Linh Đan Trả lời cho câu hỏi điều hành chính sách năm 2014 sẽ phải lưu tâm những gì, nhiều ý kiến cùng cho rằng: Nền kinh tế lại phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng giảm dần cùng nhiều rủi ro mới, trong đó nổi bật lên là các vấn đề liên quan đến tính bền vững của tài khóa và nợ công.

Nợ công 2014: Nhìn góc nào cũng đáng lo!

Một Thế Giới | 22/12/2013, 05:24

Linh Đan Trả lời cho câu hỏi điều hành chính sách năm 2014 sẽ phải lưu tâm những gì, nhiều ý kiến cùng cho rằng: Nền kinh tế lại phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng giảm dần cùng nhiều rủi ro mới, trong đó nổi bật lên là các vấn đề liên quan đến tính bền vững của tài khóa và nợ công.

Theo các báo cáo chính thức, tỉ lệ nợ công so với GDP năm 2011 là 54,9%; năm 2012 là 55,7%. Tỉ lệ dư nợ chính phủ so với GDP năm 2011 là 43,1%; năm 2012 là 43,3%. Tỉ lệ dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP năm 2011 là 41,5%, năm 2012 là 41,1%. Tuy vậy, các cơ quan chức năng luôn khẳng định, các chỉ số về nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia dự kiến đến năm 2015 đều nằm trong ngưỡng đề ra của kế hoạch 2011-2015. 

Song, vấn đề phạm vi nợ công nên được xác định lại ra sao, tổng số theo đúng bản chất là bao nhiêu, đâu là ngưỡng tối ưu và đâu là trần an toàn của nợ công đang và sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định tỉ lệ nợ công là bao nhiêu không phải là vấn đề quan trọng, vì có những nước nợ công chỉ chiếm 30% GDP đã vỡ nợ như Ireland, ngược lại có những nước lên tới 70-80% nhưng vẫn an toàn. 

Thế nhưng ông lại lưu ý một chi tiết, đó là trong tổng số phát hành trái phiếu thì 90% là trái phiếu Chính phủ và 80% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành được các ngân hàng thương mại (NHTM) mua. Khối lượng phát hành ngày càng lớn, nhưng thời gian đáo hạn ngắn đến mức kỳ lạ, tổng số kỳ hạn có 3,2 năm.

“Tôi lo ngại rằng, nếu không cẩn thận thì tài khóa sẽ gặp nguy cơ vì tốc độ tăng nợ công nhanh thời gian qua và thời gian đáo hạn tập trung vào giữa 2014, sang năm 2015 chưa kể phải trả các khoản nợ xây dựng cơ bản. Rất có thể ngân sách sẽ gặp khó khăn trong thanh toán nợ”, ông Nghĩa cho biết.

Cũng chung nỗi lo về vấn đề trả nợ, tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) cho rằng: “Chúng ta đang làm động tác rất đơn giản là trong số nợ vay mới có phần để trả nợ cũ. Nếu một ngày nào đó ta không vay thêm được thì trả nợ thế nào. Chỉ 1 tỉ USD nợ đến hạn không có nguồn trả thôi là sẽ vỡ nợ. Hiện nợ công dưới 60% GDP, nếu GDP tính theo giá so sánh hiện hành và theo 2013 thì nợ công sẽ hơn 100 tỉ USD, đó là con số không hề nhỏ và rất nguy hiểm, chưa kể đến vấn đề sử dụng nợ". 

Ông Ánh đề nghị cần phân tích động thái nợ công để rõ hơn bản chất, tốc độ nợ công tăng nhanh và việc sử dụng nợ công.
Nếu cộng cả con số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP. Đây là mức vượt xa so với ngưỡng an toàn (65% GDP) được nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo.

Những thách thức tài khóa và nợ công cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện, đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng, bảo đảm tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế.

Dù ngưỡng an toàn nợ là bao nhiêu thì với thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, Việt Nam sẽ nhanh chóng chạm các ngưỡng đó. Việc sớm chuẩn bị cho một kế hoạch tài khóa bền vững dài hơi sẽ là rất cần thiết, giúp cho nền kinh tế tránh được những cú sốc tài khóa tiêu cực trong tương lai.

Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Quyền Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội) lại nhìn nợ công ở khía cạnh cơ cấu, khi cho rằng “Thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ của chính quyền địa phương có phần bị buông lỏng. Đặc biệt là sự thua lỗ của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong những năm qua, sẽ gây ra những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ và trong dài hạn nó còn có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và thịnh vượng của quốc gia”.

Con số tỉ lệ nợ công/GDP đến cuối năm 2012 vào khoảng 55,7% là chưa kể các khoản nợ chưa được hạch toán của các chính quyền địa phương và nợ có thể phải trả thay cho các DNNN làm ăn thua lỗ. Do đó, nếu thực thi chính sách nới trần bội chi rất có thể sẽ khiến mức trần nợ công là 65% GDP vào năm 2015 - như Quốc hội quy định - nhanh chóng bị phá vỡ.

Thêm vào đó, những khoản nợ xấu của khu vực DNNN, mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách Nhà nước để trả, mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công. 

Đã có thống kê không chính thức chỉ ra rằng: nếu cộng cả con số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP. Đây là mức vượt xa so với ngưỡng an toàn (65% GDP) được nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo.

Thời báo Ngân hàng

Ảnh minh họa từ Gafin.vn

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ công 2014: Nhìn góc nào cũng đáng lo!