Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết sắp tới sẽ lấy mẫu cá biển và nuôi lồng ở các tỉnh miền Trung để phân tích kiểm tra độc tố, sau đó sẽ có công bố cá ở vùng này có an toàn hay không nhằm tránh tình trạng hoang mang như hiện nay.
Kết luận trong buổi họp chiều 23.4 giữa Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế về hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: “Cá chết nhanh chủ yếu là cá ở tầng đáy trên biển và cá nuôi lồng. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trên diện rộng, có ảnh hưởng đến sản xuất của người dân 4 tỉnh và sự quan tâm của dư luận. Có thể nói đây là vấn đề rất nóng, nhạy cảm liên quan đếndân sinh”.
Ông Tám đánh giá: “Đây là việc mới và khó. Ban đầu có sự lúng túng nhưng sau đó các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc kịp thời”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ NN-PTNT có vào cuộc chậm không, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói: Tôi nghĩ là không chậm, đối với Bộ NN-PTNT là không chậm vì đến hôm nay đã kết luận được rồi”.
Trong chiều hôm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã khẳng định: “Bộ và các cơ quan chuyên môn đã làm việc hết trách nhiệm và có kết luận bước đầu. Loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh, tôi đảm bảo với tư cách là lãnh đạo bộ. Về nguyên nhân do môi trường nước nuôi (các chỉ số đảm bảo theo quy chuẩn đối với nước trong môi trường thủy sản) không có gì bất thường trừ một số vùng nuôi cục bộ ở Thừa Thiên-Huế; nhóm nguyên nhân này cũng xác định loại bỏ. Chỉ còn nguyên nhân độc tố (sinh học, hóa học và các yếu tố khác), nên cần phải có thời gian nghiên cứu trong phòng thí nghiệm”.
Theo đó, việc kiểm tra tảo độc và các yếu tố sinh học khác liên quan sẽ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT. Còn các yếu tố khác đã lấy mẫu sẽ tiếp tục kiểm nghiệm và cung cấp cho Bộ TN-MT, sau đó bộ này sẽ là đầu mối cung cấp các độc tố, nguyên nhân cá chết là gì. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị Bộ TN-MT cung cấp kết quả quan trắc các vùng biển để chỉ đạo các tỉnh hướng dẫn sản xuất.
Về tiêu thụ sản phẩm cá, ông Tám đề nghị các địa phương hướng dẫn cho người dân phân biệt giữa cá chết trong đợt vừa rồi với cá khai thác bình thường tự nhiên, cá nuôi. Khẩn trương thu gom cá chết để tiêu hủy và cấm tiêu thụ, làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn để hướng dẫn người dân yên tâm tiêu thụ sản phẩm vì cá chết đã thu gom rồi.
Về khai thác và sản xuất thủy hải sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: “Trung ương cần chỉ đạo quan trắc môi trường nước ở các vùng biển trên, địa phương căn cứ vào đó tham mưu cho lãnh đạo quyết định khai thác như thế nào, thời điểm nào, nghề gì để hướng dẫn người dân khai thác, không để gián đoạn.
Hiện tại có những nơi còn cá chết, có nơi không còn. Nên các địa phương và Bộ sẽ lấy mẫu để xem cá có bị chết nữa hay không. Nếu không thì địa phương tham mưu lãnh đạo cho tiếp tục sản xuất.Những nơi có cá chết thì ngư dân có thể ra xa bờ, lên vịnh Bắc Bộ đánh bắt bình thường. Hiện nay cá sống trong lồng bèvẫn sử dụng bình thường được. Chúng tôi chưa lấy mẫu cá sống ở các vùng biển trên để tìm độc tố, sắp tới sẽ lấy để có kết luận cá có bị nhiễm độc hay không, sau đó sẽ thông tin rộng rãi cho người dân”.
“Đề nghị các địa phương chủ động tham mưu để xuất kinh phí thu gom cá chết, nếu vượt ngoài ngân sách thì báo cáo Bộ đề nghị Chính phủ; đồng thời, thống kê thiệt hại và đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ người dân”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận.
Lê Đình Dũng