Việc hiểu đúng và đủ về quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng là một trong những thứ “vũ khí” giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, sống chung “an toàn, thích ứng và hiệu quả” với COVID-19.
Quản trị rủi ro là vũ khí của doanh nghiệp
COVID-19 được coi là cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử, đã gây hậu quả rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Tại hội thảo “Những thay đổi của thế giới - cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng của Việt Nam”, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững (VBCSD) cho rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có tính hai mặt.
Theo đó, việc hiểu đúng và đủ về quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng là một trong những thứ “vũ khí” mà bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng để giúp doanh nghiệp của mình vượt qua khủng hoảng, đặc biệt trong bối cảnh sống chung “an toàn, thích ứng và hiệu quả” với COVID-19.
Theo một khảo sát gần đây của Viện Quản trị và công nghệ FSB (Trường đại học FPT), một trong 5 yếu tố tương đồng ở các doanh nghiệp vượt qua được cơn bão COVID-19, đó chính là việc có được một chiến lược, kế hoạch để ứng phó và quản trị khủng hoảng, cũng như đo lường và xây dựng được khung quản trị rủi ro tốt.
“Bao nhiêu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề thực sự hiểu vai trò của quản trị rủi ro như một yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững? Thực tế, đợt sóng COVID-19 thứ 4 vừa qua đã cho thấy rất rõ là hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp chưa có một cái nhìn đầy đủ, đúng đắn và toàn diện về quản trị rủi ro và khủng hoảng”, bà Thanh nêu.
Theo bà Thanh, thực tế tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phát triển và trưởng thành đã xây dựng khung quản trị rủi ro và đang thực hiện quản trị rủi ro nhưng về cơ bản vẫn bằng kinh nghiệm và tự phát là chính. Còn lại, đại đa số, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa có cơ chế và phương pháp luận để đánh giá, theo dõi, xử lý, giám sát rủi ro.
Theo đó, mục tiêu của quản trị rủi ro là cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp. Quản trị rủi ro bao gồm 3 hoạt động chính là: nhận diện rủi ro, xây dựng mức độ chấp nhận rủi ro, thực hiện quản trị rủi ro; còn quản trị khủng hoảng là chương trình được xây dựng để sẵn sàng quản lý khủng hoảng ở cấp độ công ty khi rủi ro trọng yếu xảy ra.
Trong điều kiện bình thường, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng được xây dựng trên nền tảng hoạt động kinh doanh liên tục. Điều này đảm bảo cho khi có bất kỳ sự đứt gãy, gián đoạn nào diễn ra trong khủng hoảng, thì khả năng nối lại sự đứt gãy đó là nhanh nhất với chi phí thấp nhất.
“Khi COVID-19 xảy ra, thứ trọng yếu nhất cần triển khai là kích hoạt kế hoạch quản trị khủng hoảng cùng với kế hoạch kinh doanh liên tục, sau đó là kế hoạch khôi phục sau sự cố”, bà Thanh nêu.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Để sống chung một cách thích ứng, an toàn và hiệu quả trong điều kiện mới, bà Thanh cho biết có 6 nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ. Cụ thể:
-Đặt nền móng: Kiến tạo một doanh nghiệp với tinh thần kiên cường và linh hoạt, sẵn sàng đối mặt với mọi bất ổn.
-Bảo toàn và thúc đẩy doanh thu: Xác định các cơ hội giúp cải thiện doanh thu.
-Giảm và quản lý chặt chẽ chi phí: Tăng tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận thuần để chống lại các ảnh hưởng tiêu cực lên doanh thu.
-Tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Rà soát lại danh mục tài sản, củng cố bảng cân đối kế toán, quản lý dòng tiền.
-Tăng tốc chuyển đổi số: Sử dụng công nghệ và dữ liệu để tạo điều kiện cho tăng trưởng, giảm chi phí và phát triển thành một doanh nghiệp số.
-Quản lý các mong muốn: Thích ứng để có thể đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và chủ động giải quyết các rủi ro do tình hình bất ổn gây ra.
Theo bà Thanh, từ 6 nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể tập trung vận dụng linh hoạt để tìm cơ hội trong thách thức để lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần xây dựng một chương trình quản lý khủng hoảng toàn diện, nhằm mang lại một cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để chuẩn bị và ứng phó với khủng hoảng đang xảy ra và những rủi ro tương tự có thể xảy đến trong tương lai.
Theo đó, đội ngũ quản lý khủng hoảng phải bao gồm những chuyên gia giàu kỹ năng và kinh nghiệm, với quy trình, hướng dẫn đơn giản và rõ ràng cũng như việc phân quyền phân nhiệm chính xác và mạch lạc. Hoạt động quản lý khủng hoảng cần được truyền thông rõ ràng, minh bạch. Qua đó, các sự kiện và hành động ứng phó được theo dõi và có điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
Từ khung quản lý khủng hoảng, doanh nghiệp cần nắm rõ chu trình quản lý khủng hoảng với các thời điểm kích hoạt các kế hoạch liên quan đến quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng khác nhau. Trong chu trình này, ngay khi khủng hoảng nổ ra, doanh nghiệp cần kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp để đảm bảo duy trì các hoạt động cốt lõi, các chức năng quan trọng, các quy trình trọng yếu của doanh nghiệp, cũng như để có thời gian đánh giá những thiệt hại có thể đã xảy ra cho doanh nghiệp.
Tiếp sau đó là kế hoạch hoạt động liên tục để giúp doanh nghiệp phục hồi dần về trạng thái bình thường. Xuyên suốt trong hành trình này, cốt lõi của hoạt động quản trị rủi ro - quản trị khủng hoảng chính là kế hoạch quản lý khủng hoảng với khung triển khai đã được đề cập ở trên.