Họ gác lại những ngày Tết sum vầy bên người thân và gia đình, thậm chí có người tạm gác lại cả hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

Theo Hoàng Văn Trung - Nhân Dân | 27/02/2021, 06:21

Họ gác lại những ngày Tết sum vầy bên người thân và gia đình, thậm chí có người tạm gác lại cả hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Các cán bộ y tế làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngại hiểm nguy, vất vả - những hành động đẹp, đầy tính nhân văn ấy đã lan tỏa trong xã hội. Trong ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành y tế (27.2), hình ảnh họ vẫn âm thầm, lặng lẽ bám trụ... là tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp học hỏi, noi theo.

1_236.jpg
Các bác sĩ bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương - Ảnh VOV

Những người "chưa có Tết"

Bất kể "điểm nóng" nào của dịch Covid-19, từ Vĩnh Phúc đến Ninh Thuận, Ðà Nẵng… anh đều có mặt. Người chúng tôi muốn nhắc đến đó là PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Ðợt dịch thứ ba này bùng phát tại Hải Dương từ ngày 27.1 rồi lây lan ra 12 tỉnh, thành phố, anh cũng có mặt từ buổi đầu đó với vai trò Trưởng đoàn công tác chống dịch Bộ Y tế tại Hải Dương.

Thế là vừa tròn một tháng, anh và các thành viên trong đoàn công tác chưa một lần về nhà. Những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, công việc cứ dồn dập, các thành viên chỉ gửi lời chúc năm mới tới những người thân trong gia đình và bạn bè qua điện thoại. Các anh làm xuyên Tết, mỗi ngày một "điểm nóng", hôm ở TP Chí Linh, hôm ở Cẩm Giàng, có hôm lại sang Quảng Ninh để trực tiếp tham gia đánh giá tình hình, hướng dẫn cán bộ tuyến dưới, các tổ Covid-19 cộng đồng thực hiện khai thác, điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ổ dịch… Khi được hỏi, khi nào đoàn mới được về?, vẫn lối trả lời đầy tính khoa học, rất cụ thể, PGS, TS Trần Như Dương chia sẻ: "Nhóm mình thuộc những người "đi trước, về sau". Khi hết ca bệnh, vẫn phải tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ các yếu tố dịch tễ về khả năng dịch có tái bùng phát và lây lan nữa hay không".

Sau một tháng căng mình cùng các lực lượng chống dịch, PGS, TS Trần Như Dương cho biết: Ổ dịch đang xảy ra tại Hải Dương khác so với các ổ dịch trong năm 2020. Những chiến sĩ áo trắng đối mặt với kẻ thù nguy hiểm hơn, đó là biến chủng của vi-rút SARS-CoV-2 với đặc điểm nổi bật là khả năng lây lan rất nhanh và mạnh. Thực tế tại Hải Dương, Quảng Ninh cho thấy có rất nhiều người mang vi-rút nhưng không có triệu chứng, cho nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh với số lượng lớn. Do vậy, các chuyên gia đã xây dựng phương án mới phù hợp hơn, theo phương châm: tốc độ, tốc độ và tốc độ. Theo đó, tốc độ phải nhanh hơn tốc độ lây lan của vi-rút, nếu chậm hơn là thua. Vì vậy, tất cả các lực lượng đều phải làm việc hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian để thắng được chu trình của vi-rút.

Một chiến lược mới về xét nghiệm cũng được vạch ra. Nếu các ổ dịch trước chủ yếu là làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu năm thì đến "chiến trường" Quảng Ninh và Hải Dương, đã gộp mẫu từ 10 đến 12 mẫu trong một lần xét nghiệm hoặc gộp theo hộ gia đình, trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị… có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để xác định người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm.

Một lực lượng tinh nhuệ khác cũng bám trụ xuyên Tết chống "giặc" Covid-19 là những chuyên gia, bác sĩ của các bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới T.Ư... được Bộ Y tế tăng cường về Hải Dương ngay từ ngày đầu có ca bệnh. Với kinh nghiệm từ các đợt tăng cường vào Ðà Nẵng năm trước, bác sĩ Vũ Minh Ðiền (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) được tăng cường về tâm dịch Chí Linh. Qua đánh giá tình hình, khả năng số ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng nhanh, chỉ tám giờ đồng hồ Trung tâm Y tế TP Chí Linh đã được chuyển thành Bệnh viện dã chiến để chuyên điều trị cho người mắc Covid-19. Do có sự đồng hành của các bác sĩ tuyến trên, mà tình trạng "chống dịch trên lý thuyết" của các nhân viên y tế ở Bệnh viện dã chiến sớm được giải quyết. Ðến nay, Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế TP Chí Linh) là đơn vị tiếp nhận điều trị cho nhiều người bệnh Covid-19 nhất, nhiều người đã khỏi bệnh, ra viện, không có người bị chết. Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh, Hoàng Ngọc Lân khẳng định, sau cuộc chiến này, các y bác sĩ của trung tâm sẽ lớn mạnh, trưởng thành hơn rất nhiều về chuyên môn.

Kiên cường nơi tâm dịch

Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua là cái Tết rất đặc biệt sau 14 năm cưới nhau của bác sĩ Vũ Quy Bắc (Khoa Khám bệnh) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ánh (kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm, cùng thuộc Trung tâm Y tế TP Chí Linh). Họ cùng nhau tham gia điều trị cho người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1, tâm dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương. Các y bác sĩ tại đây gọi anh chị là "cặp đôi diệt Covid-19". Ít người biết rằng trước khi tiến vào trận chiến này, gia đình chị Ánh vừa mất hai người thân, trong khi hai đứa con của anh chị vẫn còn nhỏ… Nhưng mệnh lệnh từ trái tim, sứ mệnh đặt trên vai người thầy thuốc đã đưa hai người bước vào cuộc chiến với tâm thế đối mặt, không run sợ.

