Bộ Môi trường Đức cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước này, chẳng hạn như mùa hè khô nóng đặc biệt trong những năm gần đây và trận lũ lụt tàn khốc năm 2021, đã gây thiệt hại hơn 80 tỉ euro.
Kiến thức - Học thuật

Nước chủ nhà Euro 2024 đau đầu với biến đổi khí hậu

Anh Tú 13:31 24/06/2024

Bộ Môi trường Đức cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước này, chẳng hạn như mùa hè khô nóng đặc biệt trong những năm gần đây và trận lũ lụt tàn khốc năm 2021, đã gây thiệt hại hơn 80 tỉ euro.

duc.jpg
Sự cố do nước mưa trên sân trước trận Thổ Nhĩ Kỳ gặp Georgia

Ernst Rauch, chuyên gia về khí hậu của Munich Re, một công ty tái bảo hiểm lớn ở Đức, cho biết: “Về cơ bản, nếu có nhiều thiệt hại hơn, sẽ có ai đó phải tốn thêm tiền”. Các công ty bảo hiểm, chính quyền hoặc người bị thiệt hại phải thanh toán hóa đơn.

Logic đằng sau bảo hiểm là có nhiều người đăng ký nhưng chỉ một số ít bị thiệt hại và được bồi thường. Tuy nhiên, nếu ngày càng có nhiều người bị thiệt hại, các công ty bảo hiểm sẽ chuyển rủi ro và tăng phí bảo hiểm cho người mua.

Vì một số thiên tai trước đây đã được chứng minh là quá tốn kém để chi trả bồi thường, nên các công ty bảo hiểm đã lần lượt bán bớt hợp đồng cho những tổ chức được gọi là công ty tái bảo hiểm. Munich Re là một trong những công ty như vậy. Họ đã nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu trong khoảng 50 năm nhằm làm sáng tỏ hậu quả của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh của chính họ.

Lĩnh vực của các công ty bảo hiểm đang bị thu hẹp

Điều gì sẽ xảy ra khi biến đổi khí hậu tạo ra những rủi ro lớn đến mức các công ty bảo hiểm không còn muốn bán bảo hiểm ở một số khu vực trên thế giới hoặc họ phải tăng phí bảo hiểm đến mức không ai sẵn lòng chi trả?

Một ví dụ điển hình là State Farm. Công ty bảo hiểm lớn này đã ngừng bán hợp đồng bảo hiểm ở California với lý do rủi ro thiên tai ngày càng tăng, chi phí xây dựng cao và thị trường tái bảo hiểm đầy thách thức.

Tại California, các công ty bảo hiểm thưởng chỉ phải bồi thường thiệt hại từ 1 đến 3 tỉ USD hằng năm trong những thập niên qua. Tuy nhiên, theo Rauch, số tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm ngày nay đã tăng lên hơn 10 tỉ USD mỗi năm.

Thiệt hại toàn cầu lên tới hàng trăm tỉ USD

Các khu vực khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan tỷ lệ với sự tàn phá ngày càng nghiêm trọng. Nước Đức cũng không ngoại lệ khi liên tục trải qua lũ lụt, bão, hạn hán và hỏa hoạn. Cơ quan Khí tượng Đức cảnh báo rằng những hiện tượng cực đoan như vậy sẽ diễn ra thường xuyên hơn, dẫn đến sức tàn phá lớn hơn, ảnh hưởng đến ngày càng nhiều người.

Rauch nói với DW: “Số tiền thiệt hại được bảo hiểm do thiên tai hằng năm trên toàn thế giới hiện lên tới khoảng 100 tỉ USD”, đồng thời tiết lộ: “80 đến 90% những thiệt hại này là do thời tiết gây ra”

Thiệt hại có thể được giảm thiểu

Rauch cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn chỉ là một phần nguyên nhân gây ra mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đồng thời giải thích rằng các yếu tố kinh tế xã hội còn đóng vai trò lớn hơn. Giá trị của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, dân số ngày càng tăng và việc xây dựng vẫn đang diễn ra ở những khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương như vùng ven biển hoặc gần sông. Tất cả đều khiến rủi ro và chi phí bồi thường tăng cao hơn.

