Báo Washington Times (Mỹ) chỉ ra việc quân đội Venezuela bất mãn, có thể đã bắt đầu một "cuộc đấu tranh vũ trang" để chống lại Tổng thống Nicolas Maduro.

Ông Maduro vất vả dẹp phản loạn trong quân đội Venezuela

16/08/2018, 17:39

Báo Washington Times (Mỹ) chỉ ra việc quân đội Venezuela bất mãn, có thể đã bắt đầu một "cuộc đấu tranh vũ trang" để chống lại Tổng thống Nicolas Maduro.

Tướng vệ binh Gamez khi còn được lòng Tổng thống Maduro (phải) - Ảnh: Nuevo Pais

Cuộc điều tra vụ ám sát hụt Tổng thống Nicolas Maduro bằng máy bay không người lái (UAV) mang bom ngày 4.8 đã được mở rộng, gồm bắt 2 sĩ quan cấp cao của Vệ binh quốc gia Venezuela.

Ngày 14.8 , Viện trưởng Viện Kiểm sát Venezuela, ông Tarek William Saab cho biết 2 sĩ quan bị bắt là đại tá Pedro Zambrano Hernandez và tướng Alejandro Perez Gamez của Vệ binh quốc gia, nhưng không xác định vai trò đáng nghi của họ.

Binh lính nổi loạn, tuyên bố sẽ khử Tổng thống Maduro bằng được

Nhà báo nữ đối lập Patricia Poleo (đang sống ở Mỹ) nổi tiếng có quan hệ thân cận với quân đội Venezuela, xác nhận bà nhận được nhiều nguồn tin trong lực lượng này đã tuyên bố khởi động “một cuộc đấu tranh vũ trang” chống lại vị lãnh đạo đàn em của cố Tổng thống Hugo Chavez nổi tiếng chống Mỹ, vì họ cáo buộc ông Maduro “liên tục vi phạm hiến pháp Venezuela”.

Theo Washington Times, có thể một cánh vũ trang trong lực lượng an ninh Venezuela đứng sau vụ mưu sát Tổng thống Maduro, bất kể việc ông nỗ lực kiểm soát chặt quân đội.

Ban đầu, một nhóm binh sĩ có tên “Phong trào quốc gia của các chiến binh áo phông” đã nhận trách nhiệm tổ chức ám sát Tổng thống Maduro. Họ viết Twitter rằng họ lập kế hoạch cho bay 2 chiếc UAV mang chất nổ để giết Tổng thống Maduro, nhưng quân chính phủ kịp bắn rơi chúng trước khi chúng bay đến mục tiêu: “Chúng tôi muốn cho mọi người thấy họ rất dễ bị tấn công. Hôm nay chúng tôi không thành công, nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”.

Còn có 2 nhóm khác nhận trách nhiệm là “Nhóm Fenix” và ”Lực lượng kháng chiến”.

Cựu chỉ huy cảnh sát thủ đô, Salvatore Lucchese, cũng nhận trách nhiệm vụ mưu sát Tổng thống Maduro. Ông nói với Reuters: “Chúng tôi đã chứng minh chế độ này dễ bị tổn thương. Chúng tôi không đạt dược mục tiêu, nhưng đấy chỉ là vấn đề thời gian”.

Lucchese từng bị chính quyền Maduro bỏ tù năm 2014 vì ông không nhận lệnh đàn áp các cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập. Sau khi ra tù năm 2016, ông tham gia chính trị rồi bỏ trốn để không bị bắt nữa.

Lucchese cũng dính líu với thanh tra cảnh sát Oscar Perez, một cấp dưới trong đơn vị cảnh sát điều tra hình sự của ông. Hồi tháng 6.2017, Perez nổi loạn bằng vụ cướp một chiếc trực thăng, bay trên không phận Caracas và ném lựu đạn vào nhiều cơ quan chính phủ, trong đó có trụ sở Tòa án tối cao, sau khi các thẩm phán thân chế độ mở đường cho ông Maduro tập trung quyền lực.

Sau 6 tháng lẩn trốn, tay nổi loạn Perez cùng một số chiến hữu đã bị bắn chết trong một cuộc đấu súng dữ dội hồi tháng 3. Theo AP, Cơ quan an ninh nội chính Venezuela (SEBIN) dùng đạn chống tăng RPG khi tấn công nơi trú ẩn của Perez ở một vùng ngoại ô Caracas.

Sĩ quan phản loạn Perez tuyên bố chống chính phủ Maduro - Ảnh: AP

Ông Maduro để sĩ quan cấp cao tham nhũng hòng tìm sự trung thành

Vẫn theo AP, cảnh sát thủ đô Caracas đã bị Tổng thống Maduro sa thải nhiều người, nhưng họ duy trì quan hệ với lãnh đạo phe đối lập đang kiểm soát chính quyền thành phố này.

