Mới đây, Chính phủ quyết định cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM). Động thái này đã gây nên sự bất ngờ lớn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhưng theo ông Ngô Trí Long thì đây là tín hiệu đáng mừng.
Hiện nay, Tổng công ty đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 45,1% vốn tại Vinamilk, với giá trị lên tới gần 2,5 tỷ USD. Vinamilk hiện có hơn 1,2 tỷ cổ phần. Với giá mỗi cổ phiếu hiện ở mức105.000 đồng, tổng giá trị vốn hóa của Vinamilk lên tới trên 126.000 tỷ đồng, tương đương 5,6 tỷ USD.
Mỗi năm, Vinamilk đem về nguồn lợi nhuận rất lớn cho các cổ đông, trong đó có SCIC với tỷ lệ nắm giữ rất lớn. Năm 2015, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2014.
Trước đó, vào năm 2011, doanh thu của công ty đã đạt trên 1 tỉ USD và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2015. Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.
Việc Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp lớn mạnh này cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận bỏ đi khoản lợi tức khổng lồ mỗi năm từ Vinamilk.
Trước đó, theo Đề án tái cơ cấu SCIC phê duyệt năm 2013, SCIC vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn lâu dài tại Vinamik. Điều này từng khiến nhiều nhà đầu tư hụt hẫng, nhất là nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên vừa qua, Chính phủ đã có quyết định chính thức việc thoái vốn tại Vinamilk, khiến cho nhiều công ty ngoại sẵn sàng bỏ tiền vào “Con bò sữa tỷ đô”. Cũng từ động thái thoái vốn này mà giá trị các mã sản phẩm của 10 công ty trong đợt thoái vốn lần này tăng lên chóng mặt.
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới về động thái thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước lần này, đặc biệt là việc thoái vốn tại Vinamilk, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Nhà nước thoái vốn là tín hiệu đáng mừng.
Theo đó, Nhà nước nên rút vốn khỏi các lĩnh vực không cần tham gia, để vốn đó phục vụ cho những việc khác cần thiết hơn, đúng chức năng của Nhà nước hơn.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước rút khỏi các công ty lớn sẽ được thay thế bằng nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác đổ vào. Hướng phát triển đa thành phần kinh tế là đúng đắn.
Theo ông Long, Nhà nước chấp nhận thoái vốn ở những lĩnh vực có lợi nhuận cao, ví dụ như tại Vinamilk là vì chỉ có những lĩnh vực lợi nhuận cao mới có người nhảy vào đầu tư, chứ lợi nhuận thấp thì không ai dại gì.
Việc thoái vốn hiện nay cũng không quá khó khăn bởi lợi tức từ các doanh nghiệp này rất lớn.
"Việc thoái vốn cũng cần phải có khoảng thời gian cần thiết để doanh nghiệp có thể chủ động cân đối, không ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động trong việc lựa chọn đối tác đầu tư có đủ tiềm lực tài chính, quản trị và uy tín", ông Long nói.
Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, các doanh nghiệp nằm trong đợt thoái vốn phải làm sao để giữ được uy tín và hướng phát triển như đang có thì mới có thể thu hút được các doanh nghiệp bỏ vốn vào. Ngoài ra, ngân sách đang thâm hụt, nguồn vốn này có thể dùng để bổ sung.
“Tuy nhiên, lời nói phải đi đôi với hành động chứ không thể chỉ nói suông rồi vấn đề mãi không thể giải quyết. Quá trình thoái vốn còn vướng nhiều rào cản về pháp lý, thủ tục, cần phải được giải quyết nhanh chóng. Thực hiện cần phải có cơ chế giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng”, ông Long cho nhận định.
Hoàng Long