Các nhà khoa học Mỹ đã cấy dưới da bò các bộ cảm biến đặc biệt có thể truyền thông tin về mức độ nhai thường xuyên, nhiệt độ của cơ thể bò và các thông số của môi trường ở trang trại… để huấn luyện mạng nơ ron sử dụng trong ngành chăn nuôi.
Theo ấn phẩm MIT Technological Review, một vài con bò thuộc một trang trại ở bang Utah, Mỹ, vừa được các nhà khoa học cấy dưới da các bộ cảm biến đặc biệt để truyền thông tin về mức độ nhai thường xuyên, nhiệt độ của cơ thể bò và các thông số của môi trường ở trang trại.
Được biết, các thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến và các thiết bị vi điện tử khác đã được sử dụng trong chăn nuôi, nhưng thường chỉ để xác định xem con vật thuộc về một trang trại nào. Ngoài ra, còn có những thiết bị đeo trên cố để theo dõi bệnh của vật nuôi.
Nay loại thiết bị mới có tên EmbediVet của công ty khởi nghiệp Livestock Labs được trang bị bộ vi xử lý công suất thấp theo công nghệ ARM, Bluetooth và bộ phát thanh ăng ten, cũng như một bộ cảm biến gồm nhiệt kế, một gia tốc kế, máy đo nhịp tim, máy đo nồng độ ô xy trong máu. EmbediVet chạy bằng pin đủ dùng trong 3 năm. Ba con bò trong một trang trại Mỹ là những con vật đầu tiên được gắn các bộ cảm biến như vậy từ tháng 4 năm nay. Các con bò vẫn sống cuộc sống bình thường nhưng chúng lại giúp thu thập dữ liệu để huấn luyện mạng nơ ron. Trong tương lai, các chủ trang trại sẽ có thể sử dụng mạng nơ ron này thông qua các ứng dụng di động để theo dõi một cách nhanh chóng và dễ dàng tình trạng của đàn gia súc, chất lượng thức ăn chăn nuôi cũng như để chẩn đoán bệnh và theo dõi cả thai kỳ của vật nuôi. Hiện nay, các bác sĩ thu y vẫn thực hiện những công việc này với hiệu quả không cao và gặp khó khăn do đàn gia súc đông hàng trăm và thậm chí hàng ngàn con.
Ban đầu, Tim Cannon, người đứng đầu Livestock Labs là một người đam mê bẻ khóa sinh học (biohacker), muốn cấy ghép một thiết bị như vậy cho người. Tuy nhiên, những nỗ lực đầu tiên của ông vấp phải những quy định cứng nhắc của nhà nước và nhu cầu hạn chế. Việc sử dụng công nghệ trong chăn nuôi đã có nhiều hứa hẹn hơn, nhưng ông vẫn hy vọng có thể cấy ghép những thiết bị tương tự vào cơ thể người.
Vũ Trung Hương