Tính đến sáng 2.1.2022, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 131 nước/vùng lãnh thổ và khiến 83 người chết.

Omicron lan ra 130 nước, khiến 83 người chết, đại diện WHO ở Campuchia chỉ cách phòng chống

Sơn Vân | 02/01/2022, 13:01

Tính đến sáng 2.1.2022, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 131 nước/vùng lãnh thổ và khiến 83 người chết.

Thế giới hiện ghi nhận tổng cộng 403.283 ca nhiễm Omicron, song con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần. Trong đó, Vương quốc Anh chiếm đa số với 246.780 ca, tiếp đến là Đan Mạch (54.616), Mỹ (24,787), Đức (16.748), Canada (14.139), Na Uy (12.128), Pháp (4.942).

Đã có 83 người tử vong do Omicron, trong đó 75 trường hợp ở Vương quốc Anh và 5 tại Đức.

Mỹ , Úc và Ấn Độ đều ghi nhận 1 người chết do biến thể này.

Dù Omicron lây lan cực nhanh, Tiến sĩ Li Ailan, đại diện của WHO tại Campuchia, nói không cần phải hoảng sợ trước biến thể Omicron. Thay vào đó, người dân cần ghi nhớ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả khi năm mới sắp đến.

Tiến sĩ Li Ailan đã đồng hành không mệt mỏi với các quan chức Bộ Y tế Campuchia trong cuộc chiến chống COVID-19 và các biến thể SARS-CoV-2.

Bà cho biết: “Campuchia đã thực hiện công việc xuất sắc trong việc triển khai tiêm vắc xin cho tất cả dân số đủ điều kiện bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi, các nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương khác.

Vắc xin và tiêm chủng là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Vắc xin có hiệu quả cao trong việc giảm bệnh nặng và nhập viện, cũng như cứu mạng người, nhưng chỉ riêng chúng thì không đủ để ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2. Chúng tôi cần tiếp tục làm những gì đã làm kể từ khi bắt đầu đại dịch: Thực hiện theo 3 điều nên làm và 3 điều không nên ở Campuchia, có hiệu quả chống lại bất kể biến thể nào”.

Tiến sĩ Li Ailan nói thêm, ngay cả khi đã tiêm vắc xin đầy đủ, người dân phải đeo khẩu trang, đặc biệt là khi ở trong nhà hoặc xung quanh người khác, giữ khoảng cách vật lý ít nhất 1,5 mét với người khác, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ cho tay sạch sẽ bằng chất khử trùng hoặc nước rửa tay, tăng cường thông gió ở những nơi kín.

Quan trọng nhất, nếu bạn cảm thấy không khỏe, vui lòng tránh xa những người khác, tìm kiếm sự chăm sóc y tế và xét nghiệm COVID-19. Những cách và hành động này đã có hiệu lực chống lại vi rút SARS-CoV-2 gốc và Delta. Chúng cũng sẽ hoạt động hiệu quả để chống lại Omicron và các biến thể khác”, Tiến sĩ Li Ailan nói.

Đại dịch vẫn là mối đe dọa với cuộc sống và sinh kế. Miễn là sự lây truyền tiếp tục ở bất cứ đâu trên thế giới, vi rút SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến như chúng ta thấy từ sự xuất hiện biến thể Omicron.

Omicron được WHO đánh giá là biến thể đáng lo ngại vì có nhiều đột biến ảnh hưởng đến cách nó hoạt động, bao gồm cả khả năng lây truyền cao hơn.

Vì Omicron là một biến thể mới nên chúng ta vẫn đang tìm hiểu về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và tác động của nó với những người được tiêm vắc xin COVID-19. Sự không chắc chắn này có thể khiến mọi người trở nên lo lắng, và dù đây là phản ứng bình thường của con người, nhưng điều tốt nhất nên làm là tập trung vào những điều chúng ta có thể làm như cảnh giác và hành động có trách nhiệm. Chúng tôi đã biết điều gì phù hợp với mọi cá nhân: 3 điều nên làm và 3 điều không nên.

Ngoài ra, chúng ta cần nhớ rằng Delta vẫn còn tồn tại ở Campuchia và là biến thể nguy hiểm, có tính lây lan cao. Việc người nhập cảnh mang Omicron vào nước này là lời nhắc nhở chưa nên tự mãn với các biện pháp bảo vệ trước COVID-19. Khả năng gia tăng nhanh chóng ca COVID-19 nếu Omicron lây lan trong cộng đồng là rất cao và tất cả chúng ta cần phải cẩn thận”, Tiến sĩ Li Ailan chia sẻ thêm.

