Gần phân nửa năm 2016 đã trôi qua, chỉ còn khoảng 6-7 tháng nữa để kiểm chứng xem những nhận định bi quan về nền kinh tế số hai thế giới trong năm 2016 có trở thành hiện thực hay không.

'Quả bom' tỷ giá nhân dân tệ bắt đầu phát nổ?

31/05/2016, 15:29

Gần phân nửa năm 2016 đã trôi qua, chỉ còn khoảng 6-7 tháng nữa để kiểm chứng xem những nhận định bi quan về nền kinh tế số hai thế giới trong năm 2016 có trở thành hiện thực hay không.

Trong tất cả dự đoán bi quan nhất, vấn đề nhận được nhiều sự chú ý nhất là tỷ giá nhân dân tệ, khi rất nhiều nhà phân tích kinh tế và đầu cơ đều cho rằng đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ sụt giá rất mạnh trong năm 2016. Và trong phiên giao dịch sáng ngày 30.5 vừa qua, khi tỷ giá nhân dân tệ tụt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm kể từ tháng 2.2011 thì ngay lập tức nó được xem là dấu hiệu đầu tiên của việc quả bom tỷ giá của Trung Quốc đã bắt đầu phát nổ.

Theo đó, trong phiên giao dịch sáng ngày 30.5 tỷ giá nhân dân tệ so với USD đã sụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.2011, cụ thể tỷ giá tham chiếu đã giảm 294 điểm cơ bản xuống còn 6,5784 nhân dân tệ đổi được 1 USD. Ngay lập tức cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm 9,88 tỷ USD (tương đương 65 tỷ nhân dân tệ) để bình ổn thị trường. Trước đó trong 2 ngày 26 và 27.5, PBOC cũng đã bơm thêm 75 và 95 tỷ nhân dân tệ vào thị trường.

Lý do chủ yếu dẫn đến việc tỷ giá nhân dân tệ sụt giá và PBOC phải liên tục bơm tiền được cho là kết quả của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố nhiều khả năng nâng lãi suất USD ngay trong tháng 6 tới.

Như thường lệ, việc USD có khả năng tăng lãi suất luôn khiến cho tỷ giá nhân dân tệ của Trung Quốc bị ảnh hưởng, ngoài việc tỷ giá tương quan giữa hai đồng tiền bị thay đổi theo hướng sụt giá của nhân dân tệ, nó cũng khiến cho các DN Trung Quốc có xu hướng mua vào USD để thanh toán nợ nần trước khi đồng bạc xanh tăng giá. Điều này thúc đẩy mạnh việc bán ra nhân dân tệ và mua vào USD quy mô lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, khiến cho nhân dân tệ sụt giá mạnh hơn.

Tuy nhiên, việc nội tệ của Trung Quốc mất giá mạnh lần này còn được nhìn nhận dưới một khía cạnh khác. Nó đang được xem là sự khởi đầu cho dự đoán rằng nhân dân tệ sẽ có một pha sụt giá rất mạnh trong năm 2016 do các vấn đề cố hữu của nền kinh tế Trung Quốc.

Khá nhiều các nhà phân tích kinh tế cũng như đầu cơ nổi tiếng trên thế giới đều đưa ra dự đoán này, như Kyle Bass – người đã dự đoán chính xác khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 hay tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros. Dự đoán được đưa ra là nhân dân tệ có thể sẽ mất giá 7-12% trong năm nay, thậm chí có thể lên đến 15-16% trong kịch bản xấu nhất. Nguyên nhân chủ yếu là những vấn đề như nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng mạnh, nền kinh tế giảm tốc, hay các vấn đề trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Chẳng hạn trong vấn đề gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, theo Kyle Bass, cách thức duy nhất để kìm hãm quả bom có thể làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc này phát nổ là phá giá nhân dân tệ để làm giảm quy mô và gánh nặng nợ nần. Nhưng kể cả khi quả bom nợ xấu có được xì bớt hơi, hệ quả không thể tránh khỏi với Trung Quốc là nền kinh tế sẽ bị chững lại do nội tệ mất giá mạnh và sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN và chi tiêu của người dân trong nền kinh tế.

Từ đầu năm 2016 đến nay chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực ứng phó với kịch bản tồi tệ này và tỷ giá nhân dân tệ với USD vẫn tương đối ổn định sau khoảng thời gian chao đảo vào đầu năm. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất đồng USD có thể trở thành 1 động thái mang tính kích hoạt cho quả bom tỷ giá này phát nổ mà Trung Quốc không thể ứng phó. Nhân dân tệ có thể sẽ mất giá khoảng 1,6-2% trong tháng này do những tác động từ việc tăng lãi suất của Fed và tùy thuộc vào việc nó có thể thúc đẩy xu hướng sụt giá của nhân dân tệ mạnh hơn nữa hay không để biết được quả bom tỷ giá của Trung Quốc sẽ phát nổ sớm hay muộn.

Trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra, tức là nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh từ 7-12% trong năm nay, đó sẽ là một tin rất xấu với kinh tế Trung Quốc. Ngoài những tác động tiêu cực đối với các DN và người dân trong nền kinh tế do nội tệ sụt giá mạnh, thì nó cũng có thể bào mòn quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc nhanh hơn dự tính. Hiện quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở khoảng 3.200 tỷ USD, nếu quả bom tỷ giá phát nổ và buộc chính phủ Trung Quốc phải bơm tiền để hỗ trợ và giải cứu tỷ giá, có thể nó sẽ chỉ còn khoảng 2.700 tỷ USD vào cuối năm nay và sụt xuống mức 2.000 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Sẽ rất khó để chính phủ Trung Quốc bù đắp vào những khoản hao hụt khổng lồ này bằng thặng dư thương mại như họ đã làm trong thời gian qua, sau khi đã bơm khoảng 513 tỷ USD để chống đỡ tỷ giá và ổn định cú sốc trên thị trường chứng khoán hồi năm ngoái, trong khi hệ thương mại giữa Trung Quốc với EU và Mỹ đang xấu đi nhanh chóng. Cả EU lẫn Mỹ đều đã tăng mức thuế áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc rất nặng, nặng nhất là trên 500% với các sản phẩm thép Trung Quốc. Điều này khiến cho triển vọng tiếp tục có được thặng dư thương mại lớn để bù đắp vào những hao hụt trong quỹ dự trữ ngoại tệ vì bình ổn tỷ giá có thể không trở thành hiện thực, nhất là khi nền kinh tế thế giới đang khá ảm đạm và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của nhiều nước đang sụt giảm mạnh.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Quả bom' tỷ giá nhân dân tệ bắt đầu phát nổ?