Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết "trước đây có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng. Nhưng hiện nay, tôi mở tài khoản chỉ mất 3 phút, bằng điện thoại di động".
Nhịp đập khoa học

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng: Trước kia mở tài khoản ngân hàng mất cả buổi sáng, giờ chỉ cần 3 phút trên điện thoại

Lam Thanh 26/03/2024 12:25

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết "trước đây có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng. Nhưng hiện nay, tôi mở tài khoản chỉ mất 3 phút, bằng điện thoại di động".

Sáng 26.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Các doanh nhân trẻ đặt câu hỏi rằng Chính phủ đã phê duyệt đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp nói chung đã là việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua. Điểm đột phá là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai cho giai đoạn vừa rồi.

dung-1.jpeg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng

Theo ông Dũng, nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian vừa qua, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích.

Ví dụ số liệu của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết trong mùa tuyển sinh vừa rồi có hơn 97% thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến thay vì trực tiếp bằng bản giấy. Có được như vậy là nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu, là nhờ xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Mỗi bạn trẻ ngồi đây đều có một tài khoản ngân hàng, có được tài khoản ngân hàng bây giờ rất dễ dàng, hơn hồi xưa rất nhiều. Thời xưa, có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng. Nhưng hiện nay, gần nhất tôi mở tài khoản ngân hàng chỉ mất 3 phút bằng điện thoại di động, không phải hiện diện. Đây là thành quả của nỗ lực mà chúng ta đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian vừa qua”, ông Dũng nêu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT-TT đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay có khoảng hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này, trung bình nền tảng này có 3 triệu giao dịch mỗi ngày.

Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ TT-TT, các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu. Hoặc các doanh nghiệp trẻ trước hết có thể lên khai thác ngay dữ liệu mở được các bộ ngành, địa phương cung cấp mà không cần đáp ứng điều kiện gì.

dung-2.jpeg
Thủ tướng đối thoại với thanh niên

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng phải có quyết tâm chính trị và nền pháp lý phù hợp, đầy đủ với công cuộc chuyển đổi số.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm trực tiếp chỉ đạo khi chúng ta xong dự án dữ liệu dân cư quốc gia, dự án xây dựng, quản lý cấp căn cước công dân gắn chip điện tử. Ngày 6.1.2021, Thủ tướng đã có Đề án 06 và ra chỉ thị rất cụ thể cho các bộ ngành.

“Từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu chính phủ tới các yếu tố pháp lý, chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, các nghị định về bảo vệ dữ liệu, thông tư về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Tiến tới chúng ta tiếp tục xây dựng luật dữ liệu và nâng thông tư bảo vệ dữ liệu lên thành Luật Bảo vệ dữ liệu, chúng ta sẽ từng bước hoàn thành”, ông Ngọc nói.

Về tiếp theo, ông Ngọc cho rằng phải có hạ tầng công nghệ, tức là các thiết bị phần cứng và phải có bộ phần mềm để thực hiện; phải có dữ liệu vì tất cả mà không có dữ liệu thì sẽ không tạo nên được kết nối, chia sẻ; phải có một giải pháp bảo mật…

Theo ông Ngọc, sau khi có dữ liệu, hiện nay Việt Nam đã có hơn 105 triệu dân. Như vậy thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "đúng - đủ - sạch - sống", chúng ta đã có dữ liệu rất chính xác. “Chúng ta cũng đã có 89 triệu người đã được định danh và định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp căn cước công dân gắn chip điện tử”.

Theo Nghị quyết 175, ngày 30.10.2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia. Tại đó sẽ có 8 luồng dữ liệu sẽ xây dựng đó là dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.

“Trên những nguồn dữ liệu chính như vậy chúng ta sẽ có kết nối, chia sẻ có hiệu quả, chúng ta sẽ tạo dần nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; đồng thời tạo nên nền kinh tế số, phòng chống tội phạm, cụ thể là phòng ngừa tham nhũng vặt, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng”, ông Ngọc nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.

dung-3.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc đối thoại

Thủ tướng cho hay Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.

Thủ tướng cũng cho biết phải cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục thì có nhiều giải pháp, nhưng 2 giải pháp rất cơ bản gồm: Một là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; hai là ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng: Trước kia mở tài khoản ngân hàng mất cả buổi sáng, giờ chỉ cần 3 phút trên điện thoại