Việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi nhan sắc, không ít cuộc thi hoa hậu là để kinh doanh, kiếm tiền… Vì thế danh xưng “hoa hậu” nay đã mất đi những giá trị đối với xã hội.
Tiêu chí dễ dàng, sẵn sàng có hoa hậu
Có lẽ chưa có năm nào các cuộc thi hoa hậu trên cả nước lại được tổ chức một cách ồ ạt như năm 2022. Ngay sau khi có Nghị định 144/2020/NĐ - CP thay thế Nghị định 79 với hàng loạt những quy định mới tạo điều kiện tốt hơn cho các đơn vị xin giấy phép tổ chức cuộc thi, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các người đẹp khi tham dự cuộc thi khi chấp nhận những thay đổi trong cơ chế tuyển sinh như chấp nhận thí sinh có sử dụng dao kéo, chấp nhận thí sinh chuyển giới hay chấp nhận cả thí sinh đã có gia đình trước đó.
Với hàng loạt những tiêu chí khá dễ dàng, tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh tham dự thì các cuộc thi hoa hậu nay lại được giao về cho các địa phương quản lý và cấp phép lại càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cuộc thi liên tục được tổ chức như "nấm mọc sau mưa".
Có cung thì ắt có cầu, chính vì việc cấp phép dễ dàng hơn so với quy định như trước nên các tiêu chí đăng ký tuyển sinh cũng dễ dàng hơn nhiều. Theo thống kê trên các phương tiện truyền thông, bao gồm cả những cuộc thi về doanh nhân, hoa khôi, nữ hoàng, người đẹp... từ đầu năm 2022 tới nay đã có tới gần 50 cuộc thi sắc đẹp được diễn ra. Sự bùng nổ của các cuộc thi nhan sắc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng cuộc thi cũng như danh xưng hoa hậu. Chỉ trong một tháng qua, phủ sóng trên các trang truyền thông là thông tin về các hoa hậu và những cuộc thi nhan sắc đã lên tới hơn 20 cuộc thi. Nhu cầu mong muốn được tôn vinh của những người đẹp dù lớn là thế, nhưng ẩn sâu trong nó là hàng loạt những mục đích thương mại, cá nhân đã được "hợp thức hóa" để có thể đạt được mong muốn của mình.
Ở một góc nhìn khác với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức, đưa các thí sinh đi thi tại các cuộc thi lớn nhỏ khác nhau, Chia sẻ riêng với phóng viên về những cuộc thi sắc đẹp mà bản thân mình được tham dự hoặc trực tiếp đưa các đối tác của mình đi thi, chị Hàm Anh - một doanh nhân về sắc đẹp cho biết chị đã đưa khá nhiều các người đẹp đi thi với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên đều có chung một mong muốn là có một danh hiệu để phục vụ công việc sau này của bản thân.
"Thực ra ở các cuộc thi uy tín khác nhau thì việc trao đổi còn khá khó khăn một chút chứ ở các cuộc thi như hiện nay, mọc lên như nấm sau mưa thì việc đàm phán để có một vị trí đặc biệt cho thí sinh của mình tham dự thì không khó một chút nào. Ví dụ ở một cuộc thi Hoa hậu vừa mới được công bố, mình đàm phán hẳn với trưởng ban tổ chức, nếu vị trí Hoa hậu thì trị giá họ đưa ra hơn 3 tỉ đồng nhưng mình muốn hạ một chút thì có thể đưa thêm 2-3 thí sinh tham dự cùng, lấy một vài vị trí giải phụ để "bù" cho họ thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Nói chính xác hơn là thị trường nó có cái giá chung của nó, ví dụ vị trí hoa hậu là 2-3 tỉ đồng, vị trí á hậu thì xuống một chút, còn các giải phụ tính tiền trăm, có cuộc thi đơn giản hơn ở các tỉnh đang cấp phép thậm chí chỉ có vài chục triệu đồng là có một danh xưng ở giải phụ của cuộc thi đó. Chưa kể các cuộc thi về doanh nhân, đến vị trí danh xưng cao nhất như "Hoa hậu doanh nhân....." thì chỉ đến có hơn 1 tỉ là có vị trí được gọi là hoa hậu và mua vài chục bài PR trên báo để tôn vinh rồi " - chị Hàm Anh khẳng định.
Đưa ra quan điểm cá nhân của mình, tiến sĩ mỹ học Thế Hùng - giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia cho biết thực tế có rất nhiều công ty đứng ra tổ chức thi hoa hậu với mục đích… kinh doanh tài chính. Ví dụ, một số doanh nghiệp xin cấp phép, sau đó đi xin tài trợ. Tiền tài trợ, sau khi trừ đi chi phí tổ chức, thừa bao nhiêu, ê-kíp... "đút túi" riêng. "Tôi cho rằng, một năm cả nước chỉ nên diễn ra hai, ba cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia để chọn những người đẹp nhất dự thi thế giới. Và các cuộc thi đó do Nhà nước, những cơ quan có uy tín đứng ra quản lý, tổ chức, không nên để doanh nghiệp tư nhân tiến hành" - tiến sĩ Thế Hùng chia sẻ.
Nhiều chuyên gia sắc đẹp cho rằng, một thời gian nữa, các hoạt động thi người đẹp cũng sẽ thoái trào vì không còn thu hút được khán giả. Khi cuộc thi không đạt được chất lượng cao, khán giả không quan tâm thì các nhà đầu tư, nhà tổ chức cũng sẽ tự rút lui. Mọi thứ sẽ theo quy luật đào thải, tự chắt lọc. Chứ hiện nay thì vẫn còn một số doanh nghiệp khi tổ chức cuộc thi đều vì mối lợi trước mắt nên bất chấp. Họ có thể bán vị trí thí sinh, danh hiệu, bán luôn cả vị trí giám khảo, cố vấn... và từ đó có thể đưa ra những tiêu chí dễ dàng hơn cho thí sinh nào có "nhu cầu" đăng quang mà đáp ứng đủ nhu cầu của họ.
Loạn cuộc thi, loạn thí sinh đến loạn cả giám khảo
Các cuộc thi hoa hậu liên tiếp được tổ chức, khán giả ngoài việc quá quen mặt với các thí sinh chinh chiến hết các đấu trường nhan sắc ở cuộc thi này đến các cuộc thi khác, thì chính các vị trí cho thí sinh hay cho nhà tài trợ cũng được được đưa lên bàn cân để cân, đo, đong đếm. Các vị trí giám khảo, cố vấn, tài trợ... cũng được các nhà tổ chức tận dụng để mời người tham dự, có thêm các kinh phí để thu lợi nhuận.
Đưa ra dẫn chứng về thực tế hiện nay, anh Phạm Sơn - một người hay hỗ trợ các thí sinh, nữ doanh nhân đến với các cuộc thi sắc đẹp cho biết BTC của các cuộc thi ngoài kiếm lợi thì chính các thí sinh có nhu cầu còn kiếm lợi từ việc ngồi giám khảo, cố vấn hay tài trợ.
Trước đây, chúng ta biết đến các cuộc thi hoa hậu thường được mời các giám khảo danh tiếng, đó là tiến sỹ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, Giáo sư sử học Dương Trung Quốc, NSND Lê Khanh…, những người nổi danh cả nước, có trình độ chuyên môn cao, việc tuyển chọn hoa hậu sẽ thuyết phục khán giả, đảm bảo chất lượng cuộc thi.
Còn hiện nay, ở một số cuộc thi tồn tại thực trạng, người có tiền, bỏ chút tài trợ là được đi làm... giám khảo. Ở một cuộc thi Hoa khôi, Nữ hoàng.... vị trí giám khảo cũng được "rao bán" với giá vài trăm triệu tiền tài trợ là được ngồi với danh xưng đó. Còn cao hơn là ở các cuộc thi hoa hậu sẽ lên tới cả tỷ để có được chỗ ngồi "xứng danh" đó. Thậm chí, còn có cả những hoa hậu chạy show, liên tiếp để ngồi vị trí giám khảo để kiếm lợi cho bản thân.
"Đơn cử chúng ta hiểu, các giám khảo hay cố vấn sẽ là ngồi vị trí chấm thi các thí sinh hoặc tư vấn cho các thí sinh những vấn đề gặp trong cuộc sống hay đơn giản là tư vấn về hình thể sao cho đẹp. Nhưng vị trí này giờ cũng được "rao bán" một cách công khai. Vì BTC cuộc thi đó chỉ cần mời 1 vài hoa hậu chính danh, đang nổi tiếng ngồi vào ghế giám khảo. Thì lập tức vị trí giám khảo hay cố vấn ngồi cùng cũng sẽ được mời chào cho các doanh nhân, nữ hoàng tài trợ cùng tham dự để được ngồi với họ. Các doanh nhân sẽ được mời với gói tài trợ từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ để có được vị trí danh xưng giám khảo. Giám khảo các cuộc thi mà họ tài trợ tiền trực tiếp chẳng cần tiêu chí gì hết, họ chỉ cần được ngồi cùng với các hoa hậu chính danh, được vinh danh, được ngồi hàng ghế đầu và bước đi thảm đỏ, chào đón.... là họ sẵn sàng xuống tiền để có được vị trí "giám khảo" để chấm thi các thí sinh. Tôi vừa được một anh Đ.P.A nằm trong BTC cuộc thi Hoa hậu về du lịch mời chào mời giúp các đơn vị tài trợ cho cuộc thi. Ban đầu họ mời hơn 3 tỉ tài trợ cùng với yêu cầu cho các thí sinh đến trải nghiệm dịch vụ làm đẹp ở bên khách hàng của tôi. Và tài trợ tiền mặt gần 3 tỉ. Nhưng khi tôi không đồng ý thì họ hạ giá xuống 2 tỉ và với số tiền đó, khách hàng của tôi sẽ được ngồi ở vị trí giám khảo để chấm thi cho các thí sinh cùng với các hoa hậu như Á hậu Tú Anh, Hoa hậu Jennifer Phạm.... Đó mới chỉ là ở vị trí giám khảo, quyết định trực tiếp điểm số cho thí sinh tham dự, chưa kể những việc khác là “mua vị trí” thì nếu có nhu cầu đều có thể đàm phán được” – anh Sơn cho hay.
Đưa ra quan điểm của mình trước đó, nhà thơ Dương Kỳ Anh - người được gọi là "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho biết gần đây có quá nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Ngành cũng có hoa hậu, tỉnh cũng có hoa hậu, trường cũng có hoa hậu. Cuộc thi nào cũng có hoa hậu. Vì thế, khi chọn được 1 người đẹp không xứng đáng, không chuẩn xác sẽ làm hại cuộc thi. "Hơn nữa, tên gọi hoa hậu nên dành cho cuộc thi ở cấp quốc gia. Danh hiệu hoa hậu bị lẫn lộn làm cho mọi người không biết đâu vào đâu và thậm chí còn bị mang tiếng".
Hiện nay, nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức với mục đích chính là kiếm tiền, còn việc quảng bá cho nhiều việc khác lại là mục đích phụ. Thế nên, các cuộc thi tổ chức với mục đích kiếm tiền sẽ không đảm bảo chất lượng. Cuộc thi không có chất lượng thì người đẹp được chọn cũng không chuẩn xác. Lợi dụng danh nghĩa làm việc không hay ho, phản cảm với cái đẹp, phản lại mục đích của việc thi hoa hậu.
Theo các chuyên gia, hiện nay chấtlượng cuộc thi nhan sắc dựa vào khâu tổ chức, giải thưởng, giám khảo, hoạt động của hoa hậu sau đăng quang. Hiện một số cuộc thi đã phần nào khẳng định được vị thế nhờ không ngừng cải tiến, đầu tư.
Phản đối là thế, tuy nhiên không ít khán giả cho rằng việc nhiều sân chơi sắc đẹp mở ra sau dịch COVID-19 là tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy ngành công nghiệp sắc đẹp ngày càng được chú trọng. Các cuộc thi hoa hậu tổ chức phụ thuộc vào thị trường. Nếu sân chơi nào thiếu chất lượng, không có khán giả sẽ bị đào thải theo quy luật. Trong nền kinh tế thị trường, việc tổ chức một sự kiện nào đó, cuộc thi sắc đẹp cũng vậy, phần nhiều là vì mục đích lợi nhuận, đi theo quy luật cung - cầu. Khi tổ chức thi sắc đẹp nhưng bị lợi ích kinh tế chi phối sẽ dễ dẫn đến việc các công ty tổ chức sự kiện muốn có một cuộc thi hoành tráng và yếu tố chuyên môn cũng quan trọng nhưng nhiều khi bị xếp ở vị trí thứ yếu.
Năm 2022, có thể nói chính là năm nở rộ hoa hậu đến mức người ta còn nói đùa "ra ngõ gặp hoa hậu". Từ câu chuyện này, xuất hiện luồng ý kiến cho rằng về lâu dài nên hạn chế cuộc thi sắc đẹp đang bị loạn hay kiếm lợi. Thay vào đó tập trung phát triển các sân chơi về công nghệ, khoa học, kinh tế... để phát triển đất nước, còn các cuộc thi hoa hậu thật sự chỉ mang tính "giải trí" chứ không nên quá coi trọng vị thế của nó.