Ngày 3.2, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) và Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam được châu Âu ghi nhận

Hồ Đông | 03/02/2023, 17:44

Ngày 3.2, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) và Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

the-vang.jpg

Vào tháng 10.2022, đoàn thanh tra của EC đã đến kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam (lần thứ 3). Địa điểm mà đoàn kiểm tra lựa chọn là tỉnh Khánh Hòa.

Qua thực tế kiểm tra, EC đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU.  Sau khi nắm thông tin về việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá Việt Nam đạt 96%, EC cho rằng đây là một sự thành công rất lớn sau 5 năm từ thời điểm Việt Nam bị rút thẻ vàng thủy sản. Mặc dù vậy, việc vận hành và quản lý thiết bị giám sát hành trình vẫn có vấn đề khi hiện tượng mất kết nối vẫn chưa được xử lý triệt để.

Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ IUU. Đồng thời, đoàn của EC cũng chỉ ra các vấn đề liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Cùng đó, còn tồn tại một số tàu Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) trong quá trình thanh tra, đoàn đã phát hiện được nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như nghi ngờ công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hải sản sử dụng hồ sơ giả; hệ thống truy xuất không đáng tin cậy; nhập khẩu vượt quá hạn ngạch khai thác của các quốc gia bị treo cờ.

Ngoài ra, còn có một số tàu cá sử dụng giấy tờ đăng ký giả; công tác giám sát sản lượng qua cảng, cấp giấy xác nhận không đảm bảo độ tin cậy; danh sách tàu cá IUU không thống nhất với số liệu của tỉnh; việc quản lý đội tàu, quản lý cường lực khai thác chưa được chặt chẽ. Đối với việc thực thi pháp luật thì tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn cao, các nước trong khu vực vẫn tiếp tục phản ánh. Đồng thời, việc xử phạt nhóm tàu vi phạm này còn thấp.

Để giải quyết tồn tại trên, Tổng cục Thủy sản đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: quản lý tốt các đội tàu (thống kê, phân loại và giám sát chặt chẽ, cập nhật đầy đủ dữ liệu trên hệ thống); thực thi pháp luật (xử lý nghiêm 100% tàu cá vi phạm, tàu cá không duy trì kết nối VMS, cập nhật 100% kết quả vi phạm trên hệ thống); truy xuất nguồn gốc thủy hải sản theo đúng quy định… Các bộ ngành và địa phương liên quan phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng kế hoạch hành động chống khai thác IUU sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sau 3 lần thanh tra, Ủy ban châu Âu đánh giá Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đi đúng hướng. Điều này thể hiện ở 4 nội dung chính: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu, vấn đề truy xuất nguồn gốc, việc thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị cần sớm khắc phục các hạn chế như: số tàu lắp thiết bị hành trình đã hơn 96% nhưng nguy cơ cao lại nằm ở các tàu không lắp thiết bị hành trình; tàu vào không khai báo, tàu ra không kiểm soát hết được 100% (không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không truy xuất được nguồn gốc)…

Trong khi đó, EC khẳng định chỉ gỡ thẻ vàng khi không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có những chuyển biến tích cực để đợt kiểm tra lần thứ 4 dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây sẽ gỡ được thẻ vàng IUU.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam được châu Âu ghi nhận