Người nuôi ngựa đua khi đã gắn bó với nghề thì không phải chỉ có nghề mà là nghiệp. Đã là nghiệp thì không chỉ có công việc thuần túy mà còn là thú đam mê, chính vì thế nên người gắn với ngựa bằng mối dây tình cảm đặc biệt, đã không quãng công chăm sóc, huấn luyện mà còn yêu quý ngựa như con.

Nuôi ngựa đua không phải chỉ nghề mà là nghiệp

Một Thế Giới | 02/05/2015, 08:30

Người nuôi ngựa đua khi đã gắn bó với nghề thì không phải chỉ có nghề mà là nghiệp. Đã là nghiệp thì không chỉ có công việc thuần túy mà còn là thú đam mê, chính vì thế nên người gắn với ngựa bằng mối dây tình cảm đặc biệt, đã không quãng công chăm sóc, huấn luyện mà còn yêu quý ngựa như con.

Kỳ công chăm sóc và nuôi một chú ngựa đua

Ngựa đua được nuôi với chế độ đặc biệt: Ngoài cỏ non ngon nhất, còn cho ăn thêm lúa, đậu xanh, đậu nành, được tiêm thuốc bổ thường xuyên, thuốc sung, thuốc chống mỏi, uống nước sạch. Tiền thức ăn cho một con ngựa đua mỗi tháng trên dưới 5 triệu đồng. Chủ ngựa thường xuyên tập luyện cho ngựa mỗi sáng sớm và chiều mát, cỡi ngựa “phi” đường gần, đường xa để tăng sức bền, sự dẻo dai và tốc độ. Dân trong nghề gọi là cỡi ngựa “đi quần”, cực nhất vẫn là cho ngựa đi “dầm nước”, tức huấn luyện ngựa dưới nước, cũng có nghĩa chủ ngựa cũng “dầm nước” theo.

Một huấn luyện viên có thâm niên 20 năm huấn luyện ngựa đua của Công ty Thiên Mã, đơn vị phụ trách trường đua Phú Thọ cho biết nghề huấn luyện, chăm sóc ngựa đua không hề đơn giãn, ngoài việc theo con ngựa chiến như hình với bóng để huấn luyện thể lực cho ngựa theo một chế độ cực kỳ nghiêm túc, có bài bản, “giáo án, giáo trình” để củng cố sức bền, tăng tốc độ còn phải chú ý đến… răng ngựa và móng ngựa. Bẩm sinh răng ngựa đã không đều, lệch lạc, có răng nhọn sắc sẽ làm tổn thương miệng ngựa như đâm vào má, xây xát lưỡi khiến ngựa biếng ăn ảnh hưởng tới sức khỏe ngựa nên phải làm răng, chăm sóc răng miệng cho ngựa thường xuyên.

Việc đóng móng cho ngựa cũng rất quan trọng, ngực non đến 2 tuổi là bắt đầu đóng móng sắt và 2 tuần phải thay móng sắt sắt một lần. Việc đóng móng ngựa cũng không hề đơn giãn, móng sắt đóng phản cân xứng, vừa khít, giống như người mang giày. Đóng móng ngựa sao cho khi ngựa sải vó trên đường đua chân trước và chân sau tạo thành một đường thẳng, không chệch choạc. Nếu không thì con ngựa sẽ không vững theo những bước nhảy, không thể nào chạy bình thường chứ nói gì vào cuộc đua quyết liệt.

Ông Nhan Văn Trâm, một người nuôi ngựa nổi tiếng khác ở Đức Hòa, có thâm niên và uy tín trong nghề, Chủ tịch hội chủ ngựa ở trường đua Phú Thọ cả đời gắn với việc nuôi, chăm sóc, huấn luyện ngựa đua đã bộc bạch: “Nuôi ngựa là một cái thú đam mê sau khi đã theo nghiệp, theo nghề của gia đình. Do đó tuy cực nhọc nhưng không bỏ được vì ngựa là là một con vật tinh khôn, biết nhận ra chủ, nghe lời chủ, thấy chủ tới là hí lên mừng rỡ, thương lắm”. Và không riêng gì ông Nhan, anh Hoàng, anh Tiên, anh Minh… cả xứ Đức Hòa còn rất nhiều hộ nuôi ngựa đua, mỗi người đều gắn bó với nghề, với nghiệp không chỉ vì truyền thống gia đình mà còn có thú đam mê những con chiến mã.

