Với khoảng 30 tập đoàn và tổng công ty nhà nước, kèm theo đó là số vốn khổng lồ cỡ trên 3 triệu tỉ đồng mà ủy ban này (nếu ra đời) rồi sẽ quản lý, có thể nói Ủy ban Quản lý doanh nghiệp nhà nước quả là "siêu khủng"!
Theo đề án mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang soạn thảo cho mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tương lai và theo tinh thần mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng đã xác định: "Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ủy ban đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước".
Nếu xét về ý tưởng thì nhiều người thấy đây cũng có thể là điều tốt nếu chúng ta có một bộ máy quản trị thật sự giỏi. Song ở thời điểm hiện nay, đây là điều rất khó để thực thi và cũng rất khó mang lại hiệu quả như mong muốn nếu không nói là sẽ bị sa lầy khi mà tầm nhìn cũng như phương pháp quản lý DN, công nghệ quản trị DN của chúng ta vẫn còn khá lạc hậu.
Với khoảng 30 tập đoàn và tổng công ty nhà nước, kèm theo đó là số vốn khổng lồ cỡ trên 3 triệu tỉ đồng mà ủy ban này (nếu ra đời) rồi sẽ quản lý, có thể nói Ủy ban Quản lý DNNN quả là "siêu khủng"! Nói vậy có nghĩa nó vẫn còn hơi hướng kiểu quản lý nhà nước chứ không phải là một mô hình tổng công ty kinh doanh. Nhưng vì nó quá lớn, nó như một thứ "siêu bộ", hay đúng hơn là "siêu ủy ban".
Vậy thì họ sẽ quản lý thế nào khi những người giỏi trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp ở nước ta hiện không thật nhiều. Không nhiều người giỏi cũng một phần vì người giỏi giờ không muốn làm cho nhà nước bởi lương thấp hơn so với làm cho tư nhân và nước ngoài. Những người chấp nhận làm cho nhà nước, nếu không yêu nghề, không khát khao cống hiến thì quả là rất khó chấp nhận mức lương đó nếu thật sự không có bổng lộc ngoài lương...
Tôi đã từng nghe một người bạn rất giỏi kinh doanh, khá thân với doanh nhân Trần Bảo Minh - người được giới doanh nghiệp thường gọi bằng cái tên "phù thủy marketing", kể: Khi mới 33 tuổi, Trần Bảo Minh đã được tập đoàn Pepsi bổ nhiệm làm giám đốc marketing toàn cầu. Nhiều DN sau này rất muốn thuê anh về làm lãnh đạo. Song đặc điểm của nhân vật này là không thích làm lâu một nơi nào, dù lương hậu hĩnh. Anh chấp nhận cả điều tiếng là người không chung thủy và cũng không ngại điều này. Anh chỉ muốn làm đúng mục tiêu mà anh đã cam kết với DN theo như hợp đồng đã ký với nhau. Khi đã thành công là anh lại rời đi để tìm một cơ hội thử thách mới dù là khốc liệt hơn. Có thể nơi mới cũng không nhất thiết sẽ trả lương cao bằng nơi anh đang làm, vốn cũng đang vào guồng "ngon lành". Nghe nói, lương của anh phải khoảng 600 triệu đồng/tháng. Với mẫu giám đốc như vậy, DNNN thực ra rất khó thuê họ và khó có thể hấp dẫn họ, nhưng doanh nghiệp tư nhân thì lại làm được.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã tỏ ra hoài nghi về mô hình "siêu ủy ban" khi mà đi vào vận hành, ủy ban trên sẽ cần ít nhất tới 600 chuyên gia kinh tế giỏi để tham gia quản lý, giám sát nó. Ông Tiến cũng cho biết một thông tin đáng lưu ý: Ngay cả ở Trung Quốc, nơi đã thành lập một "siêu ủy ban" quản lý DNNN thì đến giờ, sau một thời gian, họ cũng đã quyết định xóa bỏ ủy ban đó. Họ thành lập nhiều tổng công ty đầu tư và có vẻ thành công hơn là mô hình siêu ủy ban trước đó.