Ở Đông Nam Á, ngoại trừ Lào, 9 nước còn lại đã ghi nhận ca nhiễm Omicron. Riêng Campuchia đã phát hiện 66 người nhiễm Omicron.

omicron-lan-ra-130-nuoc-khien-83-nguoi-chet2.jpg
Tiến sĩ Li Ailan, đại diện của WHO tại Campuchia nói không cần hoảng sợ trước Omicron

Điều đáng lo ngại là Omicron phần lớn tránh được khả năng miễn dịch do khỏi COVID-19 trong quá khứ hoặc hai liều vắc xin.

Các đột biến giúp Omicron thoát khỏi các kháng thể trung hòa, tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại nhiễm vi rút.

Báo cáo từ nhóm phản ứng COVID-19 của Đại học Hoàng gia London (Anh) ước tính rằng nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron lớn hơn 5,4 lần so với Delta. Điều này ngụ ý rằng khả năng bảo vệ chống lại sự tái nhiễm Omicron do khỏi bệnh COVID-19 trong quá khứ có thể thấp tới 19%.

Dù vậy, nghiên cứu mới cho thấy các tế bào T, một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể tuyến thứ hai, có hiệu quả cao trong việc nhận biết và tấn công biến thể Omicron, ngăn nhiễm trùng tiến triển thành bệnh nghiêm trọng.

Trong các thí nghiệm trên ống nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi đã cho các bản sao của Omicron tiếp xúc với tế bào T từ những người tình nguyện đã tiêm vắc xin Johnson & Johnson, Pfizer- BioNTech hoặc những ai chưa tiêm phòng COVID-19 nhưng đã phát triển tế bào T của riêng họ sau khi nhiễm biến thể SARS-CoV-2 cũ hơn.

Bất chấp Omicron đột biến trên diện rộng và làm giảm độ nhạy của các kháng thể trung hòa, phần lớn đáp ứng tế bào T, được tạo bởi tiêm vắc xin hoặc khỏi COVID-19, nhận dạng chéo ra biến thể này”, các nhà nghiên cứu báo cáo trên trang medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.

Họ cho biết: “Khả năng miễn dịch của tế bào T được duy trì tốt với Omicron có thể góp phần bảo vệ tránh khỏi bệnh COVID-19 nghiêm trọng”, hỗ trợ những gì các bác sĩ Nam Phi duy đoán ban đầu khi hầu hết ca nhiễm Omicron không bị bệnh nặng.

Chữ T là viết tắt của tuyến ức, cung cấp một môi trường để phát triển các tế bào T từ các tế bào tiền thân.

Theo một nghiên cứu khác, tỷ lệ những người được tiêm vắc xin lây SARS-CoV-2 nếu một thành viên trong gia đình nhiễm Omicron cao hơn gần 3 đến 4 lần so với Delta, nhưng mũi vắc xin tăng cường làm giảm nguy cơ đó.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu lây truyền được thu thập từ gần 12.000 hộ gia đình mắc COVID-19 ở Đan Mạch, trong đó có 2.225 hộ gia đình nhiễm biến thể Omicron.

Nhìn chung, đã có 6.397 ca lây vi rút SARS-CoV-2 thứ cấp trong tuần sau lần nhiễm đầu tiên trong nhà.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, tỷ lệ lây lan SARS-CoV-2 từ người sang người với những ai được tiêm vắc xin đầy đủ ở các hộ gia đình nhiễm Omicron cao hơn khoảng 2,6 lần so với các hộ gia đình nhiễm Delta.

Ở các hộ gia đình nhiễm Omicron, những người đã nhận nũi vắc xin tăng cường có nguy cơ lây truyền vi rút cao hơn gần 3,7 lần so với các hộ gia đình nhiễm Delta.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào các hộ gia đình nhiễm Omicron, những người đã nhận mũi vắc xin tăng cường có nguy cơ nhiễm vi rút thấp hơn 56% so với những ai chỉ mới chỉ 2 mũi vắc xin Pfizer/Moderna hoặc 1 mũi Johnson & Johnson.

Nhìn chung, khi mang SARS-CoV-2 về nhà, những người đã tiêm mũi vắc xin tăng cường ít có khả năng truyền vi rút sang người khác hơn những người mới chích mới chỉ 2 mũi vắc xin Pfizer/Moderna hoặc 1 mũi Johnson & Johnson.

Ba loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được phê duyệt sử dụng ở Đan Mạch là Pfizer, Moderna (công nghệ mRNA) và Johnson & Johnson (công nghệ vector vi rút). Mới đây, quốc gia Bắc Âu cấp phép thêm vắc xin COVID-19 công nghệ protein tái tổ hợp của Novavax.

Bài liên quan
Có thể cần vắc xin đặc trị Omicron và các biến thể mới để không phải tiêm 2–3 mũi  mỗi năm
Dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy có thể cần tới 2 – 3 mũi vắc xin COVID-19 tăng cường mỗi năm để bảo vệ người có nguy cơ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Omicron lan ra 130 nước, khiến 83 người chết, đại diện WHO ở Campuchia chỉ cách phòng chống