Họa tiết rồng, kỳ lân, rùa, chim phụng hay dơi… là những linh thú được tái hiện qua tranh, đồ họa trong cuốn sách Nghệ thuật Huế của của Léopold Cadière.
Với những người nghiên cứu Huế học hay giới chơi sách có lẽ không ai không biết đến cuốn sách mang vóc dáng nghệ thuật Huế “L Art à Hué” của Léopold Cadière với 167 trang viết cùng 222 phụ bản là tranh, đồ họa tái hiện nghệ thuật kinh đô Huế rất sống động bằng các hoa văn, họa tiết trang trí, phong cảnh, nhà cửa, lăng mộ... gồm cả tranh đen trắng và màu.
L Art à Hué vốn là một chuyên đề khảo cứu về nghệ thuật vùng Huế của một vị linh mục Pháp đồng thời là nhà Việt Nam học kiệt xuất Léopold Cadière, xuất bản chính thức vào năm 1919 và 1930.
Cuốn sách in bản đầu tiên vào 1919 rất hiếm, khó có thể tìm thấy ở Việt Nam nhưng giới sưu tầm vẫn có thể tìm ở các nhà buôn sách hiếm nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là ở Pháp. Phiên bản thứ 2 xuất bản vào năm 1930 dễ tìm hơn với giá cả ngàn USD.
Cùng thực hiện công trình nghiên cứu này với linh mục Léopold Cadière còn có sự trợ giúp của E.Gras - một nhân viên ngân khố Trung Kỳ nhưng rất giỏi về việc khảo cứu học thuật và một số nghệ sĩ người Việt như họa công triều đình Nguyễn Văn Nhơn hay họa sĩ Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh...
Sau đây là một số hình ảnh linh thú mang vóc dáng nghệ thuật xứ Huế xuất hiện trong cuốn sách quý hiếm này:
Họa tiết rồng. Rồng nằm trong bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Rồng là biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và vua chúa. Họa tiết rồng được thấy ở các chùa chiền, vải gấm và các vật dụng. các chùa, trang trí vải vóc, vật dụng ăn uống...
Họa tiết chim phụng. Cũng nằm trong bộ tứ linh, chim phục tượng trưng cho điềm lành, thường được trang trí ở nơi thờ phụng nữ thần, trên bờ nóc của đình thờ thần mẫu…Ảnh: Chim phụng trên mái đao.
Họa tiết rùa (Quy). Rùa là biểu tượng sự trường tồn và vững bền. Họa tiết rùa thường có trong những món đồ cổ. Ảnh trong cuốn sách L Art à Hué là họa tiết rùa trên mái đao.
Họa tiết kỳ lân, cũng nằm trong bộ tứ linh và là biểu tượng cho sự nhân hậu. Kỳ lân là họa tiết được trang trí ở bình phong đền, chùa, mái đao, hoặc có mặt trong đỉnh trầm, lư hương...
Họa tiết hổ trên bình phong.
Họa tiết lá và dơi tượng trưng cho phúc lành.
Họa tiết cá biểu tượng cho sự sung túc, dư giả. Họa tiết cá trang trí trong cung điện ở Huế.
Họa tiết ngũ sư hý cầu là hình ảnh linh thú với bờm xoăn thường trang trí ở bình phong, bình vôi, đỉnh trầm hay góc gờ tường…
Nhật Hạ