Người dân tin rằng, trong tương lai, một tổng thống Mỹ đến Việt Nam sẽ được tiếp đón bằng 21 phát đại bác hoàn toàn sẽ là hiện thực. Tư duy "thằng Mỹ" là một khái niệm không có trong một Việt Nam thân thiện, hợp tác, trách nhiệm.
Tại cuộc họp báo giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối giờ sáng ngày 23.5, một thông tin mới nhất được đưa ra: Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam như gỡ bỏ điểm nút cuối cùng trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
Đó là một tiến trình dài và gian nan, như ông Obama đã nói trước báo giới: "Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí không phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ yếu tố nào khác mà phụ thuộc vào mong muốn của Mỹ trong việc hoàn thành những điểm kết nối trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đây là một tiến trình được bắt đầu tương đối gian nan với các cuộc đối thoại khó khăn từ nhiều năm trước, với sự giam gia của Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm John Kerry, thượng nghị sĩ John McCain cùng rất nhiều người khác từ cả hai chính phủ.
Theo thời gian, những tiến bộ mà hai bên đạt được ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn. Mỹ và Việt Nam đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, an ninh đến cứu trợ với sự tôn trọng lẫn nhau. Rõ ràng, hai nước hiện không nên duy trì lệnh cấm nào nữa”, ông Obama nhấn mạnh và thêm rằng: “Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ. Và đồng minh của Mỹ sẽ giám sát quá trình nhưng không phải là nhân tố gây chia rẽ quan hệ Việt - Mỹ".
Ngày 11.7.1995, 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ bắt đầu chuyển mình. Văn phòng liên lạc Mỹ đã được nâng cấp thành tòa đại sứ đặt tại Hà Nội. Việt Nam tổ chức Lãnh sự quán ở Mỹ khi ông Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước. Năm 2000, ông Clinton sang thăm Việt Nam (từ 16-19.11). Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh. Từ 17-20.11.2006 Tổng thống Bush thăm Việt Nam khi ông dự hội nghị cấp cao APEC. Và nay là ông Obama, đương kim Tổng thống.
Lịch sử mối quan hệ hai nước trước đó còn ghi lại có những chương thật gian nan. Năm 1829, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson cử phái bộ ngoại giao do Edmund Roberts dẫn đầu mang theo dự thảo hiệp định thương mại đến tìm cách giao thương với nhà Nguyễn. Tháng 1.1832, chiến hạm Peacock chở phái bộ đến Vũng Lấm (Phú Yên). Đại diện nhà Nguyễn là Ngoại lang Nguyễn Tri Phương cùng Tư vụ Lý Văn Phức thảo luận nhưng hiệp định không khơi thông.
Edmund Roberts mô tả trong báo cáo của mình rằng lý do hoàn toàn thuộc về quan chức triều Nguyễn, thủ tục ngoại giao quá câu nệ, rườm ra, quan chức ủy quyền bàn luận không có chính kiến rõ ràng, lảng tránh các câu hỏi trực diện do phái đoàn đưa ra. Triều đình dè dặt, nghi kỵ. Phái viên nhà Nguyễn không đồng ý ký hiệp định khi đánh giá văn từ dự thảo không tuân thủ quy tắc cung kính tâu vua. Có tài liệu còn ghi, cận thần nhà Nguyễn còn đánh giá, tổng thống Mỹ được bầu ra có nhiệm kỳ nên không tương xứng với hoàng đế nhà Nguyễn (?).
Sử chép nhà Nguyễn lại dẫn, Ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức sau khi nghe dịch nội dung quốc thư của Hoa Kỳ và dự thảo hiệp định thương mại, thấy không hợp cách thức nên đã không trình lên vua mà lại viết thư trả lời rằng nhà vua không ngăn cản buôn bán, nhưng phải tuân theo mệnh thiên tử. Tàu Mỹ phải đến Đà Nẵng, không được phép lên bờ. Nhận được thư này, phái đoàn của Edmund Roberts rời đi (?).
Hơn 15 năm sau, trong chuyến hành trình đến vùng biển châu Á năm 1845, chiến thuyền Constitution (thường gọi là Old Ironsides) của Mỹ cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng John Percival liên lạc với các quan địa phương xin tiếp xúc với triều đình đặt mối giao hảo.
Được tin, vua Thiệu Trị cử Ngoại lang Nguyễn Long hỏa tốc vào Đà Nẵng hiệp cùng Kinh lịch thuộc viên ở tỉnh là Nguyễn Dụng Giai đến thăm hỏi và làm việc với Percival. Nhưng thay vì gây thêm cảm tình, Percival khi nhận được thư cầu cứu của giám mục Dominique Lefebvre thì chiếm đoạt lấy 3 chiến thuyền và một số người làm con tin, đòi thả ngay Lefebvre. Sự việc không giải quyết được, Percival sai nổ súng bắn lên bờ rồi nhổ neo ra khơi ngày 16 tháng 5. Tình hình thêm rắc rối, nỗ lực bang giao bế tắc.
Mãi đến năm 1873, lần này do xúc tiến của triều đình nhà Nguyễn, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Mỹ như một "đại sứ đặc mệnh toàn quyền" để cầu viện tìm cách chống Pháp. Bùi Viện sau đó đi qua ngả Yokohama (Nhật Bản) để đáp tàu sang Mỹ, rồi lưu lại đó một năm mới gặp tổng thống Ulysses Grant (được bầu 1868-1876). Lúc này Pháp và Mỹ đang đụng độ trong trận chiến ở Mexico, Mỹ tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên không đạt được cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại quay về Việt Nam, trở lại kinh thành Huế. Có được thư ủy nhiệm của vua Tự Đức, Bùi Viện lại xuất dương. Năm 1875 ông đặt chân đến Mỹ. Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ và Pháp đã hết thù địch nên Ulysses Grant khước từ giúp Tự Đức đánh Pháp.
