Theo Newsweek, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mở “mặt trận tranh giành châu Phi” với phương Tây, lập quan hệ đối tác mới và nối lại các liên minh thời Chiến tranh Lạnh.

Kỳ 1: Nga cạnh tranh với phương Tây

10/08/2018, 20:40

Theo Newsweek, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mở “mặt trận tranh giành châu Phi” với phương Tây, lập quan hệ đối tác mới và nối lại các liên minh thời Chiến tranh Lạnh.

Minh họa mục tiêu giành lấy châu Phi của ông Putin - Ảnh: Newsweek

Evgeny Korendyasov, chủ nhiệm mảng nghiên cứu quan hệ Nga - châu Phi thuộc Hàn lâm viện khoa học Nga - nói: ”Sẽ có một cuộc tranh giành châu Phi và cuộc tranh giành này sẽ nở to”.

Nga noi gương Trung Quốc “tha hồ lấy vùng đất tự do”

Trong khi đó, một quan chức an ninh thuộc LHQ ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi (CAR) đề nghị giấu tên vì không được phép tiếp xúc với báo chí, nói với Newsweek: “Người Nga muốn cắm chân ở CAR để họ có một trục ảnh hưởng xuyên từ Sudan ở phía bắc xuống đến Angola ở miền nam. Pháp đang bị ghét vì từng đô hộ châu Phi, còn lính Mỹ đã rút. Đó là vùng đất tự do tha hồ mà lấy”.

Newsweek ngày 9.8 nêu kinh tế Nga đang suy yếu mạnh, tầm ảnh huởng suy yếu từ sau khi Liên Xô sụp đổ, nên Nga noi gương “bạn vàng” Trung Quốc đang có dự án trọng điểm Một vành đai một con đường (BRI) vốn xây dựng các tuyến đường thương mại kết nối 3 châu Á - Âu - Phi để mở rộng tầm ảnh huởng, thâu tóm tài nguyên và đất đai của các nước sập bẫy vay tiền Trung Quốc.

Nga cũng dùng các công cụ ngoại giao - kinh tế - quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng và thị trường mới ở châu Phi, ký nhiều hợp đồng bán vũ khí Nga trị giá hàng tỉ USD, tranh thầu những dự án xây dựng lớn, mở rộng không gian giao lưu, khai thác nguồn dầu thô và mở nhiều cuộc can thiệp quân sự công khai bên cạnh những chiến dịch ngầm.

Cố vấn an ninh Nga trong Cung điện Berengo của Bokassa

Mối quan hệ giữa Nga với Syria và Cộng hòa Trung Phi (CAR) cũng có thể rất sâu. Một căn cứ không quân mà Tổng thống Syria cho Nga thuê, xem ra đã cho phép vận tải cơ chở hàng hóa và quân đánh thuê từ Syria qua Sudan rồi bay tới CAR.

CAR từng có Vua “bù nhìn” do Pháp dựng lên hồi năm 1966, là cựu quân nhân Jean Bokassa từng đi lính Pháp ở Việt Nam. Ông từng chi hẳn số tiền viện trợ phát triển để làm lễ đăng quang hoành tráng, và Bokassa đích thân ra lệnh tra tấn tù nhân, dùng thịt người chết để nuôi bầy cá sấu và sư tử của ông.

Chính phủ Pháp lật đổ Bokassa năm 1979, triển khai lính dù đến CAR để đề phòng bất kỳ cuộc đảo chính nào.

Trong hàng chục năm sau đó, CAR diễn ra nhiều vụ đảo chính hụt, quân gìn giữ hòa bình không thể bảo đảm hòa bình bền vững, LHQ xếp CAR là quốc gia chậm phát triển nhất thế giới, dù có nhiều mỏ nhưng quá yếu kém trong quản lý.

Nội chiến bùng phát ở CAR năm 2013, khi liên quân nổi dậy Seleka theo đạo Hồi lật đổ chính phủ. Những vụ bạo lực lan tràn đã khiến cộng đồng theo đạo Chúa phải lập nhóm bán quân sự Balaka để đối phó.

Nội chiến CAR đã khiến hàng ngàn người chết chỉ dịu đi sau khi ông Faustin-Archange Touadra trúng cử tổng thống năm 2016, nhưng đến cuối năm đó lại xảy ra chiến tranh gia tăng giữa các bè phái Seleka.

