hà, tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân… Đó là những khó khăn để thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản của ngành LĐ-TB-XH.

Về chi trả cho cá nhân vào tài khoản, ông Nguyễn Thế Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết ngày 9.1 Kho bạc Nhà nước đã thực hiện triển khai thí điểm chi trả lương cho các cá nhân qua tài khoản thông qua hệ thống dữ liệu với Kho bạc Nhà nước tại 2 địa phương là Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Sau 3 tháng triển khai, cơ bản việc thực hiện quy trình này được đánh giá rất tích cực.

ha-3.jpeg
Các khách mời thảo luận tại toạ đàm

Sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự quy trình chi trả lương. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng, từ đó lập bảng thanh toán và cơ quan LĐ-TB-XH sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước.

“Quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước. Trước đây khi các đơn vị chuyển lên dịch vụ công trực tuyến thì Kho bạc Nhà nước sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang bảng thanh toán ra ngân hàng thương mại để thanh toán. Với quy trình này, khâu đó sẽ được số hoá và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác”, ông Thế Anh nói.

Về phía ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan chức năng đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nâng cấp hệ thống, tiện ích để xử lý tức thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; cho phép chi trả an sinh xã hội an toàn, tiện lợi, nhanh chóng đến người hưởng.

Một khía cạnh nữa, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán đã phát triển hệ sinh thái số, cụ thể ở đây là các tài khoản thanh toán, ví điện tử, tài khoản mobile banking để đáp ứng cho người dân có nhu cầu chi trả an sinh xã hội, để tiếp nhận và sử dụng nguồn tiền nhận được.

Dịch vụ mới nhưng rất có tiềm năng

Trong triển khai hạng mục về chi trả an sinh xã hội, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) là đơn vị đứng ra cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật để kết nối giữa hệ thống ngân hàng nhằm chia sẻ dữ liệu và cho phép người dân, khách hàng thông qua ứng dụng VNeID đăng ký số tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money dùng để nhận chi trả an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS cho hay, thông qua việc đăng ký kết nối trực tuyến, khách hàng có thể được xác thực trực tuyến và đảm bảo tính chính xác đầy đủ những thông tin về số tài khoản cũng như số tài khoản mobile money để sau này tạo điều kiện cho việc chi trả những khoản an sinh xã hội đúng đối tượng, đúng đủ.

Theo ông Long, sau khi các ngân hàng thương mại nhận được thông tin và thực hiện giao dịch chi trả cho các đối tượng, NAPAS sẽ vận hành hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng để chuyển tiền ngay đến tài khoản thanh toán đã được người dân đăng ký một cách thông suốt và chính xác.

ha-2.jpeg
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS)

Trong thời gian tới, sau khi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ công an thực hiện cập nhật chính thức tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID để người dân có thể đăng ký tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money, NAPAS sẽ cùng phối hợp thực hiện triển khai chính thức, rộng rãi.

Tuy vậy, theo ông Long, khó khăn vướng mắc chủ yếu ở đây là dịch vụ chưa có tiền lệ. Việc thực hiện thanh toán chi trả giữa các ngân hàng với nhau thì NAPAS và các ngân hàng đã vận hành từ lâu, nhưng lần này là kết nối giữa hệ thống ngân hàng và cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH.

“Trong quá trình làm việc chúng tôi phải họp bàn rất nhiều, không chỉ giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà còn cả quy trình nghiệp vụ, pháp lý. Nhưng do có sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, đến nay NAPAS đã sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Công an và các bộ, ngành khác để triển khai thông suốt dịch vụ chi trả an sinh xã hội”, ông Long nói.

Ông Lê Anh Dũng bày tỏ dịch vụ này tuy mới nhưng có tiềm năng sẽ triển khai rất thành công, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, cho người hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Chưa kể đã có tiền lệ là cán bộ, công chức nhận lương nhanh chóng, kịp thời, an toàn qua tài khoản ngân hàng, kênh điện tử, qua việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị chức năng rất kịp thời nhanh chóng.

“An sinh xã hội được số hóa mang lại nhiều lợi ích. Trước tiên là sẽ an toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, đảm bảo sẽ đến được tận tay người hưởng. Các cơ quan chức năng có quy trình số hóa cho phép khâu kiểm tra, kiểm soát, giám sát được thực hiện thông suốt, minh bạch và an toàn”, ông Dũng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khó khăn trong số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội