Nếu như nội dung đơn nam có nhiều nhà vô địch, thì ngược lại, bên nữ chỉ có một cái tên thống trị ngôi vương suốt 17 năm liên tiếp, đó là Nguyễn Thị Kim Trang, bắt đầu từ khi cô lần đầu vô địch vào năm 1984, lúc mới...14 tuổi.

Nỗi lòng của 'độc cô cầu bại' làng quần vợt Việt Nam

sach | 03/08/2019, 18:13

Nếu như nội dung đơn nam có nhiều nhà vô địch, thì ngược lại, bên nữ chỉ có một cái tên thống trị ngôi vương suốt 17 năm liên tiếp, đó là Nguyễn Thị Kim Trang, bắt đầu từ khi cô lần đầu vô địch vào năm 1984, lúc mới...14 tuổi.

Trang không bao giờ nghĩ thích, chọn rồi theo quần vợt là sai lầm. Quần vợt nó đến với cô tự nhiên, vì cha mẹ cô đều chơi quần vợt, mẹ cô từng thắng Nguyễn Thị Hoa, hạng ba Đông Nam Á lúc trước.

Sau năm 1975, kinh tế gia đình gặp khó khăn, mẹ Trang phải ra lề đường buôn bán, Trang thì phải đi phụ. Trang cố gắng tiết kiệm để có ít tiền mua mấy trái banh mòn lông còn cao su đen.

Cây vợt gỗ và mấy trái banh mòn lông là những người bạn hằng ngày giúp Trang bớt cơ cực. Cứ vào giấc trưa, canh ông coi sân ngủ trưa, là Trang trèo tường vào sân, chơi một mình, đánh với bức tường. Ngày nào cũng vậy, cho vui thôi, không phải là ước mơ, Trang cũng không biết ước mơ là cái giống gì.

Đến năm 1983, khi Trang 13 tuổi, có một giải gọi là Hữu Nghị Quần Vợt, đoàn Nha Trang được mời vào Sài Gòn. Một anh tên Sơn trong đoàn, biết Trang và anh Cường đều đánh quần vợt khá nhưng không có suất đi, nên hỏi: “Hai đứa muốn đi xem không, nếu muốn thì leo lên thùng hàng phía sau chiếc xe tải của ông kia, anh trả tiền cho ổng”.

Vào Sài Gòn, Trang nhập đoàn Nha Trang đến sân Lê Văn Hưu, đoàn Sài Gòn hỏi đội khách có nữ vận động viên không, thấy không có ai, mấy ông đoàn Nha Trang chụp đại cô thiếu niên 13 tuổi quăng vào sân. Cầm vợt, Trang bất ngờ thắng các đàn chị tên tuổi trong đó có cả Ôn Như Ngọc Phượng. Cô bé được rước về khách sạn ở chung với đoàn và từ đó, trở thành tay vợt không thể thiếu của tỉnh.

Một năm sau, lần đầu tiên giải vô địch quần vợt Việt Nam thống nhất được tổ chức tại tỉnh Minh Hải, ở tuổi 14, Trang hạ các tay vợt nữ hàng đầu để vô địch, và 16 lần sau đó nữa.

Nhưng với Trang, vinh quang đó không gắn liền với hạnh phúc trọn vẹn, bởi khi có đối thủ ngang tầm, những chiến thắng mới thực sự có ý nghĩa. Các đàn chị như NguyễnThị Thìn, Nguyễn Thị Hoa, Ôn Như Ngọc Phượng, rồi saunày là những Anh Thư, Tuyết Minh, Thùy Dung, không aihạ được Trang. Thắng mãi cũng có cái sự “chán nản” củathắng mãi.

Đúng vào lúc chán đó, Trang đã gặp ông Lâm ThànhThọ, Việt kiều Mỹ ở Florida, người đã giúp cựu tay vợt ÔnTấn Lực qua Mỹ học huấn luyện viên. Lực và Trang cùngđoạt Huy chương bạc đôi nam nữ SEA Games 1997. Trangđặt vấn đề nhờ ông Thọ giới thiệu Trang qua Mỹ học trởthành huấn luyện viên theo hệ kinh phí tự túc.

Ông Thọ rất nhiệt tình giúp đỡ, nhưng cái khó cho Trang tìm ai là người đỡ đầu vì là đi tự túc. May mắn lần thứ hai đến với Trang khi chị Võ Hiếu Dân và chồng chị Dân là anh Hà Thanh Hùng, nguyên Chủ tịch Liên đoàn quần vợt TP.HCM đã mở đường trợ giúp: “Nếu em xin đi tự túc, ngày trở về không cần cụ thể, thì anh chị sẽ là người bảo đảm cho em giấy tờ với tư cách đại diện câu lạc bộ Lan Anh”.Thế rồi Trang lên đường với kinh phí là tiền nhà và bạn bè phụ thêm.

Trang sang Mỹ năm 2002 với giấc mơ trở thành huấn luyện viên trình độ quốc tế, cô đến học tại trường đào tạo huấn luyện viên Seminolake Center Tennis (bang Florida, Mỹ). Chương trình đào tạo ở đây rất nặng, không chỉ đào tạo chuyên môn mà còn cả kiến thức xã hội, kinh tế,... Qua năm thứ hai, do chi phí học tập và sinh hoạt quá cao, Trang phải rời Florida đến California dạy quần vợt để có kinh phí qua đó tiếp tục học lấy bằng cao hơn. Năm 2003, Trang lấy được bằng huấn luyện viên nhà nghề của Mỹ và chính thức trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp ở thành phố Fountain Valley.

Ở bên Mỹ, Trang không có thời gian cũng như là tâm trí để tập luyện rồi đi đánh giải, đã vậy mẹ Trang bị ung thư gan rất nặng, mỗi tháng Trang cần kiếm đủ 2000 USD gởi về để lo thuốc chữa trị cho mẹ. Để có số tiền đó, một ngày Trang làm mười mấy tiếng, ngủ luôn ở ngoài sân.

Khi mới bắt đầu dạy là 30 USD/giờ cho đến ngày Trang nghỉ là 55 USD/giờ. Thời gian đầu Trang dạy 10 đến 12 giờ mỗi ngày, phải đóng thuế, đóng tiền làm cho câu lạc bộ. Nói là như thế, nhưng có những giờ học trò hủy trước 24 tiếng đồng hồ có nghĩa là họ không trả tiền, hay đôi khi trời mưa, rồi đôi khi có nhiều cái xảy ra thì tháng này bù tháng kia. Một tháng nếu Trang không có từ 4 tới 5.000 USD là tiêu tùng. Kiếm được mỗi tháng gần 10.000 USD rồi trừ tới trừ lui kể như là xong nhưng mà còn đỡ hơn là mình ở Việt Nam, làm sao kiếm được bấy nhiêu tiền bằng nghề dạy quần vợt?

trích “100 năm quần vợt Việt Nam: Một thời vàng son, Một thời trăn trở” của Đặng Hoàng – Đinh Hiệp vừa ra mắt bạn đọc ngày 28.7.2019
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lòng của 'độc cô cầu bại' làng quần vợt Việt Nam