Vì tiềm năng của lĩnh vực hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã trở nên quá rõ ràng, nên cũng đồng nghĩa với việc AirAsia được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước 2 đối thủ mạnh là Vietjet và Jetstar do đã quá chậm chân trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam.

Những khó khăn cho AirAsia khi tham gia thị trường bay giá rẻ Việt Nam

Nhàn Đàm | 01/04/2017, 06:42

Vì tiềm năng của lĩnh vực hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã trở nên quá rõ ràng, nên cũng đồng nghĩa với việc AirAsia được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước 2 đối thủ mạnh là Vietjet và Jetstar do đã quá chậm chân trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam.

AirAsia Bhd, hãng hàng không giá rẻ khổng lồ có trụ sở tại Kuala Lumpur của ông trùm Malaysia Tony Fernandes vừa cho biết mục tiêu tiếp theo trong việc mở rộng thị trường của mình sẽ là Việt Nam do sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực hàng không giá rẻ tại đây. Chính lĩnh vực này mới đây đã cung cấp vị tỷ phú đô la thứ hai của Việt Nam và cũng là nữ tỷ phú đô la đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi hãng hàng không giá rẻ Vietjet của nữ doanh nhân này chính thức niêm yết trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, cũng vì tiềm năng của lĩnh vực hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã trở nên quá rõ ràng, nênAirAsia được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước 2 đối thủ mạnh là Vietjet và Jetstar do đã quá chậm chân.

Thông tin chính thức từ AirAsia cho biết, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Malaysia này sẽ lập liên doanh với một đối tác trong nước khi tham gia thị trường Việt Nam, cụ thể là Công ty cổ phần hàng không Hải Âu thuộc Tập đoàn Thiên Minh của doanh nhân Trần Trọng Kiên. Liên doanh sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, trong đó Thiên Minh sẽ nắm giữ 70% cổ phần của liên doanh, AirAsia nắm giữ số cổ phần còn lại.

Lý do chủ yếu cho quyết định mở rộng thị trường hoạt động của AirAsia được cho là vì tiềm năng quá lớn của lĩnh vực di chuyển hàng không ở Việt Nam. Theo thống kê, trong năm 2016 lượng di chuyển bằng đường không tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng chóng mặt, lên tới 28%, gấp 3 lần so với hầu hết các nước Đông Nam Á khác. Nền kinh tế tăng trưởng ổn định đã khiến cho nhu cầu đi lại bằng đường không ở Việt Nam tăng lên, nhất là trong bối cảnh các hình thức di chuyển và vận tải khác như đường sắt, đường bộ và đường biển chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra mức thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên đáng kể cũng khiến cho nhu cầu đi lại cao hơn trước. Theo thống kê được AirAsia công bố, hiện tại Việt Nam là thị trường hàng không lớn thứ 5 ở khu vực, lượng di chuyển nội địa hiện đã tăng gấp đôi kể từ thời điểm năm 2013. Ngoài ra, AirAsia ước tính tầng lớp trung lưu đã chiếm khoảng 1/4dân số Việt Nam từ năm 2010 và tiếp tục mở rộng với tốc độ cao.

Với những tiềm năng lớn như vậy, dễ hiểu tại sao thị trường Việt Nam lại lọt vào tầm ngắm của Tony Fernandes – ông chủ của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trước khi có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam, AirAsia đã có nhiều năm thiết lập các chi nhánh tại thị trường Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản. Hiện tập đoàn này đang đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình bay đường dài và chi phí thấp cho các gói du lịch quốc tế là AirAsia X. Tham vọng mở rộng thị trường của AirAsia là rất lớn khi số lượng máy bay hãng này đặt hàng từ Airbus lên tới gần 150 chiếc mới, bản thân tập đoàn này cũng đang trong giai đoạn thịnh vượng và hoạt động hiệu quả khi cổ phiếu đã tăng khoảng 37% trong năm nay.

Tuy nhiên, bất chấp những ưu thế đáng kể này, AirAsia được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu có ý định xâm nhập thị trường Việt Nam. Trước hết là do AirAsia đã tham gia quá trễ khi cuộc chơi đã được định đoạt. Brendan Sobie, chuyên gia phân tích tại trung tâm hàng không CAPA có trụ sở tại Singapore, cho biết: “AirAsia đã tham gia bữa tiệc hàng không ở Việt Nam quá muộn và sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Thị trường hiện đang được phục vụ rất tốt bởi hai hãng hàng không giá rẻ là Vietjet và Jetstar Pacific. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam có thể sẽ chậm lại đáng kể trong những năm sắp tới vì thị trường hiện tại đã trưởng thành hơn rất nhiều”.

Điều này được khẳng định phần nào bởi báo cáo của ACB Securities vào tháng 12.2016, theo đó mức tăng trưởng con số hành khách trong lĩnh vực hàng không ở Việt Nam sẽ gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới, thấp hơn so với mức tăng trưởng 17%/năm trong suốt thập kỷ vừa qua.

Ngoài ra, AirAsia sẽ phải đối mặt với các đối thủ sừng sỏ mà điển hình là Vietjet. Dù mới chỉ niêm yết vào tháng 2 vừa qua, nhưng giá trị cổ phiếu của tập đoàn đã tăng tới 52% chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng và đưa CEO là bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú đô la thứ hai của Việt Nam và là nữ tỷ phú đô la đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Hiện Vietjet đang thâu tóm phần lớn thị phần trong lĩnh vực hàng không giá rẻ tại Việt Nam cùng với Jetstar. Hãng này cũng có ý định mở rộng khả năng hoạt động để đáp ứng sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian sắp tới. Sẽ rất khó có kẽ hở để AirAsia chen chân vào thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại.

Có lẽ cũng nhận thức được điều nàynên mức đầu tư được AirAsia công bố có vẻ như khá khiêm tốn. Theo kế hoạch, AirAsia sẽ đầu tư khoảng 44 triệu USD, sau khi liên doanh đi vào hoạt động và quyết định mức vốn điều lệ thì tập đoàn Malaysia này sẽ đóng góp khoảng 30%. Đây là một mức đầu tư khá khiêm tốn so với một hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á và được xem là một trong những hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới. Có vẻ như AirAsia muốnthăm dò thị trường nhiều hơn là quyết tâm cạnh tranh quy mô lớn ngay từ đầu.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những khó khăn cho AirAsia khi tham gia thị trường bay giá rẻ Việt Nam