Tỷ lệ người Mỹ gốc Việt ly hôn được xem là thấp nhất trong các cộng đồng cư dân tại Mỹ, nhưng không phải là do những gia đình trong cộng đồng này sống hạnh phúc hơn.

Phía sau câu chuyện phụ nữ gốc Việt tại Mỹ có tỷ lệ ly hôn thấp nhất

21/10/2017, 05:29

Tỷ lệ người Mỹ gốc Việt ly hôn được xem là thấp nhất trong các cộng đồng cư dân tại Mỹ, nhưng không phải là do những gia đình trong cộng đồng này sống hạnh phúc hơn.

Giana Nguyen, một ca nhạc sĩ gốc Việt đã ly hôn sau một cuộc hôn nhân không hạnh phúc kéo dài tới 9 năm

Người Việt ít ly hôn có thể xem là một "điểm sáng" nếu so sánh với Mỹ - nước có tỷ lệ ly hôn cao hàng đầu thế giới. Thế nhưng, tỷ lệ ly hôn thấp không đến từ việc những gia đình Việt sống hạnh phúc, nó đến từ chuyện phụ nữ trong cộng đồng này phải cam chịu, chịu đựng sự bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần khi cuộc sống gia đình bế tắc.

Chuyện của Mimi Ho

Câu chuyện của Mimi Ho là một ví dụ sinh động nhất về sự cam chịu của người phụ nữ gốc Việt trong một gia đình không hạnh phúc. Trong nhiều năm, Mimi Ho-một phụ nữ 48 tuổi ở San Jose phải chịu sự bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần đến từ chồng cô và những người trong dòng họ.

Mimi Ho cảm thấy cuộc sống hôn nhân của mình là bi kịch, cô không hề hạnh phúc và cô sống như một "osin" trong chính ngôi nhà của mình.

"Làm việc này, làm việc khác, nấu ăn, lau chùi nhà và ngồi may quần áo", Mimi Ho - người hiện đang bán quần áo để kiếm sống kể lại chuỗi ngày dài bi kịch của mình.

Thế nhưng, khi cô muốn "giải thoát" cho mình bằng cách ly hôn thì ngay lập tức sẽ có những cuộc gọi điện từ Việt Nam sang và mẹ cô sẽ lại khuyên cô không ly hôn.

Không chỉ mẹ ruột, lâu lâu những cú điện thoại khác của những người bà con trong gia đình lại gọi cho cô, mục đích duy nhất là khuyên cô đừng ly hôn.

Cuối cùng, Mimi Ho chỉ có đủ can đảm để kết thúc cuộc hôn nhân bi kịch kéo dài 16 năm của mình khi em gái cô là Susie - người em duy nhất của cô sinh và lớn lên trên đất Mỹ - khuyên cô ly hôn.

"Chị không có lòng tự trọng, đây là nước Mỹ mà. Chị nên tự giải thoát cho mình", Susie khuyên cô kết thúc cuộc hôn nhân bi kịch của mình, bỏ ngoài tai những lời khuyên của gia đình.

Vì sao người Việt tại Mỹ ít ly hôn?

Trong những gia đình người Việt tại Mỹ, đặc biệt là những gia đình di cư từ năm 1975, cha mẹ của họ luôn khuyên con cái của mình giữ vững gia đình và không nên ly hôn, dù cuộc sống hôn nhân có như thế nào đi chăng nữa.

Một nguyên nhân khác khiến người Mỹ gốc Việt ít ly hôn là cộng đồng này có một số lượng lớn người Công giáo, vốn không cổ xúy chuyện ly hôn.

Nhiều người Việt nhất là phụ nữ không thể hòa hợp với cuộc sống tại Mỹ, không biết ngôn ngữ, không có năng lực tài chính, không nghề nghiệp... Kết quả là nếu phải chọn con đường chia tay, cuộc sống của họ tại Mỹ sẽ gần như là một con số 0. Vì vậy, họ chịu đựng, cam chịu, chấp nhận một cuộc hôn nhân bi kịch.

