Danh sách đen về thương mại của Chính phủ Mỹ với quân bài “thao túng tiền tệ” sẽ được Nhà Trắng sử dụng như một biện pháp đàm phán với các đối tác thương mại chủ chốt trên thế giới của mình hơn là một biện pháp mang tính răn đe và trừng phạt.

Phía sau việc Mỹ sử dụng quân bài 'thao túng tiền tệ' với Trung Quốc

18/04/2017, 05:18

Danh sách đen về thương mại của Chính phủ Mỹ với quân bài “thao túng tiền tệ” sẽ được Nhà Trắng sử dụng như một biện pháp đàm phán với các đối tác thương mại chủ chốt trên thế giới của mình hơn là một biện pháp mang tính răn đe và trừng phạt.

Sau một thời gian khá dài được xem như biện pháp chính gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc trong vấn đề thương mại, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức cho biết sẽ không đưa nền kinh tế thứ hai thế giới vào danh sách các nước thao túng tiền tệ để đổi lại sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên; đồng thời yêu cầu Chính phủ Trung Quốc có những điều chỉnh về thương mại song phương với Mỹ và thúc đẩy sự can thiệp của thị trường vào việc xác định tỷ giá của đồng nhân dân tệ. Điều này đồng nghĩa với việc, danh sách đen về thương mại của Chính phủ Mỹ với quân bài “thao túng tiền tệ” sẽ được Nhà Trắng sử dụng như một biện pháp đàm phán với các đối tác thương mại chủ chốt trên thế giới của mình hơn là một biện pháp mang tính răn đe và trừng phạt.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ về tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại lớn vào ngày 13.4 vừa qua cho biết, hiện tại chưa có dấu hiệu chính thức cho thấy các đối tác kinh tế lớn của Mỹ đang can thiệp vào tỷ giá đồng nội tệ của mình để tạo lợi thế thương mại không công bằng. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cũng xác nhận Chính phủ Mỹ sẽ không đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Hiện tại, có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đang thuộc diện giám sát tỷ giá tiền tệ của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (TQ), Đức và Thụy Sĩ. Danh sách này cũng đang được dự kiến mở rộng thêm một số đối tác thương mại khác của Mỹ như Australia và Indonesia.

Điều này cũng được Tổng thống Donald Trump xác nhận trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Jourrnal vào ngày thứ Tư 12.4, theo đó ông Trump cho biết Chính phủ của mình sẽ không coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, đồng thời xác nhận rằng Bắc Kinh đã chấm dứt các hành động can thiệp tỷ giá với đồng nhân dân tệ từ nhiều tháng qua. Theo các nhà phân tích, đây là một sự nhượng bộ từ phía ông Trump để đổi lại việc Trung Quốc sẽ giúp Mỹ trong vấn đề kiềm chế Triều Tiên.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phân nửa của vấn đề. Phần còn lại của thỏa ước về phía Trung Quốc để đổi lấy sự nhượng bộ của Mỹ sẽ là việc Bắc Kinh phải mở rộng thị trường và nền kinh tế của mình cho các công ty Mỹ như một biện pháp điều chỉnh cán cân thương mại song phương. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 13.4 cho biết: “Trung Quốc hiện đang có mức thặng dư thương mại song phương rất lớn và ổn định với Mỹ, vì thế Trung Quốc cần phải mở rộng hơn nữa thị trường của mình cho các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đồng thời cần cải cách nhanh hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình ở nước này”.

Ngoài việc mở rộng cửa vào thị trường nội địa hơn cho các công ty Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ phải thúc đẩy sự tham gia của thị trường vào việc xác định tỷ giá đồng nhân dân tệ. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Chính phủ Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua đã có các động thái can thiệp quy mô lớn để giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ theo ý muốn, và chỉ cho phép tăng dần tỷ giá này một cách cầm chừng gây ra những khó khăn nhất định cho các công ty và người lao động Mỹ.