Đó là lúc Điện Kremlin nhìn thấy cơ hội nhảy vào giành quyền lợi với phương Tây và phô triển tầm ảnh hưởng ở Nga, theo nhà nghiên cứu cao cấp Mark Galeotti ở Viện quan hệ quốc tế ở Prague (Cộng hòa Czech).

Hồi tháng 10.2017, Tổng thống CAR Touadra gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở thành phố Sochi (Nga).

Tổng thống CAR Touadra - Ảnh: Getty Images

Khi ấy, bất kể LHQ đang cấm vận vũ khí đối với CAR, Nga vận động được sự cho phép tặng hàng ngàn súng ngắn, súng trường, súng phóng lựu, súng máy, pháo phòng không và đạn dược cho quân đội CAR quá yếu.

Dù có phương Tây giúp tiền và có quân gìn giữ hòa bình, chính phủ CAR chỉ phô trương chút quyền lực không quá xa thủ đô, dù muốn tái chiếm 2/3 lãnh thổ đang trong tầm kiểm soát của quân nổi dậy Seleka. Vì thế, CAR rất hoan nghênh sự giúp đỡ của Moscow.

Bộ Ngoại giao Nga nói sự giúp đỡ này “phù hợp với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”.

Vùng chiến sự trở thành “cửa hàng trưng bày” vũ khí Nga

Nga hiện là nước xuất khẩu vũ khí hàng thứ hai thế giới (sau Mỹ) và chiến lược của Điện Kremlin đối với CAR tương thích với mục tiêu lớn hơn: dùng vũ khí để tái lập vị thế “ông lớn” của Nga, nhất là ở những nơi mà phương Tây bị mất thế lực.

Những vùng chiến tranh sử dụng súng Nga chính là “cửa hàng trưng bày” nhằm thu hút khách hàng tiềm năng. Nội chiến Syria đã giúp ngành xuất khẩu vũ khí Nga hồi sinh, vì các loại vũ khí này chứng minh được độ tin cậy ở chiến trường, theo Nikolay Kozhanov, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nga.

Việc lôi kéo được các nghị sĩ CAR cũng giúp Nga lập quan hệ với các láng giềng của CAR là Chad, với DRC, Cameroon, Sudan, Nam Sudan, vốn đều đang có nội chiến và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, khiến chính quyền các nước này đều “đói” khí tài quân sự.

Đối với ông Putin, việc bán được nhiều vũ khí càng củng cố quyền lực của ông ở Nga, tái củng cố ngành quốc phòng vốn là hậu thuẫn mạnh cho chế độ của ông.

Tuy nhiên, việc bán vũ khí cho các nước này cũng có thể có hậu quả thảm họa. Báo cáo năm 2017 của tổ chức Oxfam từng cảnh báo ở châu Phi có khoảng 100 triệu vũ khí nằm ngoài tầm kiểm soát, chủ yếu là vũ khí của Nga và Trung Quốc. Chúng khiến chiến tranh kéo dài, làm tăng nghèo khó và khiến người dân phải “chạy giặc” ồ ạt.

Tác giả báo cáo, ông Adesoji Adeniyi viết: “Số vũ khí đó tàn phá vô số gia đình và cộng đồng”, và CAR không ngoại lệ. Hồi tháng 7, một ủy ban chuyên gia của LHQ cảnh báo: vũ khí Nga giao cho lực lượng an ninh nước này đã kích động bọn nổi dậy lo trữ kho súng đạn nhằm có thể đối phó nếu như chính phủ CAR quyết đánh chứ không tìm một giải pháp chính trị.

Cựu binh nổi dậy cầm súng gỗ cạnh tượng Bokassa trong Cung điện Berengo - Ảnh: Getty Images

“Giảng viên dân sự” Nga đi đào vàng ở Trung Phi?

Mỹ hiện huấn luyện sĩ quan cảnh sát CAR, tặng xe quân sự cho quân đội nước này, nhưng Kenneth Gluck, chỉ huy phó quân gìn giữ hòa bình LHQ ở CAR còn nói có 10 cố vấn quân sự Nga ở Bangassou, một khu vực vô chính phủ giáp biên giới Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), để giúp quân đội lập căn cứ CAR và tăng tự tin trước khi đánh quân nổi dậy Seleka.