Tiếng là đồng đội, chung một chiến hào nhưng họ không gặp nhau trực tiếp, hai vợ chồng phải "nhịn nhớ", "nhịn thương", tất cả đều gửi gắm qua Zalo. Chị Ánh bảo: "Dù chồng có mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít đi nữa thì mình vẫn nhận ra. Nhiều lúc, phải quay vào trong thật nhanh để không chạy ào tới ôm chồng. Giây phút đó mình bỗng "ghét" Covid-19 đến lạ lùng". Ðêm 30 Tết, chị Ánh nhận được tin nhắn của anh: "Làm sao cùng nhau đón giao thừa được nhỉ?". Chị nhắn lại: "Em có cách rồi. Chồng ra ngoài đi!". Từ tầng hai của khu xét nghiệm, vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, chị gọi chồng bằng cách mà như chị nói "từ hồi lấy nhau giờ mới gọi lại": "Người yêu ơi! Quay lại đây, em nhìn một tý!". Anh quay lại, hai vợ chồng trao đổi ánh mắt trong phút chốc rồi vội vàng trở về với nhiệm vụ quen thuộc.

30 Tết, trong những căn phòng sáng đèn của Bệnh viện dã chiến số 1, ai cũng có những nỗi niềm riêng, có chị nhớ chồng, con ngồi khóc thút thít, có người mệt quá tranh thủ nghỉ ngơi. Nhiều nam bác sĩ cứ nhìn ra những khoảng xa xôi để tỏ ra rắn rỏi cho quên nỗi nhớ nhà... Kỹ thuật viên Phan Thị Hương cũng không thể tránh khỏi tâm trạng đó. "Hồi trước khi thấy các bác sĩ ở Trung Quốc gồng mình trong cuộc chiến mình đã thấy xót xa. Bây giờ, nhìn thấy những hình ảnh đó ngay trước mắt thì càng không thể cầm lòng nổi"- chị Hương tâm sự. Trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, nóng bức, nụ cười, mồ hôi và nước mắt cứ thế đan xen. Anh chị em nhân viên y tế ở đây cảm giác như đang sống trong thời chiến, nhưng mọi công việc đều phải diễn ra khẩn trương, chính xác với sự tập trung cao độ... Hôm biết con sắp sửa bắt đầu việc học trực tuyến, chị đã gửi một bức thư viết tay để động viên. Bức thư có đoạn: "... Có nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ con mẹ khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc con ạ. Gác lại niềm vui của mình sang một bên để đổi lại sức khỏe của hàng triệu gia đình con nhé...".

Hồi trước khi thấy các bác sĩ ở Trung Quốc gồng mình trong cuộc chiến mình đã thấy xót xa. Bây giờ, nhìn thấy những hình ảnh đó ngay trước mắt thì càng không thể cầm lòng nổi!

Những ngày này, bà con họ hàng, láng giềng ai cũng thêm phần yêu quý và dành những lời trân trọng cho gia đình điều dưỡng viên Nguyễn Danh Quang vì nhà có hẳn ba chiến sĩ áo trắng đang tham gia chống dịch. Anh trai của Quang là bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng, chị dâu là điều dưỡng viên làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Cả hai anh chị của Quang cũng đều tham gia công tác chống dịch từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa về. Quang là điều dưỡng của Khoa Khám bệnh và cấp cứu (Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương) được điều động để tiếp ứng cho Bệnh viện dã chiến số 1 đóng tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh. Khi nhận thông báo sẽ xuất phát vào Chí Linh, Quang cảm giác rất vui, vì có cơ hội được giúp các đồng nghiệp đang rất vất vả. Mặt khác, Quang nghĩ mình còn trẻ không vướng bận gia đình thì lên đường sẽ đỡ "nặng lòng" hơn các đồng nghiệp khác.

Tăng cường vào Chí Linh, Quang nhận nhiệm vụ đến từng nhà người dân để lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu. Công việc bắt đầu từ sáng sớm (có hôm từ 3 giờ sáng) và kéo dài đến tận 9, 10 giờ tối. Thời gian ngủ chỉ được 4 đến 5 tiếng mỗi ngày… Những lúc vất vả nhất anh lại nhớ đến lời mẹ lúc lên đường: "Chống dịch hơn chống giặc, các con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé"... Tết rồi, cả nhà Quang đón giao thừa cùng nhau bằng cách trực tuyến với bốn "điểm cầu" kết nối qua Zalo: ba điểm cầu ở ba cơ sở y tế và một điểm cầu ở nhà, nơi có bố mẹ thân yêu. Và "Tết" của ngành y năm nay (27.2) không hoa cũng chẳng quà, nhưng Quang nói: "Món quà lớn nhất của chúng tôi là người bệnh được khỏe mạnh. Mỗi lần nhìn thấy người mắc Covid-19 xuất viện là mỗi lần mình thấy nhẹ nhõm. Họ cũng như người thân mình vậy!".

Không thể kể hết được những công sức, sự đóng góp của từng thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch. Với sự cống hiến âm thầm của họ, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát. Hy vọng làn sóng dịch thứ ba sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh. Vì vậy, tất cả các lực lượng, cũng như mọi người dân không được phép lơ là, chủ quan và cần chung sức, với những nỗ lực cao nhất.

Món quà lớn nhất của chúng tôi là người bệnh được khỏe mạnh. Mỗi lần nhìn thấy người mắc Covid-19 xuất viện là mỗi lần mình thấy nhẹ nhõm. Họ cũng như người thân mình vậy!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch