Một người dân ở vùng biển Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng đã bỏ ra số tiền hơn 4,5 tỉ đồng xây dựng nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng hàng trăm người già neo đơn…

Những niềm vui ở nhà dưỡng lão từ thiện đất Sóc Trăng

Vũ Phong | 05/05/2021, 09:55

Một người dân ở vùng biển Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng đã bỏ ra số tiền hơn 4,5 tỉ đồng xây dựng nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng hàng trăm người già neo đơn…

Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng ban Quản lý nhà dưỡng lão Đức Thọ (TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Nhà dưỡng lão Đức Thọ được xây dựng trên diện tích đất 1,5 hecta với 5 công trình gồm khu văn phòng làm việc, khu nhà y tế, khu nhà bếp và nhà ăn, khu nhà ở cho cụ ông cụ bà, khu nhà mát là nơi sinh hoạt tập thể cho các cụ. Khuôn viên bên trong nhà dưỡng lão được trồng nhiều cây xanh, không gian thoáng mát, nhiều ánh sáng, phù hợp làm nơi nghỉ ngơi, an dưỡng cho những người cao tuổi.

ndl-1.jpg
Nhà dưỡng lão Đức Thọ - Ảnh: Vũ Phong

Ông Khánh kể: “Người khỏi xướng xây dựng nhà dưỡng lão Đức Thọ là ông Ngô Đoan Thanh. Lúc đó ông Ngô Đoan Thanh 58 tuổi, ông mất cách đây khoảng 10 năm. Đất để xây dựng nhà dưỡng lão này là của gia đình ông Thanh, nằm tại khóm Cà Lăng A Biển, P.2, TX.Vĩnh Châu với diện tích 1,5 hecta, kinh phí đầu tư xây dựng trên 4,5 tỉ đồng. Công trình được xây dựng năm 2007, đến năm 2009 hoàn thành, đưa vào sử dụng”.

ndl2.jpg
Ông Ngô Đoan Thanh, người sáng lập nhà dưỡng lão - Ảnh: Vũ Phong

Theo số liệu, kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà dưỡng lão Đức Thọ đã cưu mang và chăm sóc hơn 200 lượt cụ cao tuổi. Theo ông Khánh, mỗi người cao tuổi vào đây đều có một hoàn cảnh riêng. Người không nơi nương tựa, người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, không người thân thích. Nhưng cũng có người được con cái gửi ở nhà dưỡng lão do hoàn cảnh quá khó khăn, không có điều kiện chăm sóc. Cũng có người được người thân đưa vào nhà dưỡng lão gửi lại, thỉnh thoảng vào thăm, nhưng cũng có người đưa cha mẹ vào rồi để đó, không một lần thăm hỏi…

ndl3.jpg
Khu văn phòng - Ảnh: Vũ Phong

Tất cả các cụ đã được Ban quản lý nhà dưỡng lão Đức Thọ đón nhận, chăm sóc chu đáo, ân tình như người thân trong gia đình, đem đến cho các cụ niềm vui trong ngôi nhà chung mang tên Đức Thọ… Hiện nay, nhà dưỡng lão Đức Thọ có 20 cụ từ 60 tuổi trở lên đang được chăm sóc, nuôi dưỡng. Để chăm sóc tốt cho các cụ, ban quản lý nhà dưỡng lão phân công cho các nhân viên phụ trách nấu ăn và dọn dẹp vệ sinh, hỗ trợ chăm sóc cho các cụ tuổi cao sức yếu.

ndl4.jpg
Khu nhà y tế - Ảnh: Vũ Phong

Trò chuyện cùng PV, ông Lưu Tiến Thành (87 tuổi) cho biết: “Tôi là người ở P.6, TP.Sóc Trăng. Tôi có gia đình gồm vợ, con trai, con gái nhưng vợ và con trai tôi đã mất, con gái có gia đình, cuộc sống cũng khó khăn nên tôi đến nhà dưỡng lão ở được gần 10 năm. Vào đây, tôi và các cụ ông cụ bà được ban quản lý nhà dưỡng lão và các nhân viên phục vụ chăm sóc chu đáo, tận tình từ bữa cơm cho đến giấc ngủ, lúc ốm đau, bệnh hoạn. Chúng tôi rất cảm động khi được ban quản lý đối xử rất tốt, rất nhiệt tình, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về mọi mặt. Vào đây, không khí trong lành, mát mẻ, không gian rộng rãi, yên tĩnh, chúng tôi rất vui, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt hơn”.

ndl6.jpg
ndl5.jpg
Khu nhà ở, nhà ăn - Ảnh: Vũ Phong

Ông Nguyễn Trung Khánh cho biết thêm: Các cụ vào đây được cấp thẻ bảo hiểm y tế, mỗi tháng 2 lần được cán bộ Trạm Y tế P.2 đến trực tiếp thăm khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ. Những ngày lễ, tết… các cụ đều được ban quản lý nhà dưỡng lão và các tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà động viên tinh thần các cụ.

