Truyền đạt ý kiến cử tri đến Quốc hội trong phiên khai mạc, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho biết, cử tri bày tỏ sự bức xúc với hàng loạt vấn đề như chủ quyền biển đảo, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, thủ tục hành chính phiền hà, thiên tai…và yêu cầu cơ quan chức năng cần có những giải pháp để hạn chế tình trạng trên.

Những kiến nghị 'nóng' của cử tri gửi Quốc hội sau bầu cử

Trí Lâm | 20/07/2016, 12:55

Truyền đạt ý kiến cử tri đến Quốc hội trong phiên khai mạc, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho biết, cử tri bày tỏ sự bức xúc với hàng loạt vấn đề như chủ quyền biển đảo, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, thủ tục hành chính phiền hà, thiên tai…và yêu cầu cơ quan chức năng cần có những giải pháp để hạn chế tình trạng trên.

Mong muốn đại biểu thực hiện tốt lời hứa

Theo báo cáo của ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công nhận 494 đại biểu có đủ tư cách và bác tư cách của 2 ĐBQH là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Tuy nhiên, sau kết quả bầu cử, nhiều cử tri vẫn có những ý kiến đóng góp gửi về Quốc hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua.

Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác bầu cử, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đời sống nhân dân. Các cơ quan và tổ chức có trách nhiệm đã thực hiện tốt công việc của mình với 99,35%cử tri đi bầu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và người dân cũng đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 và hệ thống pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, tạo chuyển biến trong thực thi pháp luật. Qua đó, Quốc hội đã đổi mới hoạt động chất vấn để cụ thể hóa những kiến nghị của cử tri, những nghị quyết của Quốc hội để qua đó làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội và nhân dân.

“Cử tri mong muốn những người trúng cử thực hiện tốt những lời hứa, những cam kết của mình, đồng thời để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có cơ chế giám sát việc thực hiện chương trình hành động của mỗi đại biểu”,ông Nhân nói.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng phản ánh về việc một số nơi công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử chưa thật sự sâu rộng, nhất là việc cung cấp thông tin về tiểu sử, chương trình hành động của những người ứng cử. Một số nơi còn thiếu sự đối thoại giữa cử tri với người ứng cử, việc tổ chức hội nghị cử tri không đồng đều, số ý kiến phát biểu trong một số cuộc tiếp xúc còn ít…

Theo ông Nhân, cử tri cũng mong các đại biểu thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân đến cơ quan Nhà nước;đồng thời đôn đốc các cơ quan Nhà nước giải quyết các kiến nghị của nhân dân để trả lời cho nhân dân.

Nhiều vấn đề bức xúc

Cử tri cho biết, việc quán triệt thể chế hóa và ban hành các chương trình hành động, thực hiện chủ trương của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật còn chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, việc thực thi pháp luật ở một sốnơi chưa nghiêm túc. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh chưa chặt chẽ, dẫn đến một số văn bản pháp luật đã ban hành có chất lượng không cao.

Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với một số vấn đề còn yếu kém, bộ máy hành chính nhiều nơi vẫn chưa tinh gọn. Cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu còn chưa rõ là một trong những nguyên nhân gây tiêu cực.

“Một số cán bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật gây bất bình trong nhân dân. Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí cao mà không đảm bảo uy tín, trình độ, đạo đức đã làm giảm uy tín trong mắt nhân dân”, ông Nhân nói.

Ngoài ra, công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành còn nhiều vướng mắc, công tác thanh tra còn thiếu quyết liệt. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng còn chậm chế, gây khiếu kiện kéo dài.

Về vấn đề chủ quyền, cử tri và nhân dân lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động gây căng thẳng tại Biển Đông, bồi lấp các đá trái pháp luật quốc tế tại Hoàng Sa và Trường Sa; tàu thuyền Trung Quốc hung hãn tấn công tàu ngư dân Việt Nam. Những việc làm này làm gia tăng bất ổn trong khu vực, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và vi phạm luật biển 1982, vi phạm tuyên bố giữa các bên tại Biển Đông.

“Cử tri yêu cầu cần có giải pháp đấu tranh đồng bộ, hiệu quả để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng công tác tăng cường thông tin để quốc tế ủng hộ”,ông Nhân thông tin.

Về quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, cử tri bức xúc trước thực tế tài nguyên quốc gia bị đào bới, lãng phí nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không quyết liệt.

“Việc Công ty Formosa che giấu việc xả thải tại 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây ra nhiều bức xúc, bất bình trong nhân dân. Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã công bố nguyên nhân, thủ phạm. Cử tri đề nghị Chính phủ nhanh chóng có những giải pháp khắc phục hậu quả, đồng thời giám sát hoạt động của Formosa một cách kỹlưỡng hơn”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo đó, cử tri yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng quản lý, giám sát về đầu tư, bảo vệ môi trường.

Trước tình hình biến đổi khí hậu hây hạn hán, nhiễm mặn, cử tri yêu cầu nhanh chóng hỗ trợ người dân, tìm giải pháp khắc phục, ổn định cuộc sống.

Về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, cử tri mong muốn chính quyền phải có hành động quyết liệt, tạo sự thay đổi tình trạng này, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thu phí giao thông, trật tư an ninh xã hội, mạng xã hội đăng hình ảnh trái sự thật… cũng được cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục.

Cử tri mong muốn các hạn chế này sẽ được Quốc hội 14 quan tâm, giải quyết triệt để. Cử tri cũng đề nghị Thủ tướng và các cơ quan tư pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao công tác quản lý, bố trí nhân sự;giải quyết những tố cáo tồn đọng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị cơ quan chức năng cần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh; rà soát việc xây dựng chính sách pháp luật; giúp đỡ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế, xử lý nghiêm minh việc vi phạm thương mại…

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kiến nghị 'nóng' của cử tri gửi Quốc hội sau bầu cử