Khi mưa xuống, nước từ mái nhà sẽ chảy xuống máng xối, tập trung vào một hoặc nhiều chỗ (tùy lưu lượng mưa) rồi qua một tấm lọc cặn, bã. Sau đó nước này sẽ đi qua một hệ thống lọc cơ học để đảm bảo hạn chế tối đa các chất rắn lơ lửng, bụi bẩn.

Nhóm sinh viên sáng chế mô hình thu gom nước mưa tại ĐBSCL

02/11/2016, 11:22

Khi mưa xuống, nước từ mái nhà sẽ chảy xuống máng xối, tập trung vào một hoặc nhiều chỗ (tùy lưu lượng mưa) rồi qua một tấm lọc cặn, bã. Sau đó nước này sẽ đi qua một hệ thống lọc cơ học để đảm bảo hạn chế tối đa các chất rắn lơ lửng, bụi bẩn.

Mô hình thu gom nước mưa của nhóm sinh viên - Ảnh: Thu Anh

Mô hình “Thu gom nước mưa và bổ sung nhân tạo nước dưới đất” được thực hiện bởi 7 sinh viên Khoa Địa chất – Trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM: Nguyễn Văn Cường, Đỗ Văn Cường, Lê Hoài Hân, Ngô Quốc Khánh, Trần Nhật Vy, Nguyễn Ngọc Thanh Vũ và Nguyễn Thị Thùy Dương.

Theo Thùy Dương, mục đích đề xuất của nhóm là hướng tới các vùng thiếu nước sinh hoạt để sử dụng. Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, xử lý, tích trữ trong bể chứa và lượng dư nước mưa tràn ra từ bể khi đã tích trữ đủ cho sử dụng sẽ dẫn xuống các giếng khoan (đã ngưng sử dụng) nhằm bổ sung thêm lượng nước ngầm thiếu hụt của các tầng chứa nước.

Từ những buổi học Địa chất thủy văn

Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, bạn Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Ý tưởng được hình thành từ những buổi học môn Địa chất thủy văn đại cương cùng những chia sẻ của thầy qua những buổi giảng. Sau khi thi xong môn này (đầu năm 2016), cũng là lúc ĐBSCL bị xâm nhập mặn trên diện lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, trong đó có nguồn nước.

Trước thực trạng đó, là một người ở khu vực bị ảnh hưởng, lại là sinh viên Khoa Địa chất, bản thân cũng như các thành viên nhóm muốn thực hiện một điều gì đó nhằm giảm thiểu ảnh hưởng cho người dân, cũng như làm tăng cường thêm phần nào nguồn nước ngầm hiện đang sụt giảm mạnh của vùng”.

Được biết, chỉ trong khoảng thời gian có vài ngày cùng với sự nhiệt huyết, đồng lòng của 7 thành viên với số tiền được tích lũy từ giải thưởng đạt được trong những cuộc thi trước, nhóm đã tự vẽ ra một mô hình với đầy đủ các yêu cầu như đảm bảo độ sạch của nước, đảm bảo các chỉ tiêu hóa sinh cho sinh hoạt, nước thu được đủ sử dụng và không nhiễm các chất độc từ khu vực thu gom, không chất lơ lửng.

Mô hình thu gom nước mưa của nhóm sinh viên sáng chế - Ảnh: Thu Anh

“Mô hình được thực hiện với mục đích thu gom nước mưa từ mái nhà ở quy mô hộ gia đình, cho nên việc lựa chọn mái nhà sao cho phù hợp đảm bảo sức khỏe là điều được quan tâm nhất. Việc thu gom tốt nhất là chọn các mái nhà làm từ gạch ngói hoặc nhựa, tránh các loại mái có nguy cơ thải ra các chất độc”, bạn Lê Hoài Hân cho biết.

Theo phân tích của Quốc Khánh, khi mưa xuống, nước từ mái nhà sẽ chảy xuống máng xối rồi tập trung vào một hoặc nhiều chỗ (tùy lưu lượng mưa), khi này, nước sẽ qua một tấm lọc cặn, bã. Sau đó nước sẽ đi qua một hệ thống lọc cơ học để đảm bảo hạn chế tối đa các chất rắn lơ lửng, bụi bẩn. Từ hệ thống lọc, nước sẽ theo đường ống dẫn vào bể chứa nước đã tính toán trước trữ lượng sử dụng.

