Nói với phóng viên Một Thế Giới, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông đồng tình với quy định phải xin phép trước khi quay phim, ghi âm người tiếp công dân. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần tăng cường chất lượng hơn nữa việc tiếp dân ở các cơ quan, để nâng cao hiệu quả công việc, tăng lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Quan trọng là chất lượng tiếp dân

Trí Lâm | 08/01/2019, 17:37

Nói với phóng viên Một Thế Giới, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông đồng tình với quy định phải xin phép trước khi quay phim, ghi âm người tiếp công dân. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần tăng cường chất lượng hơn nữa việc tiếp dân ở các cơ quan, để nâng cao hiệu quả công việc, tăng lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố.

Theo đó, công dân đến trụ sở này phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên bảo vệ.Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong trụ sở tiếp công dân. Hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân.

Trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, nội quy cũng quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, Luật Tiếp công dân có khoản 2 nêu nguyên tắc là giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho người tố cáo. Người quay clip, ghi âm là những ai? Bao nhiêu người? Liệu có đảm bảo nguyên tắc bí mật hay không? Nếu họ quay người khác vào để tiết lộ bí mật người khác thì sao?

Bên cạnh đó, theo ông Nhưỡng, Luật Tiếp công dân cũng quy định 8 hành vi cấm, liệu việc quay có ảnh hưởng đến các điều cấm này hay không? Hơn nữa, cơ quan tiếp công dân có nội quy và công dân đến làm việc phải tuân theo nội quy của cơ quan đó.

Cũng theo ông Nhưỡng, quy định này cũng không phải là cấm. Công dân vẫn được phép quay nếu người tiếp dân đồng ý. Nếu tất cả ai cũng được quay thì rất có thể sẽ dẫn đến lộn xộn ở khu vực tiếp dân, vì việc khiếu nại, tố cáo có rất nhiều người.

Tuy nhiên, khi quy định này được ban ra thì gặp phải sự phản đối từ người dân, ông Nhưỡng cho rằng từ phía người dân họ nhận thấy việc tiếp công dân trong thời gian qua có vấn đề, thậm chí không giải quyết được việc cho họ. Hơn nữa, có một số cán bộ tiếp dân giải quyết không đến nơi đến chốn; trong quá trình tiếp xúc giữa công dân với người tiếp dân xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng… Chất lượng xử lý tiếp dân cũng không đồng đều ở nhiều nơi, nên người dân cũng có những so sánh.

“Tôi đã có chất vấn về vấn đề này với Thủ tướng và đề nghị cần tăng cường chất lượng hơn nữa việc tiếp dân ở các cơ quan, để nâng cao hiệu quả công việc, tăng lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền. Việc tiếp dân và giải quyết kiến nghị của dân chưa hiệu quả, trong nhiều năm không được giải quyết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc như Đồng Tâm chẳng hạn”, ông Nhưỡng nói.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương cho biết, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của phụ trách trụ sở tiếp dân.

Theo ông Điệp, lý do của việc ban hành quy chế này là “để người dân giám sát cũng tốt, nhưng có người livestream (trên mạng xã hội) với những lời lẽ bình luận không đúng mực; có một số người không quay phim, chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ khác.

“Ban Tiếp công dân Trung ương có quy định đó, nhưng vừa qua tiếp công dân ở TP.HCM cũng quay trực tiếp hết. Có những công dân trong quá trình quay có lời lẽ bình luận không đúng mực làm ảnh hưởng đến quyền của người tiếp dân. Người tiếp dân là công chức nhưng cũng là công dân. Quy định như thế nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền", ông Điệp nói.

Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cho rằng văn bản không xâm phạm quyền lợi của người dân, vì luật Tiếp công dân có ghi rõ các quyền của công dân như quyền được bảo đảm, được trình bày và nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan đó.

Theo đó, bản chất ban hành quy định nêu trên chỉ nhằm tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp. Đặc biệt là ngăn chặn các trường hợp cực đoan khi một số người đến không phải vì thực hiện quyền của mình mà là để tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, vu khống…

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
23 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Quan trọng là chất lượng tiếp dân