Thị trưởng Caracas là Leopoldo Lopez, thủ lĩnh đảng Công lý trên hết đối lập (Lucchese là thành viên) đang bị tù mà phe đối lập nói chính phủ “có thủ đoạn chính trị” khi buộc tội ông.

Lucchese còn nói: “Chúng tôi là các nhà hoạt động đường phố, sinh viên và cựu sĩ quan quân đội”.

Năm 2017 đã nổ ra những cuộc xuống đường biểu tình phản đối chế độ Maduro, vào lúc người dân bị quá thiếu thức ăn, thuốc men và nhu yếu phẩm, cùng tình trạng siêu lạm phát (Quỹ Tiền tệ quốc tế nói có thể cuối năm nay tỷ lệ lạm phát của Venezuela lên đến 1 triệu phần trăm).

Phản ứng trước các cuộc biểu tình, chính phủ mạnh tay với người biểu tình, tung lực lượng bán quân sự và xạ thủ bắn tỉa vào cuộc. Và khi các thủ lĩnh đối lập công khai kêu gọi quân đội lật đổ ông Maduro, ông ta liền lập “Bộ chỉ huy chống đảo chính” dưới quyền Phó tổng thống Tareck El Aissami.

Năm 2002, một nhóm sĩ quan bảo thủ từng lật đổ chính quyền, bắt giam Tổng thống Chavez vài ngày cho đến khi chỉ huy một sư đoàn xe tăng ra tay cứu chính quyền.

Ông Maduro (thay ông Chavez qua đời năm 2013) nhớ rõ sự kiện trên, nên ông nỗ lực tìm sự trung thành ở các sĩ quan cấp cao, bằng cách làm ngơ cho họ tham nhũng tràn lan, theo cáo buộc của phe đối lập.

Ví dụ tướng Nestor Reverol từng chỉ huy chống ma túy, đã được Tổng thống Maduro phong làm Bộ trưởng Nội vụ, sau khi chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 cáo buộc ông Reverol “bao che” bọn buôn lậu ma túy.

Ông Maduro cũng trao quyền cho các tướng lĩnh và đô đốc làm lãnh đạo các cơ quan phân phối lương thực, lọc dầu cùng các mảng kinh tế chủ đạo, nhằm có sự trung thành của họ.

Trung tá Jose Colima đang chỉ huy một nhóm sĩ quan Venezuela bất mãn và sống lưu vong ở Miami, nói: “Tất cả những kẻ trung thành với chế độ Maduro đều tham nhũng, khi được kiểm soát các cơ quan an ninh nội chính, các đơn vị quân tiền tuyến, các căn cứ chiến lược”.

Sĩ quan trẻ bất mãn liên tục bị bắt vì “âm mưu phản loạn”

Từ đó, một số sĩ quan và binh lính nghèo phải kiếm thêm việc làm để nuôi gia đình bất mãn. Sự bất mãn nơi các sĩ quan trẻ đã khiến 200 sĩ quan bị Cục Tình báo quân đội Venezuela (DGCIM) bắt giữ, buộc tội “phản loạn” và “âm mưu phản loạn” trong vài tháng qua.

Luật sư Alonso Medina Roa nói đã có 154 sĩ quan bất mãn, gồm 2 tướng bộ binh, một số sĩ quan không quân, hải quân đã bị buộc tội, bị nhốt trong các nhà ngục dưới hầm trụ sở DGCIM và SEBIN.

Các luật sư còn cho biết 26 sĩ quan (đa số là trung úy) thuộc các đơn vị an ninh đã bị bắt hồi tháng 1 và tháng 2, vì liên quan tới viên sĩ quan cảnh sát nổi loạn Perez.

Qua tháng 3 và tháng 5, số sĩ quan bị bắt tăng lên, tiếp sau các cuộc bầu cử giúp ông Maduro củng cố quyền lực, nhưng bị phe đối lập và phương Tây cáo buộc là những cuộc bầu cử gian lận, dàn xếp lá phiếu.

Những người bị nhốt ở trụ sở DGCIM có vài vị tướng, một số sĩ quan trung cấp ở các đơn vị xe bọc thép, bộ binh cơ động và các đơn vị đặc nhiệm. Một đại úy hải quân thuộc một đơn vị tương đương biệt kích SEAL (của hải quân Mỹ) cũng bị buộc tội âm mưu ám sát Tổng thống Maduro.

Các luật sư còn nói điều tra viên của nhà nước có thể đã tra tấn các sĩ quan để buộc họ nhận tội và khai báo. Một luật sư nói “Tất cả chỉ dựa trên sự nghi ngờ, không có chứng cứ cụ thể bất kỳ sĩ quan nào đang toan tính nổi loạn”.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times, AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Maduro vất vả dẹp phản loạn trong quân đội Venezuela