Tôi lại cũng từng được nghe một vị giáo sư, tiến sĩ kinh tế từng kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ một nhà giáo kỳ cựu có tầm trong một trường đại học danh tiếng hàng đầu nước nhà, rồi được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở một đơn vị nghiên cứu kinh tế quan trọng. Sau đó, ông lại được cấp trên tin tưởng đưa xuống doanh nghiệp làm chủ tịch HĐQT một tổng công ty vào hạng có máu mặt đang ăn nên làm ra. Những tưởng với lý thuyết và thực tiễn đã hòa quyện gần cả đời người như thế thì ông làm việc gì mà chẳng thành công. Ấy vậy mà ông cũng có cảm giác việc quản lý DNNN "kiểu rất riêng" của đất nước ta có điều chưa thật ổn. Ông tự thấy nó quá sức mình, và nhận xét: Tôi cũng không nghĩ mình đã quản lý thật sự tốt dù DN có lãi lớn, bởi công tác quản trị DNNN nói chung hiện nay ở nước ta còn rất nhiều hạn chế và rất khác so với các nước tiên tiến...
Ông giáo sư nói vậy có lẽ không phải do khiêm tốn. Phải chăng, với các DNNN của chúng ta hiện nay, không có bộ ngành nào có thể khẳng định là mình đủ khả năng quản lý và giám sát chặt chẽ được một tập đoàn kinh tế nào. Thực tế chứng minh cho đến khi Vinashin, Vinalines... bên bờ vực phá sản thì tất cả chúng ta mới biết và mới vỡ ra rằng ở đó có quá nhiều lỗ hổng. Vai trò lãnh đạo của Đảng ở những đơn vị ấy gần như tê liệt thực sự.
Cũng như, ngay cả Ngân hàng Công thương (VietinBank) với phương tiện, trang thiết bị và trình độ quản trị tưởng tiến bộ đến thế mà một trưởng phòng ở một hội sở có thể cuỗm đến 4.000 tỉ đồng vào túi cá nhân mà Chủ tịch HĐQT và ban lãnh đạo còn không biết và cũng không phải chịu trách nhiệm gì (!). Vậy liệu có ai dám chắc những ngân hàng khác đã thật an toàn?
Mới hôm rồi, Tổng kiểm toán Nhà nước đưa ra kết luận: Khi vào kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì phát hiện thấy có nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành đến mức đang đối mặt với khả năng thua lỗ, thậm chí có nguy cơ mất trắng vốn nhà nước… Qua đó mới vỡ ra rằng một doanh nghiệp “khủng” như PVN, tưởng như cứ múc dầu dưới lòng biển lên mà xài là dễ lắm, là lời to. Nào ngờ nơi này có rất nhiều hạn chế và xảy ra cả sai phạm cần xem xét để chấn chỉnh sau một thời gian giá xăng dầu thế giới xuống dốc thê thảm buộc PVN sẽ phải tái cấu trúc một lần nữa...
Thế thì cái “siêu ủy ban” sẽ quản trị, chi phối, giám sát thế nào đối với 30 DN lớn tương đương như thế, với ngành nghề kinh tế, kỹ thuật rất khác nhau? Với công nghệ quản trị còn quá lạc hậu của chúng ta hiện nay, đó sẽ là rào cản rất đáng lo dù cho đây được xem là một quyết tâm chính trị phải thực hiện... Với thể chế kinh tế và thể chế chính trị như của chúng ta hiện nay, đây là việc vô cùng khó khăn.
Theo thiển ý của tôi, trước khi thực hiện theo hướng này, cần thật nhanh chóng hoàn thiện việc điều chỉnh, sửa đổi khoảng hai chục luật và nghị định mà Việt Nam đã ban hành. Cần sớm thoái vốn khỏi những DN mà Nhà nước không cần nắm, dù có đang làm ăn cực tốt. Cần sớm đoạn tuyệt và cho phá sản ngay những DN làm ăn thua lỗ lâu nay vốn không tìm được lối ra, mà chỉ nên nắm giữ một số DN nắm vai trò chi phối nền kinh tế đất nước. ..
Quốc Phong/Duyên Dáng Việt Nam