Vì thế, theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc cần phải chứng minh cho việc không có động thái can thiệp vào tỷ giá bằng cách thúc đẩy tự do hóa đồng nhân dân tệ - một việc lẽ ra phải được thực hiện từ cuối năm ngoái sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa đồng nội tệ của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ dự trữ. Nếu tất cả những yêu cầu này từ phía Mỹ được Trung Quốc thực hiện, thì có thể xem đó như một thắng lợi nhất định của Tổng thống Donald Trump khi cùng lúc đã buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong khá nhiều các vấn đề mang tính nút thắt trong quan hệ thương mại giữa hai nước từ nhiều năm nay.

Thành công thu được trong việc sử dụng quân bài “thao túng tiền tệ” với Trung Quốc đang mở ra triển vọng Chính phủ Mỹ cũng sẽ thu được những thành công tương tự với các đối tác thương mại lớn còn lại trong danh sách đen của mình. Bản báo cáo ngày 13.4 của Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đưa ra các yêu cầu dưới danh nghĩa những đề xuất với 5 nền kinh tế còn lại trong danh sách giám sát tỷ giá tiền tệ của mình: với Đức là một “trách nhiệm” giúp cân bằng các dòng chảy thương mại và nhu cầu trên toàn cầu, theo đó nền kinh tế lớn nhất châu Âu nên sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng nội địa – một việc được đánh giá sẽ gây áp lực lên tỷ giá đồng euro.

Trong khi đó, Thụy Sĩ được yêu cầu minh bạch hóa hệ thống tài chính và hạn chế nhu cầu can thiệp vào dòng chảy ngoại hối. Điều tương tự cũng diễn ra với 3 nền kinh tế châu Á có mặt trong danh sách: cả Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đều được kêu gọi hạn chế can thiệp vào tỷ giá tiền tệ đến mức tối thiểu và nhất là có một chính sách tỷ giá linh hoạt và minh bạch.

Quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ về các yêu cầu dưới danh nghĩa là những đề xuất với 6 nền kinh tế nằm trong danh sách đen của mình tỏ ra rất rõ ràng: “Mỹ không thể và không chấp nhận việc phải chịu đựng gánh nặng của một hệ thống thương mại quốc tế gây bất lợi cho xuất khẩu của mình và phải chịu tình trạng thâm hụt nặng nề với các đối tác thương mại muốn giành ưu thế thông qua bóp méo tỷ giá hối đoái theo ý muốn. Bộ Tài chính Mỹ cam kết sẽ theo dõi và chống lại các hành vi thao túng tiền tệ không lành mạnh và thiếu thận trọng”.

Theo luật, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải báo cáo trước Quốc hội nước này 2 lần mỗi năm về vấn đề các đối tác thương mại lớn của Mỹ có đang ở trong tình trạng thao túng tiền tệ hay không. Báo cáo này sẽ là kênh chính thức để Chính phủ Mỹ quyết định có động thái giải quyết hay không: theo luật, Washington sẽ đàm phán với các đối tác thương mại bị nghi ngờ có thao túng tiền tệ trong vòng 1 năm để tìm cách giải quyết, nếu không thành công Nhà Trắng sẽ xem xét đưa ra các hình phạt.

Các tiêu chí để xem xét và đánh giá một đối tác thương mại của Mỹ có đang trong tình trạng thao túng tiền tệ hay không cũng được Bộ Tài chính nước này đưa ra trong bản báo cáo vừa qua. Theo đó, một đối tác thương mại của Mỹ sẽ nằm trong diện theo dõi nếu như có các dấu hiệu sau: Có mức thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỉ USD mỗi năm, có thặng dư tài khoản vãng lai chiếm hơn 3% GDP, khiến đồng nội tệ mất giá bằng cách mua tài sản nước ngoài tương đương 2% khả năng sản xuất.

Và nếu như đối chiếu với danh sách các nền kinh tế có quan hệ thương mại với Mỹ có nhiều hơn một trong số các tiêu chí trên, thì có vẻ như đối tượng theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ khá nhiều.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan
TP.HCM: Tuyến metro số 1 chính thức khai thác thương mại ngày 22.12 tới
Sau gần 20 năm thi công và trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công và sẽ chính thức đi vào khai thác thương mại ngày 22.12.2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau việc Mỹ sử dụng quân bài 'thao túng tiền tệ' với Trung Quốc