Việc Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức đã tạo cú sốc trên thế giới. Có khá nhiều phản ứng trái chiều quanh sự việc này.
Liên Hiệp Quốc
Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Bolivia, theo phát ngôn viên của ông.
Phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết, người đứng đầu Liên Hợp Quốc "kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế bạo lực, giảm căng thẳng tối đa".
Mexico
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard mô tả các sự kiện ở Bolivia là "một hoạt động quân sự đang diễn ra".
"Nó tương tự như những sự kiện bi thảm đã siết chặt châu Mỹ Latinh của chúng ta vào thế kỷ trước", Ebrard, người đảm nhận vai trò Ngoại trưởng sau khi đảng cánh tả của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mexico vào tháng 7 năm ngoái.
"Mexico sẽ duy trì quan điểm tôn trọng dân chủ và thể chế".
Ebrard nói thêm rằng Đại sứ quán Mexico đã tiếp nhận 20 thành viên "của cơ quan hành pháp và lập pháp Bolivia tại La Paz", và cho biết nước ông sẵn sàng đón ông Morales tị nạn nếu ông muốn vậy.
Chile
Tại Chile, chính phủ thiên hữu bày tỏ lo ngại về quá trình bầu cử bị gián đoạn tại Bolivia. Santiago cũng kêu gọi một giải pháp hòa bình và dân chủ nhanh chóng trong khuôn khổ Hiến pháp.
Argentina
Bộ Ngoại giao Argentina đã thông qua báo cáo của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), vào Chủ nhật qua với khuyến nghị tổ chức cuộc bầu cử mới. Đồng thời, bày tỏ rằng nếu cuộc bỏ phiếu mới được tổ chức thì nên thực hiện "với tất cả sự đảm bảo tự do và minh bạch".
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử của Argentina, ông Alberto Fernandez, người theo đường lối cánh tảsẽ nhậm chức vào tháng 12, cho biết một "cuộc đảo chính" đã được thực hiện ở Bolivia.
"Đó là một cuộc đảo chính kéo dài chống lại Tổng thống, người đã kêu gọi tiến hànhmột cuộcbầu cử mới".
"Chúng tôi, những người bảo vệ các thể chế dân chủ, phản đối việc đe dọa bạo lực để ngăn Evo Morales kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình và thay đổi tiến trình bầu cử", ông nói thêm.
Venezuela
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng lên án những gì ông mô tả là "cuộc đảo chính" chống lại Morales, đồng thời bổ sung rằng các cuộc mít tinh sẽ được tổ chức để bảo vệ "cuộc sống của người dân bản địa Bolivia, nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc".
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cho biết đang cảm thấy "cơn bão dân chủ ở Mỹ Latinh".
Peru
Ở Peru, chính phủ kêu gọi khôi phục "sự tồn tại hòa bình ở Bolivia". Đồng thời, Lima cũng kêu gọi tiến hành "bầu cử minh bạch" với sự giúp đỡ của OAS.
Cuba
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cáo buộc phe cánh hữu Bolivia đã phát động một "cuộc đảo chính bạo lực và hèn nhát".
Ông Canel cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế vận động để bảo vệ tính mạng và quyền tự do của Morales.
Colombia
Bộ Ngoại giao Colombia đã ra tuyên bố kêu gọi huy động cộng đồng quốc tế vì "một quá trình chuyển đổi hòa bình".
Chính phủ Bogota theo đường lối trung dung cũng yêu cầu Hội đồng thường trực của OAS tiến hànhmột cuộc họp khẩn cấpđể thảo luận về các sự kiện.
Brazil
Tổng thống theo đường lối cực hữu của Brazil Jair Bolsonaro đăng trên Twitter rằng sự từ chức của Morales là đỉnh điểm của "tố cáo" về "cáo buộc gian lận".
"Bài học cho chúng ta là sự cần thiết, nhân danh dân chủ và minh bạch, để việc kiểm phiếu có thể tiến hành minh bạch. Lá phiếu luôn là sự minh bạch ở Brazil!"
Trong khi đó, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã tố cáo một "cuộc đảo chính" và nói rằng ông Morales "bị buộc phải từ chức".
"Thật không may là Mỹ Latinh có một giới thượng lưu không biết cáchsống với dân chủ. Và sự hòa nhập xã hội của những người nghèo nhất", ông Lula nói thêm.
Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, ông Jeremy Corbyn, người đứng đầu đảng Lao động đối lập, cũng gán cho sự từ chức của Morales là "cuộc đảo chính".
Mỹ
Tổng thống Donald Trump chưa có tweet nào về tình hình tại Bolivia nhưng Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm quađã lên tiếng trên twitter tỏ ý ủng hộ giải pháp của OAS trong việc tiến hành cuộc bầu cử mới.
Anh Tú