Nài ngựa trên lưng chiến mã

Bất cứ cuộc đua ngựa nào, quyết định sự thắng bại cho chủ ngựa không chỉ nhờ ngựa giỏi mà còn có một yếu tố khác, đó là nài ngựa, nhân vật ngồi trên lưng con tuấn mã. Bởi nài ngựa là người trực tiếp điều khiển ngựa tham gia tranh tài trong cuộc đua khốc liệt, ngoài kỹ thuật điều khiển ngựa, nài còn phải dũng cảm, thông minh, có óc phán đoán đường đua và đối thủ trong lúc tranh tài. Nài giỏi không phí sức ngựa, mà biết cho ngựa bức phá khi cần thiết, thoát khỏi đối phương, tăng tốc để về đích trước.

Không phải ai cũng làm nài ngựa được, do đó nài ngựa luôn là những chú bé xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi ngựa, gắn bó với ngựa từ nhỏ. Và để được làm “nhân vật” quan trọng ngồi trên lưng tuấn mã tham gia trên đường đua, nài ngựa phải được chủ ngựa chọn lọc kỹ, tuân theo một chế độ đặc biệt về tuổi nghề và thể trọng. Nài ngựa càng trẻ tuổi, càng nhẹ cân càng tốt. Độ tuổi tối đa không quá 15, thể trọng không quá 42-43 ký.

Với tiêu chí này, hơn 50% nài ngựa ở trường đua Phú Thọ đều xuất thân từ xứ nuôi ngựa đua Đức Hòa. Đặc biệt có nài ngựa tên Phan Trung Dũng, tên nài là Dũng 1 đã 18 tuổi vượt quá số tuổi quy định nhưng vì nhẹ cân, chỉ khoảng 39 ký, da đen nhẻm, nhỏ con nên trông như đứa trẻ khoảng 13-14 tuổi. Dũng 1 là con nhà nòi, làm nài ngựa từ năm 10 tuổi, có biệt tài thuần phục ngựa chứng.

Dũng 1 có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề nài ngựa với thu nhập một tuần 2-3 triệu đồng, có tuần nhiều phi vụ” kiếm được 4-5 triệu đồng. Tuy kiếm được nhiều tiền nhưng nghề nài ngựa khá vất vả, phải nhịn ăn, chống ngủ để giữ thể trọng ở mức chuẩn vì không thuê một nài ngựa 45 ký ngồi trên con chiến mã của mình để chạy đua.

Khổ nhọc là thế, nhưng trong những cuộc đua, khi ngựa thắng cuộc, đoạt giải, không ai nhớ tên nài ngựa mà chỉ nhớ tên…con ngựa và tên chủ con ngựa thắng cuộc, còn nài ngựa “nhân vật” quan trọng không thể thiếu, ngồi lừng lững trên con chiến mã về đích trước nhất thì không ai buồn nhắc tới.

Từ năm 2003, trường đua Phú Thọ thuộc CLB Thể Thao Phú Thọ quản lý, Công ty TNHH Tiên Mã là đơn vị hợp tác đầu tư. Mỗi tuần vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật tổ chức 10 cuộc thi đấu, mỗi cuộc có 12 con ngựa tham gia. Ngựa đua được phân loại theo 3 hạng: A, B, C dựa theo chiều cao của ngựa. Mỗi cuộc đua thu hút khoảng 2.000-3.000 lượt khán giả. Ngoài những cuộc đua tổ chức định kỳ hàng tuần, mỗi năm trường đua Phú Thọ có tổ chức những cuộc đua giải, tranh cúp, tranh hội vào các dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán.

Trần Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi ngựa đua không phải chỉ nghề mà là nghiệp