Dù Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 nhưng Quốc hội do phe đối lập kiểm soát vẫn quyết tâm lật ngược tình thế và họ bắt đầu chơi bài tâm lý chiến với quân đội.
Hôm thứ ba, Quốc hội Venezuela thông qua nghị quyết cáo buộc ông Maduro "chiếm đoạt" quyền lực và nói rằng các hành vi của chính quyền ông sẽ không còn hợp pháp. AP đánh giá đây là một bước tiến gần hơn để thực hiện kế hoạch tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời và kêu gọi bầu cử sớm. Một nghị quyết khác tìm cách loại bỏ lòng trung thành của quân đội với Tổng thống Maduro cũng được đưa ra. Đó là việc đảm bảo quyền miễn trừ cho các thành viên quân đội chịu ủng hộ bất kỳ chính phủ chuyển tiếp nào. "Đây là một thỏa thuận lịch sử", Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, người được coi là thủ lĩnh phe đối lập khẳng định.
Trước giờ, mặc dù nền kinh tế của Venezuela rơi vào khủng hoảng nhưng ông Maduro vẫn giữ được sự ủng hộ của các tướng lĩnh và tòa án. Lợi thế phía Tổng thống Maduro là có sự ủng hộ từ cơ quan hành pháp và tư pháp nên dù phe đối lập nắm cơ quan lập pháp nhưng không thể thay đổi trật tự chính trị tại Venezuela. Do vậy nhiều nỗ lực của phe đối lập đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nhưng lần này, phe đối lập đã thay đổi chiến thuật khi chuyển sang chơi tâm lý chiến với giới quân đội.
Bên cạnh đó, phe đối lập đang tìm kiếm tích cực sự ủng hộ từ bên ngoài lãnh thổ Venezuela. Nó cũng cách để tạo lợi thế trong cuộc tâm lý chiến với người trong nước, đặc biệt là giới quân đội. Juan Guaido có vẻ thành công trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ Canada, nước đã công khai thừa nhận Chủ tịch quốc hội Venezula như nhà lãnh đạo thật sự. Bộ ngoại giao Canada tuyên bố: "Cùng với các quốc gia có cùng chí hướng khác trong Khối Lima, Canada bác bỏ tính hợp pháp với nhiệm kỳ tổng thống mới của Nicolás Maduro. Chúng tôi kêu gọi ông ta ngay lập tức nhượng quyền cho Quốc hội được bầu cử dân chủ cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức, trong đó phải bao gồm sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị và theo dõi việc thả tất cả các tù nhân chính trị ở Venezuela".
Tại Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence đã gọi điện cho Guaido và nêu quan điểm Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc quốc hội Venezuela "tuyên bố bỏ trống chức danh tổng thống". Từ Washington, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, còn khẳng định đã đến lúc chính quyền Donald Trump công nhận Guaido là tổng thống lâm thời - chức danh mà Guaido chưa vội tuyên bố cho đến nay. Hôm thứ 6 tuần trước, Guaido phát biểu tại một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Venezuela rằng ông sẵn sàng đảm nhận chức tổng thống nhưng lại thòng một câu là khi nhận được sự ủng hộ từ giới quân đội.
Nếu Chủ tịch quốc hội dám tuyên bố làm Tổng thống thì đó là một nước đi có tính đột phá, có thể tạo bước ngoặt trong chính trường Venezuela nhưng rất mạo hiểm và dễ bị truy tội. Có lẽ Guaido đã nghĩ đến chuyện như vậy nhưng ông phải dò xét và tạo vây cánh thật tốt trước khi dám "chiếu tướng". Nếu Guaido mạo hiểm thì ông có thể sẽ bị kết án tội đảo chính và việc ông bị đặc vụ tóm trên xe rồi thả hôm Chủ nhật giống như một lời cảnh báo.
Thậm chí, Venezuela có hẳn Bộ trưởng phụ trách nhà tù (Minister of Popular Power for the Prison Service) là bà Iris Varela - người cho biết đã lên kế hoạch sẵn sàng tống giam Guaido. "Tôi đã chuẩn bị phòng và đồng phục cho ông, tôi hy vọng ông sớm nêu tên nội các của mình để tôi biết ai sẽ xuống ở với ông" bà Varela viết trên Twitter vào thứ sáu tuần trước. Điều đó có thể thấy là phe hành pháp Venezuela đã đe dọa nếu người đứng đầu cơ quan lập pháp mà đứng ra tự lập chính phủ thì sẽ bị "hốt" ngay.
Guaido sẽ không ngây thơ chỉ tin sự ủng hộ từ Bắc Mỹ đến mức tự lập chính quyền trong lúc tay không tấc sắt. Guaido thừa nhận: "Sẽ không đơn giản sau 20 năm quân đội quen phục tùng chính phủ". Để có được quyền lực trong lúc căng thẳng thì cần phải có sự ủng hộ từ quân đội. Do vậy, giờ là lúc phải dùng chiến thuật binh vận, tâm lý chiến và chờ thời cơ.
Diego Moya-Ocampos, một nhà phân tích tình hình Venezuela tại London, cho biết quân đội sẽ là nhân tố chủ chốt trong hậu trường để thúc đẩy bất kỳ thay đổi chế độ nào. Phe đối lập đang tìm cách lôi kéo người phía quân đội ngừng việc ủng hộ Maduro. Moya Ocampos nói: "Họ đang thiết lập cơ sở thể chế cho cả quân đội và cảnh sát. Nó có tác dụng dọn đường để giới vũ trang rời bỏ khỏi hàng ngũ hợp tác với chế độ Maduro".
Theo AP, ông Maduro cũng đã tính đến chuyện này khi xây dựng thành lũy trong giới quân đội từ sớm bằng cách bổ nhiệm các tướng lĩnh vào các vị trí trong chính phủ, gắn chặt họ với chính phủ, tạo ra những thách thức lớn cho thế lực chống Maduro. Vì thế cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy giới quân đội dao động tâm lý.
Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez cho biết hôm qua rằng ông "lo lắng" về những nỗ lực lật đổ hiến pháp nhưng không phải bởi Maduro mà là từ phe đối lập. "Chúng tôi phải nói với người dân Venezuela mỗi ngày rằng Lực lượng Vũ trang Bolivia vô cùng yêu thích tư tưởng của chỉ huy Hugo Chavez", ông nói khi đứng bên cạnh Maduro.
Còn Tổng thống Maduro cũng cảnh báo: "Bất cứ ai muốn coi thường hiến pháp và chơi trò chính trị thì cũng tốt thôi, anh ta sẽ phải đối mặt với hiến pháp, luật pháp và tòa án," Maduro nói mà không đề cập đến Guaido. "Tòa án sẽ luôn đặt mọi thứ vào trật tự".
Anh Tú