Đầu thập niên 1940, cơ quan OSS (tiền thân của CIA) Mỹ đã giúp đỡ Việt Minh thuốc men và một số vũ khí để chống Nhật, đối tượng lúc ấy là kẻ địch của cả Mỹ và Việt Nam. Việt Minh giúp đỡ lực lượng Mỹ về tin tức tình báo và giúp cứu các lính Mỹ rồi chuyển giao cho người Mỹ. Khi các sĩ quan trong nhóm Con Nai rời Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư: "Bạn hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi mong muốn: độc lập dân tộc. Tôi lấy làm tiếc vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên khó khăn... Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó. Hãy tin ở tôi. Tôi sẽ mãi mãi như xưa”.
Khi Mỹ can dự vào chiến tranh Việt Nam, miền Bắc bị dội bom dày đặc. Những thế hệ lớn lên trong lửa đạn ám ảnh đau thương, bật lên hai chữ "thằng Mỹ". Nó ám ảnh cả nhiều thế hệ sau này. Bởi thế, như người ta nói, nhận thức là một quá trình...
Vào lúc Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam, những bức hình còn lưu lại cho thấy người dân Việt Nam chào đón ông rất thân thiện, không như những gì người ta hình dung trước đó. Tại Hà Nội, ông Clinton đã nhấn mạnh: "Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai. Hôm nay, nước Mỹ và nước Việt Nam đang làm nên trang sử mới". Khái niệm "thằng Mỹ" trong nhiều tâm hồn có nhận thức khác biệt, có lẽ rất ít tại thời điểm đó.
Khi Tổng thống Bush thăm Việt Nam, ông đã bỏ qua quy tắc an ninh cao nhất, ngồi trong xe ô tô và cho kính chống đạn xuống để chào vô số người dân đứng hai bên đón ông với nụ cười trên môi. Lúc đó, hẳn rất ít người còn có trong đầu khái niệm "thằng Mỹ" cũ kỹ, lạc điệu.
Trong nhiều năm qua, các kênh ngoại giao của hai nước và người dân hai nước đã nỗ lực không mệt mỏi để hiện thực hóa các tiềm năng thương mại tăng trưởng tốt hơn. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, năm 1995, thương mại giữa hai nước chỉ 200 triệu USD. Năm 2015, con số ấy lên tới 43,5 tỷ USD.
Hình ảnh báo chí trong và ngoài nước cho thấy người dân ào ra đường chào đón tổng thống Obama càng thúc đẩy khái niệm "thằng Mỹ" lùi vào quá khứ, thay vào đó là một thông điệp mới mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang và ông Obama thông báo chính thức: đối tác toàn diện, cùng với đó là việc Tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tổng thống thứ 3 của Mỹ, Thomas Jefferson đã từng tìm cách nhập từ Việt Nam những hạt giống lúa tốt để trồng ở trang trại tại bang Virginia, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trích dẫn những hạt giống tuyên ngôn của Thomas Jefferson vào Tuyên ngôn độc lập Việt Nam. Những nỗ lực quan hệ ngoại giao kéo dài trong nhiều thế kỷ đang đơm hoa kết trái trở lại.
Năm trước, Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden khi chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc Kiều: "Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Quốc yến trưa 23.5.2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu: "Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng những đóng góp của Mỹ để kết thúc một chương buồn trong lịch sử hai nước". Tổng thống Obama đáp từ: "Tôi được biết ở Việt Nam có một câu tục ngữ là "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Hôm nay, chúng ta cùng có mặt ở đây để bày tỏ sự kính trọng, trân trọng những người đã đến trước chúng ta. Những người Việt Nam và Mỹ, những người đã trồng cây và chăm cho cái cây đó ngày hôm nay đã trở thành đối tác toàn diện giữa hai nước".
Các tờ báo trích lời Tổng thống Barack Obama: "Tôi đã nhấn mạnh rất rõ rằng Mỹ không tìm kiếm việc áp đặt thể chế chính phủ kiểu của mình lên Việt Nam hay lên bất cứ quốc gia nào khác. Chúng tôi tôn trọng sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi cũng vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng vì nhân quyền vì chúng tôi tin tưởng đó là những quyền phổ quát của toàn nhân loại. Bản thân tôi tin tưởng rằng một dân tộc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, một quốc gia sẽ trở nên hưng thịnh hơn nếu các quyền phổ quát ấy được thực thi. Hai nước chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề này trong khuôn khổ hoạt động Đối thoại Nhân quyền với tinh thần tích cực trong nỗ lực hợp tác. Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất ở khu vực".
Khác biệt vẫn còn nhiều, nhưng mối quan hệ giữa hai quốc gia và người dân hai nước đang xích lại gần hơn bao giờ hết. Nhìn cách người dân đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama, người ta tin từ "đối tác toàn diện" đến "đồng minh chiến lược" là một khoảng cách không xa, dù dĩ nhiên sẽ còn tốn nhiều thời gian và nhiều gian nan. Người dân tin rằng, trong tương lai, một tổng thống Mỹ đến Việt Nam sẽ được tiếp đón bằng 21 phát đại bác hoàn toàn sẽ là hiện thực. Tư duy "thằng Mỹ" là một khái niệm không có trong một Việt Nam thân thiện, hợp tác, trách nhiệm.
Cu Làng Cát
Ảnh: Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 23-25.6