Nga cũng triển khai một nhóm cố vấn quân sự Nga ở Sibut, một thành phố lớn gần khu vực do quân nổi dậy Seleka kiểm soát. Chúng đã giết 3 nhà báo Nga hồi cuối tháng 7 qua, khi họ điều tra khả năng có sự hiện diện của lính đánh thuê Nga.

Còn có thông tin trong nhóm vệ sĩ của Tổng thống Touadra có người Nga, và một cố vấn an ninh Nga có quyền tiếp cận các quan chức chính phủ CAR.

Theo Newsweek, hồi đầu tháng 7, Tổng thống CAR Touadra bác đề xuất Nga làm trung gian đàm phán với quân nổi dậy ở Sudan láng giềng. Nhưng vẫn có tin các sứ giả quân sự bay đến một vùng hẻo lánh phía bắc CAR để nói chuyện với các thủ lĩnh quân nổi dậy, gồm một cuộc gặp cựu thủ lĩnh nổi dậy Michael Djotodia, người từng du học ở Liên Xô và năm 2013 cướp chính quyền để trở thành nguyên thủ theo đạo Hồi đầu tiên của CAR.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết có 170 “giảng viên dân sự” và chỉ 5 quân nhân Nga cùng huấn luyện quân binh CAR tại một quân trường dã chiến ngay trong Cung điện Berengo của Bokassa ở ngoại ô Bangui.

Nhưng Newsweek cho biết, nhóm lính Nga này tìm gặp các thủ lĩnh nổi dậy ở miền đông bắc CAR có nhiều vàng và kim cương. Quân nổi dậy kiểm soát vùng này là Mặt trận Nhân dân vì sự phục hồi Cộng hòa Trung Phi (FPRC) vốn bị các tổ chức nhân quyền cáo buộc là phạm tội ác chiến tranh.

Hồi tháng 5, kênh thời sự France 24 (Pháp) đưa tin thủ lĩnh FPRC Abdoulaye Hissne đã chặn - xét một đoàn 18 xe tải Nga chở “55 tay súng có liên quan với Nga và dụng cụ y tế”.

Hissne cũng phát hiện quân phục liền tịch thu rồi cho đoàn xe tiếp tục hành trình đến vùng Bria do quân nổi dậy kiểm soát ở miền đông. Ở đó, một quan chức cấp cao FPRC là Ibrahim Alawad đã đón đoàn xe. Ông nói với Newsweek: “Tôi đã gặp một số người Nga, họ giải thích là đến giúp người dân và muốn xây một bệnh viện”.

Thợ đào vàng ở một vùng do quân nổi dậy kiểm soát - Ảnh: Getty Images

Tạp chí Mỹ cho rằng số người Nga muốn nhảy vào một cuộc đào vàng. Hồi tháng 12.2017, một cuộc điều tra của Pháp về một công ty an ninh ở Bangui có quan hệ với giám đốc người Nga của một công ty “chuyên khai thác đá quý”.

Alawad nói: “Dù bị cấm xuất khẩu, quân nổi dậy cũng muốn kinh doanh. Nếu ai đó muốn làm ăn và nếu họ có thể giúp tôi, thì sao tôi có thể từ chối được?”

Alawad cũng nói: “Putin muốn đặt chân đến bất kỳ đâu ở châu Phi. Ở đây có rất nhiều nguồn tài nguyên. Chớ nên tin ông ấy. Chúng tôi không muốn là một Syria khác”.

Ý ông nói các công ty tư nhân Nga tổ chức lính đánh thuê - như Đạo quân Wagner - cũng kiếm lợi từ việc Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Syria.

Công ty Evro Polis ở Moscow bị nghi là “vỏ bọc” của Đạo quân Wagner ở Syria, hưởng lợi từ việc bán lại các mỏ dầu - khí mà họ chiếm lại từ tay của bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo Newsweek, nhà thầu Yevgeny Prigozhin ở St Petersburg và là người thân cận của ông Putin, có cổ phần trong Đạo quân Wagner. Ông đã bị Mỹ cấm xuất cảnh và cấm tiếp cận ngân hàng Mỹ.

Một cựu binh Nga gần đây cũng nói Moscow đã cử một số lính đánh thuê thuộc Đạo quân Wagner đến các vùng chiến sự nước ngoài, gồm CAR, Libya, Sudan, trong khi một lính đánh thuê mô tả các đồng đội phải từ Sudan về Nga vì bị sốt rét nghiêm trọng.

còn tiếp....

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Nga cạnh tranh với phương Tây