Tuy nhiên, số thiệt hại thực tế gây ra còn lớn hơn nhiều vì không phải mọi thứ đều được mua bảo hiểm. Trên thực tế, chỉ có một nửa số thảm họa thiên nhiên trên thế giới nằm trong mối quan tâm của các nhà bảo hiểm. Ví dụ, ngay cả ở Đức, chỉ có khoảng một nửa số tòa nhà được bảo hiểm chống lũ lụt.

Bộ Môi trường Đức cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước này, chẳng hạn như mùa hè khô nóng đặc biệt trong những năm gần đây và trận lũ lụt tàn khốc năm 2021, đã gây thiệt hại hơn 80 tỉ euro. Con số này gồm thiệt hại từ các tòa nhà và cơ sở hạ tầng; thiệt hại do hư hỏng mùa màng và ngành lâm nghiệp cũng như những thiệt hại gián tiếp, ví dụ như do năng suất lao động giảm.

Phí bảo hiểm phải phù hợp với rủi ro

Rauch có tin rằng một ngày nào đó Đức có thể rơi vào tình huống tương tự như California, nơi các công ty bảo hiểm như State Farm đã ngừng bán bảo hiểm không? Ông giải thích rằng các cơ quan giám sát của Mỹ không cho phép các công ty bảo hiểm tăng phí bán cho dù rủi ro ngày càng tăng. Ông nói, đây là lý do State Farm rút khỏi California.

Rauch nghĩ điều này có thể không xảy ra trong vòng 5 đến 10 năm tới. Tuy nhiên, về lâu dài, ông tin rằng một số khu vực nhất định sẽ khó mua được bảo hiểm ngay cả khi các công ty bảo hiểm được phép tính phí theo ý muốn của họ..

Chính phủ Đức nhận thấy rằng thiệt hại kinh tế tổng thể do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tăng lên rất nhiều ở Đức trong những năm tới. Tùy thuộc vào tốc độ nóng lên của hành tinh, thiệt hại ước tính sẽ trong khoảng từ 280 đến 900 tỉ euro vào năm 2050. Ước tính này còn chưa tính đến tác động từ chất lượng cuộc sống giảm sút, các loài động thực vật bị tuyệt chủng và thiệt hại nguồn nước.

Phòng ngừa thiệt hại ngày càng quan trọng hơn

Khi nói đến kiểm soát thiệt hại, việc ngăn ngừa rủi ro đóng vai trò then chốt bên cạnh những nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu. Theo Rauch, đây là biện pháp quan trọng nhất có thể thực hiện ở những khu vực chịu rủi ro về khí hậu cao đến mức các công ty bảo hiểm không thể đưa ra các chính sách hợp lý nữa.

Rauch cho biết các biện pháp chống lũ lụt đã được cải thiện đáng kể ở Đức sau khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra dọc theo các con sông lớn vào năm 2002 và 2013, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp tương tự phải được thực hiện dọc theo các bờ biển trên khắp thế giới.

Hiệp hội Bảo hiểm Đức (GDV) cũng kêu gọi hành động: “Ưu tiên hàng đầu phải là quy hoạch, xây dựng và cải tạo thích ứng với khí hậu”. Hiệp hội cho biết không nên xây dựng tòa nhà mới ở những khu vực dễ bị ngập lụt và phải khôi phục các bề mặt tự nhiên (giúp thoát nước nhanh xuống lòng đất mỗi khi có mưa lớn).

Không có thời gian để lãng phí

Giới bán bảo hiểm tin rằng cần phải hành động nhanh chóng. Jorg Asmussen, giám đốc điều hành của Hiệp hội Bảo hiểm Đức đã cảnh báo từ hơn một năm trước rằng: “Nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách có hệ thống và thích ứng với khí hậu, ước tính phí bảo hiểm ở Đức sẽ tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới chỉ do thiệt hại do khí hậu”.

Trong Đánh giá rủi ro khí hậu, Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) kết luận rằng châu lục này quá chậm trong việc phòng ngừa. Giám đốc điều hành của EEA, Leena Yla-Mononen, đã kêu gọi các cơ quan tổ chức của từng quốc gia và cả châu Âu phải có trách nhiệm hành động ngay bây giờ. Yla-Mononen cho biết cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro khí hậu là nhanh chóng giảm lượng khí nhà kính thải ra, áp dụng các chiến lược điều chỉnh quy mô và thực hiện các biện pháp liên quan cần thiết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước chủ nhà Euro 2024 đau đầu với biến đổi khí hậu