Có bốn yếu tố tác động đến chất lượng thông tin và đem lại giá trị cho nó. Đó là: tính chính xác, phạm vi bao quát của nội dung, tính cập nhật và tần số sử dụng.
Kiến thức - Học thuật

Xác định chất lượng và giá trị của thông tin

theo Giáo trình thông tin học 18/06/2024 07:21

Có bốn yếu tố tác động đến chất lượng thông tin và đem lại giá trị cho nó. Đó là: tính chính xác, phạm vi bao quát của nội dung, tính cập nhật và tần số sử dụng.

tth.jpg
Mọi người đều muốn tiếp nhận thông tin chính xác và giá trị

Chất lượng thông tin

Tất cả chúng ta đều mong muốn thông tin phải xác thực và đúng đắn. Nói cách khác thông tin phải phù hợp với thực tế. Độ tin cậy của thông tin được tăng lên nếu nó được kiểm tra bằng các phương tiện độc lập. Để đạt mục đích sử dụng, thông tin phải được cập nhật một cách đầy đủ và chính xác. Điều đó cho phép người nhận có thể lựa chọn thông tin theo yêu cầu của họ.

Nếu thông tin không đầy đủ thì mức độ không chắc chắn cần phải được chỉ ra, hoặc phải tuân theo một quy ước nào đó. Ví dụ, khi nói "trời nắng", ta đã ngầm hiểu là trời nắng tại thời điểm và nơi đang nói. Thông tin phải dễ hiểu, tức là người nhận có thể lĩnh hội được. Vả lại, có những quy tắc (của ngôn ngữ, ký hiệu...) cho phép ta bảo đảm khía cạnh này của chất lượng thông tin.

Thông tin chất lượng thấp là những thông tin sai lạc hoặc bị bóp méo (do hành động có chủ tâm của nguồn hoặc do quá trình truyền tin). Nó có thể trái ngược với các thông tin khác. Nó có thể trình bày một cách nghèo nàn hoặc thậm chí khó lĩnh hội đối với người nhận. Điểm đáng chú ý ở đây là nhiều sản phẩm của công nghệ thông tin có mục đích phát hiện và nếu có thể, cải thiện thông tin chất lượng thấp trước khi nó được đưa tới người nhận.

Ngoài những đặc trưng chung của thông tin chất lượng cao, với từng trường hợp sử dụng thông tin cụ thể người ta còn đòi hỏi một số đặc trưng khác. Ví dụ, khi trả lời một câu hỏi, thông tin phải thích hợp và kịp thời; phải ở dạng mà người tiếp nhận có thể xử lý một cách thuận lợi (mô tả, phân loại, lưu trữ, tìm kiếm, cập nhật...); phải có mức độ chi tiết thoả đáng và khi cần thiết phải được bảo vệ. Người ta cũng đánh giá cao nếu thông tin được trình bày hấp dẫn và dễ sử dụng.

Giá trị của thông tin

Theo một nghiên cứu, người ta thấy có bốn yếu tố tác động đến chất lượng thông tin và đem lại giá trị cho nó. Đó là: tính chính xác, phạm vi bao quát của nội dung, tính cập nhật và tần số sử dụng. Trong đó quan trọng nhất là nội dung, thứ đến là tính chính xác.

Trên bình diện tổng quát, ta thấy rằng thông tin có giá trị là những thông tin có tính chất riêng biệt và thông tin có tính chất dự báo. Tính chất riêng biệt làm cho thông tin phù hợp với yêu cầu của người sử dụng. Còn tính chất dự báo cho phép người ta có thể lựa chọn một quyết định trong nhiều khả năng cho phép. Có thể nói thêm rằng giá trị nhận thức của thông tin dự báo liên quan mật thiết đến tính đúng đắn của việc lựa chọn quyết định.

Trên một ý nghĩa rộng hơn, giá trị của thông tin nằm trong quyền lực tổ chức của nó. Thông tin phản ánh cái xác định, trật tự trong các mối quan hệ của tổ chức. Thông tin có giá trị cao cho phép người ta có thể làm môi trường tốt lên và có thể ra những quyết định đối phó được với sự thay đổi của hoàn cảnh. Tính chất quyền lực này của thông tin còn nằm trong cách nó có thể tượng trưng cho những kiến trúc vật chất và tinh thần và được phản ánh trong các định nghĩa của từ điển về động từ "thông tin": "Thông tin là sắp xếp, hình thành, tạo thành (trí tuệ và tính cách...) bằng cách truyền đạt kiến thức" (Oxford English Dictionary).

Giá thành của thông tin

Giá thành của thông tin có thể quy về hai bộ phận chính. Thứ nhất là Lao động trí tuệ, bao gồm việc hình thành ra thông tin và xử lý nội dung của nó. Thứ hai là Các yếu tố vật chất, đó là các phương tiện xử lý và lưu trữ thông tin, các phương tiện truyền tin...

Đối với các yếu tố vật chất việc định giá thường dễ dàng hơn: các vật mang tin, các phương tiện truyền tin, năng lượng dùng để chuyển tải thông tin... được định giá bằng giá trị của thị trường.

Khi thông tin được lặp lại với số lượng lớn và được ghi trên các phương tiện vật chất như trường hợp của báo chí, sách, băng ghi âm... thì giá của phương tiện vật chất sẽ chi phối giá thành của một đơn vị thông tin. Trong trường hợp như thế, sản phẩm thông tin trở thành hàng hoá theo đúng nghĩa kinh tế của từ này. Ở đây thông tin có thể mua, bán, trao đổi và như thế rõ ràng quyền sở hữu thông tin bị chia sẻ.

Nhưng điều đó không đúng với thông tin thuần khiết. Người sáng tạo ra thông tin có quyền sở hữu chúng và được bảo đảm bằng pháp luật (ví dụ như luật về phát minh sáng chế, luật bí mật nghề nghiệp, luật bản quyền...), trong khi vẫn sẵn sàng cung cấp cho người khác. Thực tế đó, như là một bản chất vốn có của thông tin, làm cho nó khó có thể đối xử như là một sản phẩm hay hàng hoá. Do đó, pháp luật luôn gặp khó khăn trong việc giải thích và thi hành luật bản quyền. Phần nào để tránh vấn đề này, thông tin thuần túy trên thực tế thường được cung cấp tự do không kể đến giá thành của chúng (thông tin đại chúng). Ở một cực khác, khi thông tin có giá trị độc chiếm thì người cung cấp thông tin phải gánh chịu một khoản chi phí để bảo vệ thông tin trong khi chờ bán nó với một giá cao (các báo cáo đặc biệt, văn bản hội nghị, các dịch vụ tư vấn cá nhân...).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyến công tác dự WEF và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng mang nhiều ý nghĩa quan trọng
28 phút trước Theo dòng thời sự
Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam 2 năm liên tiếp được mời tham dự hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xác định chất lượng và giá trị của thông tin