Bà Sơn Thị Tại (82 tuổi), ngụ P.Vĩnh Phước (TX.Vĩnh Châu) cho biết: “Tôi không có người thân, không còn sức khỏe để mưu sinh nên đến nhà dưỡng lão ở. Vào đây được chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có cơm, canh, cá, thịt, trái cây, bánh các loại nên sức khỏe ổn định hơn. Vào đây chúng tôi trở thành người một nhà nên vui lắm”.

ndl7.jpg
Bà Nguyễn Thị Thoa trong phòng ở - Ảnh: Vũ Phong

Bà Nguyễn Thị Thoa (84 tuổi, ngụ xã Viên An, H.Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) nói: “Vào đây chúng tôi được chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ, tinh thần phấn khởi, sức khỏe tốt hơn nhiều so với trước. Chúng tôi được yên vui sống những ngày cuối của đời mình, đó là nhờ sự chăm lo của mọi người trong ban quản lý và các nhà hảo tâm”.

ndl8.jpg
Bữa ăn của các cụ - Ảnh: Vũ Phong

Theo ông Khánh, kinh phí hoạt động và các nhu yếu phẩm phục vụ cho các cụ là do các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ, đóng góp. Chính quyền địa phương, hội chữ thập đỏ các cấp cũng rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho các cụ trong các ngày lễ tết… Mỗi ngày các cụ được ăn 3 bữa ăn chính theo thực đơn khác nhau, được nhà bếp chuẩn bị chu đáo, với những món ăn phù hợp với người cao tuổi, bên cạnh đó, hằng tuần của các cụ còn được bổ sung các món bánh ngọt, trái cây.

1ndl0.jpg
Ban quản lý luôn thăm hỏi, trò chuyện với các cụ - Ảnh: Vũ Phong

Ông Lâm Văn Lực - người quản lý cho biết thêm: “Ở đây, khi có cụ cao tuổi qua đời, chúng tôi lo chu đáo việc hậu sự cho các cụ. Nếu người thân có ý định đưa các cụ về an táng tại gia đình, chúng tôi bố trí chu đáo để đưa các cụ về nhà. Còn cụ nào không có người thân thì chúng tôi quàn các cụ một đêm ở khu nhà mát, hôm sau tổ chức hỏa táng cho các cụ. Không chỉ lo chu đáo cho các cụ tại nhà dưỡng lão, khi có những hoàn cảnh khó khăn ở trong và ngoài thị xã cần giúp đỡ việc ma chay, ban quản lý nhà dưỡng lão cũng tặng 1 áo quan, 1 triệu đồng tiền mặt và 10kg gạo cho hộ gia đình có người thân qua đời”.

ndl11.jpg
Bà Thoa kể về cuộc sống trong nhà dưỡng lão - Ảnh: Vũ Phong

Ông Khánh chia sẻ thêm: “Ông Ngô Đoan Thanh là người xây dựng nhà dưỡng lão nhưng ông mất sớm. Nay chúng tôi tiêp tục thực hiện ước nguyện của ông để chăm sóc cho các cụ. Để nhà dưỡng lão trở thành ngôi nhà chung ấm áp cho các cụ, ngoài sự chăm lo trực tiếp của ban quản lý và những người phục vụ, còn có sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các nhà hảo tâm và sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Tâm nguyện của chúng tôi là sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi cũng nhắn gởi đến tất cả các bà con ở ngoài xã hội, nếu có một cuộc sống khó khăn, không nơi nương tựa, thì hãy đến nhà dưỡng lão Đức Thọ, chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận bà con”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ nhỏ ông Ngô Đoan Thanh đã có mong ước xây dựng nhà dưỡng lão. Lúc nhỏ, gia đình ông Thanh cũng khó khăn. Năm lên 10 tuổi, ông giúp cha mẹ chăm sóc ông bà nội, ngoại, kể cả khi ông bà bị bệnh. Từ đó, ông trăn trở với suy nghĩ: “Làm thế nào để những người già được chăm sóc thật tốt”. Sau khi đã ổn định cuộc sống, ông Thanh đã thực hiện mong ước của mình bằng việc xây dựng nhà dưỡng lão mang tên Đức Thọ. Ông còn đi tìm hiểu cách nuôi dưỡng, chăm sóc người già ở các trung tâm bảo trợ xã hội ở địa phương để về phục vụ cho nhà dưỡng lão của mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những niềm vui ở nhà dưỡng lão từ thiện đất Sóc Trăng