Sau một thời gian, có thể nhanh hay chậm tùy vào lưu lượng mưa của vùng thì nước sẽ được chứa đầy bể chứa. Bể chứa lúc này sẽ được thiết kế một vòi tràn ở trên để khi đầy bể, nước dư còn lại sẽ chảy ra ngoài và dẫn xuống hệ thống giếng đã ngưng sử dụng do khai thác quá mức.

“Để đảm bảo nước thu được là tốt nhất thì hệ thống được đặt thêm một cái van ở phía trên tấm lưới lọc cặn, bã. Vào những trận mưa đầu mùa thì người dân có thể khóa van lại, không thu nước đó, vì thường mưa đầu mùa có chứa nhiều chất độc và rác từ mái nhà. Sau vài trận mưa thì ta mở van này, nước sẽ theo hệ thống và được trữ lại”, Hoài Hân giải thích thêm về nguyên lý hoạt động của mô hình này.

Ảnh: NVCC

Hoàn toàn sử dụng đủ trong mùa khô

Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát thực địa tại các hộ dân, nhóm thực hiện đã cùng nhau tính toán kỹ lưỡng về bể chứa nước cũng như đường ống dẫn nước sao cho phù hợp với từng địa phương khác nhau.

Theo Đỗ Văn Cường, tùy khu vực có lượng mưa khác nhau mà nhóm sẽ tính toán đường ống dẫn sao cho phù hợp. Còn về lượng nước tích trữ mới chỉ là ước lượng sau khảo sát. Tuy nhiên, hệ thống này có thể trữ được một lượng nước lớn và hoàn toàn có thể sử dụng đủ trong mùa khô mà người dân không cần phải đi mua nước.

Nói về ưu điểm nổi trội của mô hình, bạn Nhật Vy nhấn mạnh: “Khu vực ĐBSCL có lượng mưa rất lớn (1.400 – 2.200 mm/năm) nên lượng nước thu trữ trong bể để sử dụng là rất nhanh. Đồng thời, lượng nước dư còn lại sẽ dẫn vào giếng sau quá trình lọc sạch nhằm tránh ô nhiễm giếng.

Với ưu điểm đó, mô hình sẽ góp phần tăng thêm lượng nước ngầm vốn bồi hoàn rất chậm từ tự nhiên và có thể góp phần nào giảm xâm nhập mặn từ việc gia tăng mực nước ở các giếng khoan.

Bạn Lê Hoài Hân - một thành viên trong nhóm bên mô hình sáng chế của nhóm - Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn về mô hình của mình, nhóm tác giả cho rằng vấn đề khiến nhóm đau đầu nhất chính là việc xử lý nước trước khi đưa vào giếng, vì nếu không chú ý và quản lý kỹ thì không những không hiệu quả mà còn làm ảnh hưởng đến nguồn nước của các khu vực lân cận.

Được biết, mục đích của mô hình mà nhóm đề xuất là hướng đến các hộ gia đình trong khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và không có nước sạch sử dụng. Vì thế việc thực hiện cho các hộ khó khăn chính là điều mà nhóm quan tâm. Trong tương lai, nhóm mong muốn được nhân rộng mô hình ra các khu vực còn lại nhằm bổ sung tầng chứa nước.

Đại diện nhóm (2 bạn nam bên phải ảnh) lên nhận giải thưởng tại buổi Hội thảo - Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thanh Vũ, hiện tại mô hình mới chỉ dừng lại ở những nét vẽ, số liệu trên giấy và còn đang hoàn thiện các chi tiết còn lại nhằm mục đích hạn chế những điểm không đáng có làm ảnh hưởng đến nhiều mặt.

Khi được hỏi về kinh phí mà các hộ dân sẽ phải chi trả cho mô hình này, nhóm bạn trẻ đáp: “Chúng em chưa biết!” Nhưng trong tương lai, đại diện nhóm hi vọng: “Với việc đề xuất của nhóm sẽ nhận được tài trợ kinh phí thực hiện từ dự án IGPVN (Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị Việt Nam) hoặc các nhà tài trợ khác”.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm sinh viên sáng chế mô hình thu gom nước mưa tại ĐBSCL