Có lẽ, cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay chỉ đúng (và ngưỡng nợ công của Việt Nam hiện nay chỉ an toàn) khi và chỉ khi Luật Phá sản được thực thi một cách nghiêm minh, đặc biệt là với các DNNN.

Nợ công và luật Phá sản: nút thắt phá sản DNNN đã được gỡ?

Nhàn Đàm | 22/03/2017, 10:38

Có lẽ, cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay chỉ đúng (và ngưỡng nợ công của Việt Nam hiện nay chỉ an toàn) khi và chỉ khi Luật Phá sản được thực thi một cách nghiêm minh, đặc biệt là với các DNNN.

Một trong những vấn đề rắc rối và phức tạp nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nợ công, chủ yếu liên quan đến cách tính toán cũng như sự mập mờ về các nguy cơ có thể tác động đến ngưỡng giới hạn an toàn nợ công quốc gia, có vẻ như cuối cùng cũng đã có những câu trả lời rõ ràng, rành mạch.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi vào ngày 20.3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra những câu trả lời rõ ràng cho vấn đề được xem là nút thắt trong quản lý nền tài chính Việt Nam thời điểm hiện tại.

Theo đó, cách tính nợ công hiện nay đồng nghĩa với ngưỡng nợ công an toàn cho phép của Việt Nam hiện nay sẽ phải phụ thuộc vào việc: chúng ta có dứt khoát chấp nhận để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phá sản theo luật định nếu cần thiết hay không?

Vấn đề gây tranh cãi lớn nhất đối với cách tính nợ công và cùng với đó là mức nợ công thực sự hiện nay của Việt Nam là bao nhiêu, đó là câu hỏi: Có nên tính nợ thuộc diện tự vay tự trả của các DNNN vào nợ công quốc gia hay không?

Theo quy định của luật hiện hànhđược Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên trong dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi, nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Tính theo cách này thì nợ công hiện nay của Việt Nam đạt khoảng 64% GDP, vẫn ở trong tình trạng an toàn do chưa đến ngưỡng giới hạn 65% GDP mà Quốc hội cho phép.

Về lý thuyết, phần nợ tự vay tự trả của các DNNN không được tính vào nợ công quốc gia, theo sự lý giải của Bộ trưởng Tài chính thì: “Nếu đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp”. Cách nàykhá phù hợp với thông lệ quốc tế, khi một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng không nên đưa nợ của DNNN vào nợ quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: có không ít trường hợp DNNN làm ăn thua lỗ và không thể trả được nợ đã vay (cả nợ Chính phủ bảo lãnh lẫn nợ tự vay tự trả) lại được Chính phủ đứng ra trả thay cả hai loại nợ trên, dù theo quy định Chính phủ chỉcó nghĩa vụ trả thay khoản nợ bảo lãnh mà thôi.

Trường hợp điển hình nhất và mới nhất là khoản nợ khoảng 63.000 tỉ đồng của Vinashin. Nói cách khác, dù không được tính vào nợ công nhưng có không ít trường hợp Chính phủ và Nhà nước phải đứng ra trả thay cho các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN. Chính điều này đã tạo ra sự mâu thuẫn.

Trả lời cho vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biếtquy định là nếu các DNNN không thể tự trả nợ thì có thể cho phá sản theo luật định, khi đó Chính phủ sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ bảo lãnh mà thôi. Trong câu chuyện khoản nợ 63.000 tỉ đồng của Vinashin, "nếu cho Vinashin phá sản thì Chính phủ chỉ chịu phần Chính phủ bảo lãnh thôi, do chủ quan nên mới xử lý như vừa rồi”.

Nói cách khác, câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng nghĩa với việc: cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay chỉ đúng (và ngưỡng nợ công của Việt Nam hiện nay chỉ an toàn) khi và chỉ khi Luật Phá sản được thực thi một cách nghiêm minh, đặc biệt là vớiDNNN. Chỉ khi đó, ngân sách nhà nước mới không phải ôm thêm gánh nặng trả thay cho các DNNN khoản nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp này, mà Vinashin là một ví dụ điển hình. Người dân cũng không phải oằn mình đóng thuế để trả nợ thay cho những doanh nghiệp làm ăn kém cỏi thiếu hiệu quả thêm nữa.

Tuy nhiên, điều này dường như không hề dễ dàng diễn ra trên thực tế. Một điều không nhiều người biết về phá sảnlà ngay từ năm 1993, Luật Phá sản doanh nghiệp đầu tiên đã quy định việc phá sản đối với doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu, trong đó có DNNN. Chưa kể, Luật DNNN được ban hành vào năm 1995 cũng tạo cho các DNNN và các chủ nợ của nó khả năng này.

Nhưng trong suốt 24 năm qua gần như chưa có trường hợp DNNN nào ở Việt Nam thực sự phá sản dù không ít trường hợp DNNN được công bố tổng số nợ vượt quá khả năng chi trả rất nhiều lần và đồng nghĩa với việc hội đủ điều kiện cần thiết để làm thủ tục phá sản theo luật định.

Chúng ta không đi sâu vào các chi tiết để lý giải vì sao trong 24 năm qua các DNNN ở Việt Nam không được phá sản dù luật cho phép, khi doanh nghiệp quốc doanh vẫn được xem khu vực kinh tế chủ chốt trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ có nêu một nội dung liên quan đến xem xét thực hiện phá sản DNNN theo Luật phá sản.

Khi vai trò của khu vực quốc doanh đã sụt giảm nghiêm trọng và Chính phủ cũng như Nhà nước đều đã thống nhất phương án giảm vai trò của khu vực này trong nền kinh tế thông qua chương trình thoái vốn quy mô lớn, thì có lẽ đã đến lúc cần thực hiện một cách nghiêm túc Luật Phá sản với các doanh nghiệp thuộc đối tượng này. Đừng để lặp lại bài học đắt giá đã xảy ra với Vinashin thêm một lần nữa, khi cả nền kinh tế và người dân đã oằn mình trước gánh nặng nợ công hết mức có thể. Sẽ chẳng có ai muốn di sản mình để lại cho con cháu chỉ là những gánh nợ khổng lồ cả.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ công và luật Phá sản: nút thắt phá sản DNNN đã được gỡ?