Mọi chuyện đang dần thay đổi

Los Angeles Times cho hay việc cộng đồng người Việt tại Mỹ đã hình thành hơn 40 năm khiến cho văn hóa, cách sống của những gia đình trong cộng đồng này dần thay đổi. Ngày nay, tỉ lệ ly hôn trong cộng đồng người Việt tại Mỹ đang tăng lên, dù vẫn còn khá thấp so với mức trung bình tại quốc gia này.

Theo một cuộc điều tra dân số tại Mỹ do các nhà xã hội học tại Đại học Maryland tiến hành thì hiện cộng đồng người Việt có tỉ lệ ly hôn ở mức 16 vụ trên 1.000 hộ gia đình. Trong khi đó, tỉ lệ trung bình của nước Mỹ là 19 vụ trên 1.000 gia đình.

"Trước đây, mọi người thấy phải có nghĩa vụ duy trì cuộc hôn nhân của mình vì nghĩa vụ tài chính do họ được đưa tới nước này bằng tiền của chồng hoặc vì họ muốn xây dựng một gia đình truyền thống. Họ không thể tìm kiếm sự giúp đỡ vì xấu hổ. Nhưng một khi họ nhìn thấy nhiều người trong cộng đồng làm như thế, họ thấy mọi chuyện trở nên bình thường hơn và họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ tư vấn", Linda Vo, Giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á châu tại UC Irvine nói.

Tại những khu phố lân cận ở Little Saigon của Quận Cam, dấu hiệu của một phong trào ly hôn được thấy ở mọi nơi. Hàng tá quảng cáo về những dịch vụ khác nhau để giúp các gia đình gốc Việt "không đau đầu" khi thực hiện quyết định ly hôn.

Tina Phạm Bạch Tuyết một luật sư tại Westminster chuyên về luật gia đình nói rằng 70% lượng khách của cô hiện nay là để làm thủ tục ly hôn. Phạm Tina thường xuyên thực hiện các bản tin trên một đài phát thanh địa phương để làm rõ các câu hỏi về thủ tục ly hôn, quyền lợi, tiền cấp dưỡng, tiền hỗ trợ cho con...

Phạm Tina cho hay cô làm như vậy là để cung cấp thông tin về quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn, đôi khi cô bị những người đàn ông trong cộng đồng "trách cứ" vì để cho vợ của họ biết được sẽ có nhiều quyền lợi khi ly hôn.

"Trước đây, nhiều cặp vợ chồng quyết định sống ly thân và tránh làm đổ vỡ gia đình vì nghĩ rằng cha mẹ hoặc ông bà của họ cũng đã làm như vậy. Bây giờ con cái của họ lại đang thúc giục cha mẹ mình ly hôn. Bọn trẻ sinh ra ở đây và chúng học được lối sống phương Tây. Chúng hỏi: "Nếu cha mẹ đau khổ khi sống chung, sao lại vẫn cứ sống như vậy?"", Phạm Tina cho biết.

Không chỉ chịu ly hôn, một số gia đình gốc Việt tại Mỹ gần đây còn quyết định "đưa nhau ra tòa" để giải quyết cuộc hôn nhân của mình một cách sòng phẳng hơn.

Ly hôn gần đây cũng nhiều hơn vì nhiều người đàn ông trong cộng đồng cảm thấy sự "bình đẳng giới của phụ nữ Nam California" là không công bằng. Đặc biệt nhiều người đàn ông thành đạt như Richard Dao, 60 tuổi nói rằng ông mệt mỏi với bổn phận của mình với vợ và không muốn ở cạnh một người quá "già nua". Kết quả là trong một lần về Việt Nam, doanh nhân này đã phải lòng một cô gái trẻ sau này là vợ 2 của ông tại Đà Nẵng.

"Cô ấy ngọt ngào và dịu dàng, thật khó mà bỏ qua", ông Dao kể lại giây phút gặp người vợ thứ hai của mình, hai người kết hôn vào năm 2013, khi đó cô này chỉ mới 20 tuổi.

Ông Dao và cô vợ trẻ hiện đang sống hạnh phúc trong một ngôi nhà tại Garden Grove, dù cuộc ly hôn cay đắng của ông khiến ông mất quyền nuôi con. "Tôi không hề hối hận", Ông Dao cho hay.

Thiên Hà (theo Los Angeles Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau câu chuyện phụ nữ gốc Việt tại Mỹ có tỷ lệ ly hôn thấp nhất