Hôm 30.12, các nhà nghiên cứu cho biết mũi tăng cường của vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) có hiệu quả 84% trong việc ngăn ngừa nhập viện ở các nhân viên y tế Nam Phi nhiễm biến thể Omicron.

Nghiên cứu với 69.092 nhân viên y tế, mũi vắc xin J&J thứ 2 hiệu quả cao ngăn nhập viện do nhiễm Omicron

Sơn Vân | 30/12/2021, 18:22

Hôm 30.12, các nhà nghiên cứu cho biết mũi tăng cường của vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) có hiệu quả 84% trong việc ngăn ngừa nhập viện ở các nhân viên y tế Nam Phi nhiễm biến thể Omicron.

Loại vắc xin COVID-19 công nghệ vector vi rút do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Johnson & Johnson (Mỹ) sản xuất khác thường ở chỗ chỉ tiêm 1 mũi.

Nghiên cứu trong thế giới thực (chưa được bình duyệt) dựa trên mũi vắc xin Johnson & Johnson thứ hai được tiêm cho 69.092 nhân viên y tế trong khoảng thời gian từ 15.11 đến 20.12.

Liệu trình tiêm vắc xin ban đầu (1 mũi J&J hoặc 2 mũi các loại vắc xin khác) giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm Omicron, biến thể đang lây lan nhanh chóng qua nhiều quốc gia sau khi lần đầu xuất hiện vào cuối tháng 11 ở phía nam châu Phi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gợi ý rằng mũi vắc xin tăng cường cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra.

Nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy hiệu quả vắc xin Johnson & Johnson trong việc ngăn ngừa nhập viện đã tăng từ 63% lên 84% sau khi tiêm mũi tăng cường 14 ngày. Hiệu quả đạt 85% từ 1 đến 2 tháng sau khi nhận mũi vắc xin Johnson & Johnson thứ hai này.

Linda-Gail Bekker, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nó làm chúng tôi yên tâm rằng vắc xin COVID-19 tiếp tục có hiệu quả cho mục đích mà chúng được thiết kế, đó là bảo vệ con người chống lại bệnh nghiêm trọng và tử vong. Đây là bằng chứng nữa cho thấy vắc xin không bị mất tác động đó ngay cả khi đối mặt với một biến thể rất đột biến".

"Những gì chúng tôi cho thấy là mũi vắc xin Johnson & Johnson thứ hai thực sự khôi phục lại sự bảo vệ hoàn toàn. Tôi không nghĩ rằng có thể ngoại suy từ điều này rằng chúng ta sẽ cần lần tiêm mũi tăng cường thứ ba hoặc thứ tư", Linda-Gail Bekker nói thêm.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận phân tích của họ có một số hạn chế, bao gồm cả thời gian theo dõi ngắn, trung bình là 8 ngày với nhân viên y tế đã được tiêm mũi vắc xin Johnson & Johnson thứ hai trong 13 ngày trước đó hoặc 32 ngày với những người nhận mũi tăng cường này 1-2 tháng trước đó và có thể dẫn đến sai lệch hiệu quả tổng thể của vắc xin.

Một nghiên cứu khác tại Nam Phi trong tháng này cho thấy đợt tiêm hai liều vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech kém hiệu quả hơn trong việc ngăn những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhập viện kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện.

Kết quả thử nghiệm được công bố vào tháng 9, trước khi Omicron xuất hiện, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 trung bình đến nặng ở những người tiêm mũi Johnson & Johnson thứ hai trong 2 đến 6 tháng sau lần đầu đã tăng từ 74% lên 94%. Theo Maureen Ferran, Phó giáo sư sinh học tại Viện Công nghệ Rochester (Mỹ), lượng kháng thể trung hòa cũng tăng gấp 4 lần.

Nghiên cứu của Johnson & Johnson cho thấy nếu tiêm mũi tăng cường vắc xin này khoảng 2 tháng sau lần đầu tiên, lượng kháng thể sẽ tăng 4-6 lần. Nếu tiêm mũi hai sau 6 tháng, lượng kháng thể tăng tới 12 lần.

Dữ liệu được Anh công bố hôm 10.12 cho thấy hiệu quả của hai liều vắc xin chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm đáng kể, nhưng mũi thứ ba sẽ tăng khả năng bảo vệ lên hơn 70%.

Trong một phân tích trên 581 người, hai liều vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech cung cấp mức độ bảo vệ chống lại nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng thấp hơn nhiều so với Delta. Song sau khi tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường, khoảng 70% người ban đầu nhận hai liều AstraZeneca có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm Omicron có triệu chứng và khoảng 75% với những người nhận hai liều Pfizer trước đó. Kết quả này so với khả năng bảo vệ ước tính chống lại sự lây nhiễm Delta là khoảng 90% sau khi nhận mũi vắc xin Pfizer tăng cường.

Ngày 8.12, Pfizer-BioNTech cho biết ba mũi vắc xin COVID-19 của họ có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron trong một thử nghiệm ở phòng thí nghiệm. BioNTech và Pfizer nói rằng mũi vắc xin thứ ba của họ làm tăng lượng kháng thể trung hòa lên 25 lần.

Trong thử nghiệm, máu thu được từ những người tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3 cách đây 1 tháng đã vô hiệu hóa biến thể Omicron, với hiệu quả tương đương máu thu từ người nhận 2 liều vắc xin này chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc).

Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể tránh được một phần khả năng bảo vệ của hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech, đồng thời cho thấy mũi vắc xin tăng cường có thể hữu ích để ngăn ngừa nhiễm biến thể mới.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, nói chúng ta đang thấy những trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá ở người đã tiêm vắc xin và nhận mũi tăng cường. Thế nhưng, ông khẳng định "khả năng một người được tiêm mũi vắc xin tăng cường (Moderna, Johnson & Johnson và Pfizer) mắc bệnh nặng do Omicron là rất, rất thấp".

Khi bạn đang đối phó với một loại vi rút hay biến thể như Omicron với khả năng lây lan từ người sang người rất ngoạn mục, chúng ta sẽ thấy những trường hợp nhiễm đột phá ở những ai đã tiêm vắc xin và cả những ai nhận mũi tăng cường. Điều đó đang diễn ra, sẽ xảy ra. Vấn đề mọi người cần hiểu là ngay cả với điều đó, khả năng một người đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường mắc bệnh nặng do nhiễm Omicron là rất thấp", cố vấn y tế Nhà Trắng chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu với 69.092 nhân viên y tế, mũi vắc xin J&J thứ 2 hiệu quả cao ngăn nhập viện do nhiễm Omicron