Theo một nghiên cứu mới, họ hàng của vi rút SARS-CoV-2 được tìm thấy ở loài dơi Nga có thể có khả năng lây nhiễm sang các tế bào người.

Phát hiện vi rút nguy hiểm giống SARS-CoV-2 trong loài dơi ở Nga?

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 23/09/2022, 17:13

Theo một nghiên cứu mới, họ hàng của vi rút SARS-CoV-2 được tìm thấy ở loài dơi Nga có thể có khả năng lây nhiễm sang các tế bào người.

Theo Newsweek, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí y học PLOS Pathogens bởi nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà vi rút học Michael Letko từ Trường Y tế toàn cầu Paul G.Allen thuộc Đại học bang Washington (WSU).

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng vi rút này có khả năng chống lại các kháng thể của những người được tiêm vắc xin chống lại SARS-CoV-2 (nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19) qua các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học cho biết phát hiện của nghiên cứu trên chứng minh rằng vi rút sarbeco liên quan đến hội chứng hô hấp cấp tính nặng được tìm thấy trong động vật hoang dã có thể gây ra "mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu", cũng như đối với chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 đang diễn ra.

Được biết, “vi rút sarbeco” là một nhóm vi rút corona bao gồm SARS-CoV-2, SARS-CoV-1 (nguyên nhân gây ra đại dịch SARS, hoặc hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) và hàng trăm loại vi rút tương tự về mặt di truyền được tìm thấy chủ yếu ở dơi.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra 2 loại vi rút sarbeco - được gọi là Khosta-1 và Khosta-2, được các nhà khoa học Nga phát hiện vào năm 2020 ở vùng tây nam nước này.

"Vi rút sarbeco ban đầu được cho là phát hiện vào đầu những năm 2000 và chỉ được tìm thấy ở một loại dơi miền Nam Trung Quốc, nhưng trong 20 năm qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều loài khác ở các vị trí địa lý khác nhau cũng mang vi rút sarbeco", Michael Letko, tác giả nghiên cứu nói với Newsweek và cho biết thêm rằng gần như chắc chắn rằng giới nghiên cứu sẽ phát hiện ra nhiều loại vi rút kiểu này hơn nữa trong tương lai.

bats_linfawang_wide-f3faab76c8a6aa5224f71b110ae7208a64e5e9c2-s1100-c50.jpg
Cho đến nay, vi rút sarbeco đã được tìm thấy trong động vật hoang dã - chẳng hạn như dơi, tê tê, cầy hương ở Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Nga, Anh, Bulgaria, châu Phi - Ảnh: NPR

Ban đầu, nhóm của tiến sĩ Letko cùng các cộng sự đã tìm hiểu cả về Khosta-1 và Khosta-2 ở các con dơi Nga. Họ xác định Khosta-1 ít gây rủi ro cho con người, song Khosta-2 có thể sử dụng cơ chế xâm nhập tương tự SARS-CoV-2 để lây nhiễm vào các tế bào của con người. Theo đó, Khosta-2 có thể sử dụng protein đột biến của nó để lây nhiễm các tế bào bằng cách gắn vào một protein thụ thể gọi là ACE2 - chính là "lối vào" quen thuộc của SARS-CoV-2, được tìm thấy trong các tế bào người.

Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, do sự lây lan của vi rút sarbeco từ động vật sang người đã dẫn đến đợt bùng phát đại dịch SARS (2002) và được cho là nguyên nhân của đại dịch COVID-19 đang diễn ra, trong khi số ít chuyên gia đã lập luận rằng vi rút có thể bắt nguồn từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

“Vi rút trong dơi ở Nga giống về mặt di truyền với các vi rút sarbeco khác đã được tìm thấy ở châu Phi và các nơi khác ở châu Âu”, tác giả nghiên cứu Michael Letko cho biết.

Bằng cách sử dụng huyết thanh lấy từ quần thể người đã được tiêm chủng COVID-19, các nhà nghiên cứu cũng xác định Khosta-2 không thể bị vô hiệu hóa bởi các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện tại trong điều kiện phòng thí nghiệm.

“Một trong những cách tiêu chuẩn mà các nhà khoa học đo lường hiệu quả của vắc xin là bằng một xét nghiệm trung hòa. Trong thử nghiệm này, chúng tôi kết hợp vi rút với huyết thanh của những người đã nhận vắc xin Moderna hoặc Pfizer và sau đó thêm nó vào các tế bào trong ống nghiệm. Bởi vì cấu trúc Khosta-2 rất khác so với SARS-CoV-2, không quá ngạc nhiên khi vi rút không bị vô hiệu hóa bởi các loại vắc xin COVID-19”, ông Letko nói.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng người nhiễm biến thể Omicron của SARS-CoV-2 có thể không được bảo vệ khỏi Khosta-2. Các nhà khoa học đã thử nghiệm huyết thanh từ những những người từng nhiễm Omicron, nhưng các kháng thể cũng không hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Letko lưu ý rằng chỉ có thí nghiệm trên người thật mới xác định được chính xác các tác động của Khosta-2, vì kết quả nghiên cứu trên chỉ từ các thí nghiệm nuôi cấy tế bào.

“Có thể phản ứng miễn dịch ở người thật sẽ đa dạng và hiệu quả hơn hệ thống thí nghiệm đơn giản mà chúng tôi đã sử dụng”, ông nói và nhấn mạnh rằng “ở giai đoạn này, rất khó để nói liệu Khosta-2 có tiềm năng gây ra dịch bệnh hay thậm chí là đại dịch hay không”.

“Chỉ vì vi rút có thể lây nhiễm sang các tế bào của con người không có nghĩa là chúng sẽ gây ra đại dịch. Vẫn còn nhiều yếu tố quyết định khác. Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa chắc về sự phổ biến thực sự của loại vi rút này trong tự nhiên”, nhà khoa học Letko khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện vi rút nguy hiểm giống SARS-CoV-2 trong loài dơi ở Nga?