Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết hiện cả nước đang có 11 triệu hộ nông dân đang sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong xuất khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam còn thấp, gặp nhiều rào cản, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nông dân Việt Nam bàn cách đi chợ thế giới

tuyetnhung | 11/10/2019, 21:13

Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết hiện cả nước đang có 11 triệu hộ nông dân đang sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong xuất khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam còn thấp, gặp nhiều rào cản, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều quy định ngặt nghèo

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới” ngày 11.10, ông Nguyễn Xuân Định - Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết năm 2018, Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng xuất khẩu nông sản cũng đang đối mặt với không ít rào cản, khó khăn.

Cụ thể là khó khăn đến từ bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, là thách thức đến từ các quy định về kiểm dịch và an toàn động thực vật (SPS), quy định về dãn nhãn hàng hóa (TBT) hoặc các quy định liên quan về môi trường, lao động… của các thị trường nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các thị trường mà Việt Nam mới thiết lập quan hệ FTA nhưng có tiêu chuẩn rất khắt khe như EU, Canada.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”

Ông Lê Văn Chiến (nông dân tại Đà Nẵng) đặt câu hỏi việc châu Âu đã rút thẻ vàng cảnh cáo đối với Việt Nam về khai thác và đánh bắt hải sản trái phép (IUU). "Bản thân tôi và bà con ngư dân đang rất lo lắng trước các thông tin này. Nếu EU chuyển sang rút thẻ đỏ thì hải sản Việt Nam sẽ không xuất khẩu được vào khối này. Vậy đến nay các cơ quan chức năng đã có biện pháp gì để giải quyết và bản thân những ngư dân chúng tôi sẽ phải làm gì để đáp ứng được các điều kiện của EU", ông Chiến băn khoăn.

Trước băn khoăn của nông dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết hiện Chính phủ và Bộ đang triển khai các giải pháp mà EC khuyến cáo để tiến tới việc EC có thể gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam.

Giải pháp đó bao gồm khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Hiện nay, hệ thống luật pháp đã được thể hiện rất rõ trong Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ đã cụ thể hóa qua tám thông tư, hai nghị định. Hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý tàu đánh bắt thuỷ sản vào – ra trên biển đã được triển khai lắp ở tất cả các địa phương và đang được nỗ lực kiểm soát.

Về rào cản kỹ thuật, kiểm dịch dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các loại củ, quả khi xuất khẩu vào EVFTA, CPTPP, ông Nguyễn Quang Hiếu - Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết một sản phẩm đôi khi đàm phán phải mất 10-15 năm mới mở cửa được thị trường. Trước đây, vì hạn chế thông tin và quên mất việc phải tìm hiểu quy định của thị trường xuất khẩu, dẫn đến không thể xuất khẩu và khai thác được thị trường đó.

Theo ông Hiếu, thông tin về dư lượng và quy định kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sang thị trường EU đã được EU công bố rất minh bạch trên cổng thông tin Europa.eu. Về dư lượng hóa chất tồn tại trong mỗi sản phẩm, EU đã có quy định cụ thể với từng loại hoá chất được sử dụng với mỗi sản phẩm.

Về kiểm dịch thực vật, EU có một bộ quy chuẩn đầy đủ và chi tiết nằm trong chỉ số 29/2000/EC ngày. Từ 1.9.2019, họ có chỉ số 523 để bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể. Sắp tới họ cũng sẽ áp dụng thêm một bộ tiêu chuẩn mới. "EU là một thị trường mà người tiêu dùng có ý thức rất cao về an toàn thực phẩm, đặc biệt KHCN rất phát triển. Hàng năm, EU đều có sáng kiến, công nghệ mới nhằm phát hiện dư lượng hoá chất ở mức thấp hơn", ông Hiếu nói.

FTA mang lại nhiều cơ hội cho nông dân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Việc cung cấp một cách đúng đắn, toàn diện các thông tin liên quan của hai Hiệp định CPTPP và EVFTA tới cho cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, toàn diện cho các doanh nghiệp và các bên quan tâm khác trong quá trình tìm hiểu để xây dựng, mở rộng thị trường trong chiến lược sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu của mình.

Bên cạnh những chính sách hiện tại, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài việc giúp mở rộng hơn nữa thị trường, chuyển dịch cơ cấu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, còn đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư nhờ những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường và quản trị nhà nước.

"Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỉđô la Mỹ và tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 tỉ USD trong năm 2018", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỉ USD của Việt Nam. Thông qua các hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường với dân số sơn 1 tỉ người.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung nội dung thảo luận qua hai phiên đối thoại chính thức để tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia một số FTA “thế hệ mới”, cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14.1.2019 và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30.6.2019. Việc này chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân Việt Nam bàn cách đi chợ thế giới