Nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy có một mặt trăng đang bay xung quanh một hành tinh khí khổng lồ cách chúng ta 4.000 năm ánh sáng ở chòm sao Thiên nga.
Nếu vật thể vừa được Kính viễn vọng Không gian Hubble xác nhận là một mặt trăng, thì đây là mặt trăng đầu tiên được tìm thấy ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.
Từ trước đến nay, điều kỳ lạ khi khám phá không gian xa xôi là ngoài hệ Mặt trời của chúng ta với rất nhiều hành tinh và đa số các hành tinh đều có mặt trăng của riêng mình, thì các nhà thiên văn học lại không thể tìm thấy điều này ở các hệ sao khác.
Thực tế, việc tìm kiếm một vệ tinh tự nhiên của các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời là một nhiệm vụ khó khăn vì nhiều lý do. Đầu tiên là khoảng cách giữa chúng ta với các hành tinh quá xa dẫn đến thiếu thiết bị quan sát tin cậy. Thêm nữa, việc các mặt trăng thường có khối lượng quá bé nên thường sẽ không quan sát được.
Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Columbia ở New York (Mỹ) do ông David Kipping dẫn đầu đã cố gắng quan sát 284 hành tinh có thể có mặt trăng riêng và từ đó tách ra được một ứng viên có nhiều bằng chứng là sẽ có mặt trăng tồn tại là hành tinh Kepler-1625b trong chòm sao Thiên nga.
Mặt trăng khổng lồ
Nếu như mặt trăng của Kepler-1625b tồn tại và được chứng minh về sự tồn tại của nó, nó sẽ là một mặt trăng khác biệt hoàn toàn so với những gì chúng ta biết trong hệ Mặt trời.
Kepler-1625b là một hành tinh khí khổng lồ, thể tích của nó to gấp 10 lần sao Mộc, trong khi mặt trăng của nó nếu tồn tại sẽ có khối lượng tương đương với sao Hải vương. Điều này có nghĩa là mặt trăng nói trên nếu tồn tại sẽ lớn hơn trái đất khoảng 17 lần.
Theo một số cách phân loại, hai vật thể này có thể được phân loại thành một hệ hành tinh kép. Ngoài ra khó có thể biết được mặt trăng với kích thước lớn như vậy lại "ngoan ngoãn" quay xung quanh hành tinh chủ.
Trong trường hợp Kepler-1625b được xác nhận là có một mặt trăng bay xung quanh mình thì kích thước của hai vật thể thiên văn này khó tạo ra một quỹ đạo di chuyển ổn định.
Các nhà khoa học từ lâu đã nhận định rằng các mặt trăng có khối lượng lớn có xu hướng sẽ bay ra khỏi quỹ đạo của hành tinh mẹ. Điều này được xác nhận khi các nhà khoa học đã quan sát tới 284 hành tinh và không hề bắt gặp khả năng có một mặt trăng bay xung quanh chúng.
Việc có hay không có mặt trăng xung quanh các hành tinh mẹ khá là quan trọng, Những năm 1990, nhà thiên văn học Jacques Laskar của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp đã kết luận rằng việc có mặt một mặt trăng lớn là rất quan trọng trong việc ổn định độ nghiêng của Trái đất và từ đó giúp khí hậu trên hành tinh của chúng ta khá ổn định.
Tuy nhiên, trong các mô phỏng chi tiết hơn do Jack Lissauer của Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA thực hiện cho thấy rằng nếu không có mặt trăng thì Trái đất trên thực tế sẽ chỉ bị chao đảo khoảng 10 độ, tức không đủ để tạo ra môi trường quá khắc nghiệt đối với sự sống.
Ngoài ra các nhà thiên văn học cũng phát hiện ra rằng nếu hành tinh tự quay với tốc độ cao (một ngày dưới 10 giờ) thì trục của nó cũng rất ổn định và do đó không cần thiết phải có mặt trăng riêng thì mới có sự sống.
Ái Vi